Thị trường

Hậu "cơn sốt" điện tái tạo - Bài 2: Làm gì để tránh lãng phí hơn 2.000MW?

28/03/2023, 08:36

Việc đàm phán giá điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trước 31/3 được cho là bất khả thi, trong khi cơ chế DPPA vẫn vướng về pháp lý.

LTS: Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050 theo hướng "xanh, sạch". Vấn đề đặt ra là, giải quyết thực trạng phát triển điện tái tạo (điện gió, mặt trời) hiện nay ra sao để thu hút đầu tư vào ngành điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?

Bài 1: Hậu cơn sốt điện tái tạo: Nhiều bài học đắt giá

Bài 2: Làm gì để tránh lãng phí hơn 2.000MW?

Việc Bộ Công thương yêu cầu EVN hoàn thành đàm phán giá điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vào 31/3 được cho là nhiệm vụ bất khả thi. Việc tạm thời huy động điện của các dự án này hay áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là lối ra cho các dự án, nhưng vẫn vướng về tính pháp lý.

Lộ nhiều vấn đề khi đàm phán giá điện

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lần lượt là hơn 1.638MW và hơn 452MWac) tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận ước tính: Nếu tính hệ số công suất bình quân của điện gió là 30%, sản lượng điện của các dự án điện gió trên khoảng 4,3 tỷ kWh/năm (1.638x1.000x365x24x0,3). Tương ứng với số tiền điện thu về theo giá FIT (1.928 đồng/kWh) khoảng 8.290,4 tỷ đồng mỗi năm.

Còn với điện mặt trời, hệ số công suất khoảng 16%, sản lượng điện của các dự án trên khoảng 0,633 tỷ kWh/năm (452x1.000x365x24x0,16). Tương ứng với tiền điện thu về theo giá FIT điện mặt trời (1.644 đồng/kWh) khoảng 1.040 tỷ đồng mỗi năm.

img

28 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.638MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm nhưng chưa được huy động. Ảnh: Hồng Hạnh

Như vậy, do không được huy động, mỗi năm các dự án đã hoàn thành thi công, thử nghiệm bị lãng phí hơn 9.330 tỷ đồng. Tất nhiên, đây là con số tương đối, song cũng đủ thấy nỗi xót xa của nhà đầu tư khi nhìn dự án hàng nghìn tỷ đồng phải nằm im.

Trong thông báo kết luận cuộc họp về năng lượng tái tạo ngày 20/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện tái tạo đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành.

“Hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đàm phán thỏa thuận về giá phát điện giữa các bên theo các quy định đã được Bộ Công thương ban hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này trước ngày 31/3/2023”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên ký văn bản gửi EVN yêu cầu tập đoàn này phải hoàn thành đàm phán giá điện cho các dự án chuyển tiếp vào 31/3/2023.

Đây được cho là nhiệm vụ không thể thực hiện được do đến giờ này, vẫn rất ít trong số 85 nhà đầu tư gửi hồ sơ đàm phán đến EVN.

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm Công tác điện và năng lượng (Diễn đàn doanh nghiệp VBF) cho rằng: Biểu giá điện hỗ trợ (FIT) cho các dự án điện mặt trời và điện gió là bằng chứng cho thấy chính sách có thể khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo như thế nào. Tuy nhiên, hàng nghìn MW công suất của những dự án này đang phải chờ xác định giá bán điện phù hợp cho cả nhà đầu tư và EVN theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, do dự án không đáp ứng được thời hạn Ngày vận hành thương mại (COD) để được hưởng giá FIT ưu đãi.

“Mới đây Bộ Công thương cũng vừa ban hành cách xác định khung giá cho các dự án chuyển tiếp này, tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để EVN và các nhà đầu tư thống nhất giá bán cụ thể cho từng nhà máy điện”, ông John Rockhold nói và cho rằng việc chậm đưa dự án vào vận hành thương mại đôi khi là vì lý do khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.

“Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những dự án này là nguồn năng lượng sạch, và một số dự án đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc kịp thời có giải pháp cho những dự án chuyển tiếp này là cần thiết hơn bao giờ hết, trong khi chờ chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo”, ông John Rockhold tha thiết đề nghị.

Một chuyên gia năng lượng (đề nghị giấu tên) chia sẻ với PV Báo Giao thông rằng: Các dự án chuyển tiếp khi xây dựng phương án tài chính là trên cơ sở giả định nguồn tiền thu về từ giá FIT (hơn 1.900 đồng/kWh). Cho nên các chủ đầu tư rất dễ dàng tính toán chi phí lỗ lãi. Khi đầu tư dự án, họ sẵn sàng mạnh tay chi tiền để đảm bảo tiến độ. Nhưng giờ đây, khi Bộ Công thương áp mức giá trần đàm phán thấp hơn nhiều so với giá FIT, thì bài toán của các chủ đầu tư điện gió đã thay đổi. "Tôi tin rằng 36 nhà đầu tư viết đơn gửi Thủ tướng Chính phủ đã tính được rằng với mức giá đó, họ chắc chắn lỗ", ông này nhấn mạnh.

“Lúc này nhà đầu tư muốn đàm phán với EVN sẽ phải trưng hết chứng từ để xem xét chi phí giải phóng mặt bằng, mua sắm thiết bị, đầu tư xây dựng, từ đó quyết định một mức giá. Nếu chi phí nào không có hóa đơn chứng từ thì sẽ bị loại. Như vậy, chủ đầu tư có thể bị giảm chi phí so với số tiền thực tế chi ra, mức giá đàm phán theo đó cũng không như kỳ vọng”, vị này nhận định.

Trong cuộc họp với EVN gần đây, nhiều nhà đầu tư cùng kiến nghị huy động ngay sản lượng của các dự án hoàn thành đầu tư xây dựng. Nhưng EVN cho biết, vấn đề này vượt thẩm quyền của tập đoàn này.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Công thương rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán thỏa thuận giá phát điện theo các quy định của Bộ Công thương.

Tia sáng từ cơ chế mua bán điện trực tiếp

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, 36 nhà đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công thương đã dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế này, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

“Để phù hợp, thực hiện đúng với chủ trương của Đảng và Chính phủ đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả và xét tới thực tế là nhiều bên sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các dự án, cơ chế DPPA sẽ là phương án bổ sung cần thiết để các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió có thể đi vào hoạt động và thu hồi vốn từ một kênh nhiều tiềm năng khác”, các nhà đầu tư kiến nghị.

img

Cơ chế DPPA, còn vướng mắc ở chỗ hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến các hộ tiêu thụ điện...

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm Công tác điện và năng lượng cho rằng: "Chúng tôi rất mong muốn thí điểm cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn sẽ sớm được phê duyệt. Chúng tôi cho rằng chương trình thí điểm này là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư tư nhân, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác, nơi các công ty đang tìm kiếm nguồn năng lượng xanh giá cả phải chăng khi họ đưa ra quyết định đầu tư.

Không còn nhiều thời gian để các thành viên của chúng tôi thực hiện những cam kết và mục tiêu mà họ đã đặt ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Do đó, chúng tôi hy vọng có được sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc trình duyệt chương trình thí điểm DPPA để chương trình này có thể được triển khai trong quý đầu tiên của năm 2023”, ông John Rockhold đề xuất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong thông báo kết luận ngày 20/3 cũng lưu ý Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu toàn diện kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực để rà soát nội dung dự thảo cơ chế thí điểm DPPA áp dụng ở nước ta bảo đảm phù hợp với khung khổ pháp lý hiện hành, tính khả thi và hiệu quả chung.

Trên cơ sở đó, tổ chức hội thảo rộng rãi vào đầu tháng 4/2023 để tham vấn ý kiến các bộ, ngành, tổ chức (trong và ngoài nước) và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan để hoàn thiện cơ chế thí điểm DPPA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.