Thế giới

Hậu MH17, Anh lật lại vụ cựu điệp viên KGB

04/08/2014, 07:51

Sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ vài ngày, giới chức Anh tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra về cái chết bất thường của cựu điệp viên Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) Alexander Litvinenko.

Cựu điệp viên KGB Andrei Lougovoi từ chối cáo buộc sát hại Litvinenko
Cựu điệp viên KGB Andrei Lougovoi từ chối cáo buộc sát hại Litvinenko


Điệp viên hai mang


Năm 1980, Litvinenko gia nhập KGB, 8 năm sau được phong hàm Trung tá. Sau khi rời Cơ quan tình báo Liên bang Nga (FSB) Litvinenko bắt tay viết cuốn Blowing up Russia: Terror from within (tạm dịch: Nổ tung nước Nga: Khủng bố từ bên trong), cáo buộc nhân viên FSB đã dính líu đến vụ đánh bom khu tập thể Moscow và hai thành phố khác năm 1999. Các vụ đánh bom này đều đổ lỗi cho phiến quân ly khai Chechnya; nhưng theo cuốn sách trên, các vụ đánh bom này đều được sử dụng như một cái cớ để Nga đưa quân vào Chechnya. Năm 2000, Litvinenko đã xin tị nạn tại Anh, cuốn sách trên được phát hành sau khi Litvinenko đến Anh.

Ngày 1/11/2006, Litvinenko uống trà cùng với hai đồng hương là Andrei Lougovoi và Dmitri Kovtoun tại một khách sạn ở London. Ba ngày sau Litvinenko phải nhập viện do trúng độc. Cảnh sát Anh đã yêu cầu bắt giữ Andrei Lougovoi - Đại tá, cựu điệp viên FSB hiện là nghị sĩ Duma quốc gia và Dmitri Kovtoun vì cáo buộc liên quan đến cái chết của Litvinenko, nhưng Moscow đã từ chối giao người. Cả Lougovoi và Kovtoun đều phủ nhận khả năng dính líu.


Một trong những nguyên nhân khiến ông Andrei Lougovoi nằm trong diện nghi vấn của cảnh sát Anh bởi ông này từng là đồng nghiệp của Litvinenko, ra mặt chỉ trích gay gắt Litvinenko khi cựu điệp viên này chạy sang Anh tị nạn. Theo điều tra của Anh, Lougovoi đã lén bỏ chất phóng xạ polonium-210 vào đồ uống của Litvinenko tại cuộc gặp kể trên. Ngoài ra, dấu vết còn được tìm thấy trên hai chiếc máy bay tại Sân bay Heathrow, tại Đại sứ quán Anh ở  Moscow và một căn hộ ở Hamburg, Đức có liên quan đến Dmitri Kovtoun. Khoảng 700 người đã phải kiểm tra nhiễm độc phóng xạ nhưng không ai bị bệnh nghiêm trọng. 


Về phía gia đình, bà Marina Litvinenko - vợ Alexandre Litvinenko cho rằng, chồng mình đang làm việc cho cơ quan tình báo Anh (MI6), bị sát hại theo lệnh của Kremlin thì Chính phủ Anh phải có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thật. 

Anh muốn trả đũa Nga?


Ngày 31/7, Chính phủ Anh chính thức khởi động cuộc điều tra công khai về cái chết của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko, 43 tuổi, chết hồi tháng 11/2006 tại bệnh viện ở London do bị trúng độc phóng xạ polonium. Cuộc điều tra được tái khởi động trong bối cảnh quan hệ Anh - Nga ngày một xấu đi bởi những bất ổn tại miền Đông Ukraine, nhất là sau vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ tại đây hôm 17/7.


Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May tuyên bố rằng, ngày 22/7 sẽ tìm kiếm kẻ chịu trách nhiệm chính trong việc này. Cũng theo Bộ Nội vụ, cuộc điều tra do Thẩm phán cao cấp Robert Owen đứng đầu, nhằm xem xét việc Moscow có đứng sau vụ án này hay không. Ngoài ra, còn có cả những cáo buộc Alexander Litvinenko ăn lương “hai mang” của cơ quan mật vụ MI6 và Cơ quan mật vụ Tây Ban Nha.  


Thông báo điều tra diễn ra ngay sau khi Mỹ và EU công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì cho rằng nước này hỗ trợ phe ly khai và dính líu tới việc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng.


Hãng tin AFP nhận định động thái trên được đưa ra giữa lúc Anh đang vận động gia tăng trừng phạt Nga liên quan đến vụ máy bay  MH17 bị bắn hạ và khủng hoảng miền Đông Ukraine có thể sẽ “chọc giận” Tổng thống Nga Putin.

 

Quân Chính phủ bao vây miền Đông Ukraine

 

Hôm qua, quân Chính phủ Ukraine đang thắt chặt vòng vây các cứ điểm trọng yếu của phe ly khai ở miền Đông là TP Lughansk và Donetsk. Các chốt an ninh tạm thời đã được lập để kiểm tra tất cả những xe chở người tị nạn ra khỏi vùng giao tranh cũng như những xe chở lương thực, thực phẩm cứu trợ vào khu vực này để tìm kiếm các tay súng của phe ly khai. Trước đó, Mỹ công bố kế hoạch cung cấp 19 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở miền Đông.  


Cùng ngày, Nga cáo buộc lãnh đạo EU đã ngầm nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu cho Ukraine các thiết bị có thể sử dụng để đàn áp trong nước. Lệnh cấm này được áp dụng từ tháng 2 khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.



Khắc Nam (Theo BBC)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.