Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, trên cơ sở kế hoạch được tỉnh xây dựng, địa phương ban hành kế hoạch giải tỏa bồi thường, tái định cư các dự án trọng điểm như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ĐT 926B, 931, 929…
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.
Đến nay đã bàn giao mặt bằng dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (hay còn họi là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), đoạn qua địa bàn tỉnh sớm hơn thời gian chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GTVT.
Cụ thể, đến ngày 16/11/2022, bàn giao khoảng 80% mặt bằng. Trong khi đó, Chính phủ chỉ đạo đến ngày 20/11/2022 bàn giao 70% diện tích.
Đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo góp ý của Bộ, ngành Trung ương, đảm bảo công tác lập thủ tục đầu tư đúng theo kế hoạch đề ra.
Đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành 100% công tác cắm cọc mốc ngoài hiện trường và bàn giao cho đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng để lập thủ tục kiểm đếm theo quy định.
Tuy nhiên, ở một số công trình, dự án, công việc GPMB còn chậm, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, còn sai sót khá nhiều về hồ sơ, kỹ thuật.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Cán bộ kỹ thuật đo đạc, xác định vị trí cắm cọc GPMB cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ -Sóc Trăng.
Ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn; các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh…
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch.
Cụ thể, một số chủ đầu tư chưa chủ động trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư hoặc năng lực còn hạn chế, khi đã có vốn nhưng không thể giao để triển khai thực hiện.
Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với Sở TN&MT, UBND cấp huyện còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng dẫn đến khi được bố trí vốn nhưng dự án không nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, không thể thu hồi đất để triển khai dự án.
Và việc bố trí vốn còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết dứt điểm từng dự án.
“Tôi đề nghị các chủ đầu tư, các Sở, ngành và các địa phương sớm khắc phục ngay các hạn chế được chỉ ra.
Đồng thời, phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2022 đến ngày 31/1/2023 phấn đấu đạt 95% kế hoạch”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận