Thị trường

Hậu "cơn sốt" điện tái tạo - Bài 3: Bàn giải pháp khả thi, lâu dài

30/03/2023, 08:30

Theo TS. Ngô Đức Lâm, để đàm phán giá thành công, Nhà nước, nhà đầu tư và EVN cùng nên chịu thiệt; về lâu dài, cần có Luật Năng lượng tái tạo...

LTS: Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050 theo hướng "xanh, sạch". Vấn đề đặt ra là, giải quyết thực trạng phát triển điện tái tạo (điện gió, mặt trời) hiện nay ra sao để thu hút đầu tư vào ngành điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?

Bài 1: Hậu "cơn sốt" đầu tư điện tái tạo: Nhiều bài học đắt giá

Bài 2: Hậu "cơn sốt" điện tái tạo: Làm gì để tránh lãng phí hơn 2.000MW?

Bài 3: Bàn giải pháp khả thi, lâu dài

Hiện nay, các giải pháp nhằm đưa ra giá bán cho các dự án điện gió, mặt trời (điện tái tạo) đều đang vướng. Giải quyết thực trạng này ra sao để thu hút đầu tư vào ngành điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia? Phóng viên Báo Giao thông trao đổi với TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương về vấn đề này.

img

TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương

Cả ba bên cùng nên chịu thiệt

Thưa ông, hiện nay, sau “cơn sốt” điện tái tạo, nhiều nhà đầu tư kêu cứu vì việc đàm phán giá điện gần như bất khả thi, trong khi, việc tạm thời huy động điện của các dự án này, hay áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là lối ra cho các dự án, nhưng vẫn vướng về tính pháp lý, ông đánh giá thế nào về tình huống này?

Hiện nay, việc đàm phán giá điện đang ở tình huống rất khó giải quyết. Đây là thời điểm rất nhạy cảm về vấn đề giá cả.

Ngành điện đang lỗ vốn nặng. Năm 2022, mức lỗ hơn 28.000 tỷ đồng, dự kiến lỗ sản xuất - kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng trong năm 2023. EVN cũng đang kiến nghị tăng giá. Theo giải thích của ngành điện, họ lỗ bởi lý do khách quan, đó là cuộc chiến Nga – Ukraine và tác động của Covid-19, khiến giá nhiên liệu đầu vào, chủ yếu là than tăng gấp 4 lần mà họ không khả năng định đoạt được diễn biến. Nếu Nhà nước không có giải pháp kịp thời thì EVN sẽ lâm cảnh khó khăn tài chính, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong hoàn cảnh đó, việc phải thêm gánh nặng đàm phán giá điện tái tạo thì sẽ là câu chuyện khó cho EVN. Cho nên, quyết định giá nào cho điện tái tạo thời điểm này là không dễ.

Trong khi đó, việc áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đang vướng ở khâu truyền tải, chưa làm ngay được.

Vậy theo ông, nên giải quyết bài toán này như thế nào?

Việc đàm phán giá phải đạt được 3 mục tiêu, đó là: Doanh nghiệp có lãi, nhưng phải hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Nếu chỉ đạt được mục tiêu của doanh nghiệp mà chưa đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, thì Nhà nước chưa thể quyết định được.

Theo tôi, trước mắt, việc đàm phán phải đứng trên tinh thần hỗ trợ Chính phủ giải quyết bài toán vĩ mô. Vĩ mô ở đây không chỉ là giá điện, mà là giá của tất cả mặt hàng khác sẽ tăng theo giá điện.

Dù muốn hay không muốn, EVN và nhà đầu tư cũng nên thảo luận sòng phẳng với nhau lần cuối cùng, trên quan điểm hài hoà lợi ích của cả 3 bên, chứ không phải chấp nhận mức giá khung Bộ Công thương đặt ra hiện nay.

Mức giá trần Bộ Công thương đưa ra là cơ sở để thảo luận, nhưng nếu thảo luận thấy không hợp lý thì cần “nâng lên đặt xuống” theo nguyên tắc không tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô.

Do đó, cả 3 bên, Nhà nước, EVN và nhà đầu tư cũng nên chịu thiệt tới mức độ nào đó, trong khả năng chấp nhận được với nhau, để vượt qua giai đoạn này, tiến tới một giai đoạn ổn định, sẽ có tính toán lại đầy đủ hơn.

Cần có luật riêng về năng lượng tái tạo

Với thực trạng hiện nay, ông nhận định, việc phát triển điện tái tạo thời gian tới sẽ ra sao?

Đánh giá tổng thể, cả giai đoạn dài phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) thì đến nay có rất nhiều điều đáng bàn.

Với những kinh nghiệm và bài học thời gian qua cho thấy, nhà hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra các giải pháp đảm bảo đạt các mục tiêu và cam kết cho NLTT và phát thải, đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý...

Theo tôi, để phát triển lâu dài và bền vững cho nguồn điện tái tạo thì những năm tới đây cần có Luật NLTT. Có luật mới thúc đẩy được đầu tư, quyền lợi nhà đầu tư được luật bảo vệ. Còn nếu tình trạng như hiện nay, cơ chế chính sách cho điện tái tạo thay đổi liên tục, lúc rất ưu đãi, lúc lại rất không khuyến khích thì sẽ khiến nhà đầu tư bị động, không tính toán được đường dài. Điều đó cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách phát triển NLTT.

Nếu được xây dựng, theo ông, Luật NLTT cần lưu ý những vấn đề gì?

Chủ thể trong Luật Điện lực khác với chủ thể đầu tư NLTT, do đó, Luật NLTT này sẽ khác rất nhiều so với Luật Điện lực. Điều này cũng nói rõ, luật cho phát triển NLTT không thể đưa vào quy định chung ở Luật Điện lực, mà cần tách bạch riêng biệt. Đó cũng là kinh nghiệm từ quốc tế.

Thời gian tới cần hướng tới thị trường điện, đồng nghĩa với việc giải quyết bài toán truyền tải, do đó, những điểm cần nêu rõ ở Luật này là tư nhân làm sao đi mua đất được, làm truyền tải được. Chẳng hạn, ai giải phóng mặt bằng? Việc xây dựng dự án phải tiến hành ra sao? Quá trình nghiệm thu bàn giao tài sản thế nào…

Sau đó, quy định quá trình vận hành ra sao? Hiện nay vận hành là phần khó khăn nhất trong phát triển NLTT. Tới đây, phải có quy định nhà đầu tư tham gia vào công tác vận hành như thế nào, đảm bảo tỷ lệ huy động ra sao.

Nếu rõ ràng, minh bạch được những vấn đề trên trong Luật NLTT thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền đầu tư. Nhờ đó, chúng ta mới thu hút được tư nhân đầu tư vào phát triển nguồn điện tái tạo khi khả năng tài chính của EVN đang ngày càng cho thấy khó lòng đảm đương được nhiệm vụ này.

Cùng với việc luật hoá chính sách NLTT, cần có giải pháp và hành động như thế nào để phát triển nguồn điện này trong tương lai thưa ông?

Các chính sách thời gian qua cho NLTT đã tạo điều kiện kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư, chúng ta cũng đã có những nhà đầu tư có kinh nghiệm để làm điện mặt trời, điện gió… Vậy thời gian tới, chúng ta cần xây dựng chính sách cho NLTT theo cách bền vững hơn, đó là hình thành được các công ty tiên phong về NLTT, chính sách ban hành đảm bảo nhà đầu tư có lợi nhuận, Nhà nước thực hiện được các cam kết quốc tế về năng lượng xanh… Việc quy hoạch điện mặt trời, điện gió cũng cần phải tính toán bài bản hơn. Chúng ta nên tránh tình trạng chính sách giật cục, lúc thì quá nóng, khi thì quá lạnh như thực trạng phát triển NLTT thời gian qua.

Một điều cần lưu ý, chúng ta vẫn thường nói giá điện than rẻ. Nhưng hàng năm, giá nhiệt điện than đều tăng từ 2-5% do giá than mỗi năm đều tăng. Trong khi đó, công nghệ NLTT giúp giá giảm dần, giá điện từ NLTT hiện nay so với 5 năm trước đã giảm quá nửa.

Chưa kể đến việc, thời gian tới chúng ta phải nghĩ đến thị trường carbon. Tức là, phải tính thuế carbon vào giá 1kWh điện. Theo tính toán của tôi, mức thuế này vào khoảng 3-4 cent/kWh, khi đó, rõ ràng giá điện than có thể còn cao hơn cả giá điện tái tạo.

Cho nên, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt ra trong quy hoạch điện 8 phải tính đủ các yếu tố để so sánh giá. Nếu tính cả ô nhiễm và phát thải carbon thì giá nhiệt điện than không phải là ưu điểm nữa.

Điều đó cho thấy phát triển NLTT là con đường tất yếu Việt Nam phải đi theo.

Xin cảm ơn ông!

"Tôi ước tính chỉ 50% nhà đầu tư điện gió kịp giá FIT là trường hợp đã được cấp giấy phép đầu tư trước hạn chót (hưởng giá FIT) 3 năm, còn lại 50% là được cấp phép trước 1 năm.

Những nhà đầu tư thuộc diện cấp phép trước 1 năm, thì tổng chi phí phải bỏ ra cao thêm 15% để kịp thi công. Điều này dẫn đến suất đầu tư lẽ ra chỉ 40 tỷ/MW, nhưng bị đội lên 45-50 tỷ/MW. Suất đầu tư tăng cho nên khấu hao tăng, lãi vay tăng. Lợi ích từ giá FIT không còn bao nhiêu nữa.

Nhiều dự án chỉ cân bằng tài chính, còn nếu tính cả vận hành, quản lý với chi phí rất đắt đỏ thì không biết họ có lãi hay không. Nhiều chủ đầu tư chắc cũng không lường hết được điều này.

Còn dự án không kịp hưởng giá FIT, tôi tin rằng nếu theo mức giá trần Bộ Công thương đưa ra, dự án nào gió tốt thì hoà, còn không sẽ rất khó khăn".

Tâm sự của một nhà đầu tư điện gió

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.