Ngày 3/12, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra tọa đàm vai trò của du lịch nông nghiệp và cơ hội cho thị xã Long Mỹ nhằm tìm ra những giải pháp để nông dân phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP bền vững.
Đây là hoạt động chính trong khuôn khổ của Ngày hội du lịch - sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ, Hậu Giang.
Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ cho biết, Hậu Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật đặc trưng, có không gian lịch sử văn hóa lâu đời, con người nơi đây cũng rất thân thiện.
Địa phương cũng xem ngành du lịch là trong 4 trụ cột đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội nên tỉnh đã có nhiều đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Diên, các sản phẩm du lịch nông nghiệp của tỉnh đang có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn, trong đó tỉnh cũng đầu tư cho các địa phương phát triển du lịch cộng đồng theo hướng nhà có số, đường có hoa và nâng tầm cán bộ.
Nhà dân sẽ được đánh số thứ tự và hướng dẫn duy trì, bảo tồn, phát triển kiểu nhà 3 gian của người Nam Bộ, trước các ngôi nhà còn ưu tiên sẽ trồng hoa, cảnh quan thiên thiên đặc trưng.
Tại buổi toạ đàm, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia trong ngành du lịch đóng góp ý kiến xây dựng những sản phẩm độc đáo cho du lịch tỉnh nói chung và thị xã Mỹ Long nói riêng.
Cụ thể, thị xã Long Mỹ có hơn 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao, như: chả lụa Hồng Hoa, lạp xưởng Hồng Thị Xiếu Lũy, bánh bông lan và mứt tắc 9 Thủy, các sản phẩm dưa lưới của thị xã Long Mỹ…
"Tuy nhiên, muốn biến các sản phẩm này thành các sản phẩm phục vụ ngành du lịch cần có thời gian và có những giải pháp cụ thể hơn" các chuyên gia ý kiến.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng, các sản phẩm du lịch tại thị xã Long Mỹ có sẵn như con đường nông thôn mới thẳng tắp, cây kiểng được nông dân trồng, chăm sóc, cắt tỉa đã tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp khác biệt.
Bên cạnh đó, nơi đây xuất hiện những cung đường hàng rào nổi bật về nông thôn, hình thành tour chụp ảnh, kết hợp trải nghiệm đổ bánh xèo, nghề đan lục bình tại các gia đình.
Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim cánh cụt cho biết, để địa phương phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững, trước tiên cần tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có ngay tại địa phương, sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, khi du lịch phát triển, nông dân sẽ có thêm điều kiện, kinh phí để đầu tư bài bản với quy mô lớn hơn để đón khách nhiều hơn.
"Muốn thu hút du khách du lịch, địa phương nên đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm, nhất là truyền thông trong giới trẻ", ông Duy nói.
Theo Sở VH,TT&DL Hậu Giang, cùng với đà phục hồi chung của du lịch Việt Nam, du lịch Hậu Giang đang từng bước khởi sắc hơn trong những năm trở lại đây.
Hậu Giang đã đạt kết quả đáng ghi nhận.Tổng lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh năm 2022 ước đạt 390.000 lượt (tăng 166% so với năm 2021, đạt 111% kế hoạch năm 2022).
Ngành du lịch Hậu Giang đã từng bước thực hiện các nội dung đề xuất đối với quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo yêu cầu của Tổng cục Du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận