Luật sư Trần Hữu Huỳnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí. Ảnh: L.Th |
Trao đổi với PV Báo Giao thông về hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế (VCCI) cho biết: Nhiều chính sách hỗ trợ DN chưa được ban hành kịp thời và những chính sách đã được ban hành nhưng thực thi chưa hiệu quả.
Khi đàm phán và ký kết các FTA, chúng ta buộc phải mở cửa đối với một số hàng hóa trong nước để đổi lại đối tác mở cửa thị trường cho hàng hóa của ta. Nhưng khi được đối tác mở cửa, chúng ta lại không khai thác tốt thị trường bạn. Việc hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu, ta cũng làm chưa tốt. Thêm nữa, các công cụ bảo hộ kỹ thuật như vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về xuất xứ… mà WTO và các FTA cho phép nhưng ta cũng làm chưa tốt.
Nguyên nhân là do sự hướng dẫn chưa tốt từ phía cơ quan nhà nước và sự thụ động của các DN. Nhiều trường hợp, DN chết rất tức tưởi mà không biết sử dụng các công cụ để tự cứu mình. Ở đây, thậm chí “con” không khóc chứ đừng nói tới việc “mẹ” cho bú.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Một vấn đề mà cộng đồng DN đã cảnh báo là chính sách không được ban hành đột ngột. Chính vì vậy, việc tham gia đàm phán, ký kết các FTA cần được cảnh báo sớm, cần có các biện pháp về thuế quan, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, môi trường… thảo luận công khai, minh bạch để DN chuẩn bị. |
Chúng ta có thể học hỏi được gì từ chính sách bảo hộ của Hàn Quốc qua FTA Việt Nam – Hàn Quốc?
Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm đàm phán, họ cũng khuyến nghị là các biện pháp hỗ trợ có thể vi phạm các quy định nhưng nếu có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hay một nhóm DN nào và có lợi cho quốc gia thì họ sẵn sàng làm. Họ cũng tính đến câu chuyện có thể bị phạt, nhưng quan điểm của họ là nếu khoản bị phạt đó nhỏ hơn so với lợi ích của cộng đồng và quốc gia thì họ chấp nhận. Đây cũng là bài học nhiều chuyên gia của chúng ta đề nghị áp dụng.
Lợi ích ở đây không nhất thiết phải là vật chất, kể cả có thể bị kiện cũng không vấn đề gì. Nếu bị kiện mà thông qua vụ kiện đó chúng ta bảo vệ được chính nghĩa, bảo vệ pháp luật, vị thế của Việt Nam thì chúng ta chấp nhận. Cho nên, nếu thấy bị kiện thì cũng không nên sợ.
Với FTA kiểu mới thì DN có nên chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và lợi thế về thuế?
Rõ ràng lợi thế cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bằng công cụ thuế quan đã đến giới hạn. Và những FTA kiểu mới không nhấn mạnh đến thuế quan mà là dịch vụ, thể chế. Ví dụ như Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đề cập tới vấn đề thể chế, lao động, môi trường, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, mua sắm điện tử… Như vậy, nếu chỉ trông cậy vào thuế là không được. Do đó phải nhận thức được các thách thức và nhà nước phải tạo ra không gian rộng mở hơn, thị trường hơn cho DN phát triển, còn DN phải tự nâng cao năng lực nội tại để cạnh tranh trong cuộc chơi.
Vậy theo ông, DN cần làm gì để khai thác tốt lợi thế của những FTA thế hệ mới?
Các lợi thế của các FTA đã ký liên quan tới các vấn đề truyền thống như thuế quan, chất lượng hàng hóa… mà chúng ta vẫn chưa khai thác được là đáng tiếc. Còn với các FTA thế hệ mới liên quan tới thể chế, thương hiệu, vấn đề liên kết… thì thách thức sẽ lớn hơn nên cần phải có cách tiếp cận khác. Ví dụ như DN trong nước cần phải liên kết với DN nước ngoài đê khai thác tốt cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.
Tôi ví dụ như FTA ta ký với Hàn Quốc. Họ mở cửa thị trường nông sản - thị trường mà chỉ duy nhất mở cho Việt Nam trong khi rất nhiều nước khác như Trung Quốc hay các nước ASEAN khác đều muốn. Vậy chúng ta đơn phương có khai thác được thị trường này không hay ta phải liên kết với các nhà phân phối của Hàn Quốc để chiếm được tình cảm và khai thác được văn hóa của người Hàn Quốc.
Do đó, với mức thuế suất ưu đãi trong FTA Việt Nam – Hàn Quốc mà chúng ta không khai thác được là một điều cực kỳ đáng tiếc bởi vì sau 10-15 năm có những loại hàng hóa mà thuế suất sẽ giảm từ 230%-240%-250% về còn 90%. Lợi thế này nếu chỉ đơn phương độc mã thì không thể làm được. Nên vấn đề về văn hóa, pháp luật, vấn đề chia sẻ cộng đồng… cần phải được đặt ra. Điều này vượt ra ngoài vấn đề của một hiệp định thương mại, vượt ra ngoài khuôn khổ một quốc gia mà đòi hỏi phải mở cửa một cách toàn diện.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận