Thực tế cho thấy, hành vi này đem lại hậu quả khó lường.
Lấy trộm bán giá đồng nát, thiệt hại tiền tỷ
Ngày 12/9, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt 4 đối tượng có hành vi trộm cắp, tiêu thụ cáp điện trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Nhóm đối tượng trộm cắp cáp điện trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bị bắt giữ
Hai đối tượng trộm cắp là Vũ Văn Quân (SN 1988) và Tằng Quay Ón (SN 1989, cùng trú tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã cắt trộm khoảng 350kg dây điện trên cao tốc bán cho Nguyễn Văn Thạch (SN 1991, trú tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) với giá 25 triệu đồng; sau đó Thạch lại bán số dây điện trên cho Mai Thị Huệ (SN 1984, trú tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) với giá trên 33.000.000 đồng.
Với 350kg dây cáp điện trộm cắp, 2 tên trộm chỉ thu được 25 triệu đồng, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Oánh, đại diện chủ đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, toàn tuyến mất khoảng 3.000m cáp điện.
Trong đó, đoạn Vân Đồn - Tiên Yên bị mất khoảng 1.000m, theo tính toán sơ bộ thiệt hại khoảng 300.000.000 đồng; tức toàn tuyến có thể thiệt hại tiền tỷ.
Ngoài ra, do đây là hệ thống vận hành chiếu sáng thông minh, liên hoàn, nên chỉ 1 vị trí mất thiết bị sẽ khiến toàn tuyến không thể có điện chiếu sáng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất lớn.
Trước đó, Công an huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bắt giữ 3 đối tượng Đinh Văn Hiền (26 tuổi), Đinh Văn Tri (18 tuổi), Đinh Văn Hiệp (17 tuổi) và một đối tượng 13 tuổi, hiện cho tại ngoại về tội phá hoại công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng đã thực hiện trót lọt 5 vụ trộm cắp hộ lan mềm trên tuyến TL623, lấy trên 35 hộp sắt cùng nhiều bu lông đem bán phế liệu.
Qua kiểm tra của các lực lượng chức năng, trên tuyến TL623 đi qua hai huyện miền núi Sơn Hà và Sơn Tây, đã có 51 hộp sắt nằm trong hộ lan mềm bị lấy trộm.
Một hộp sắt nhóm thanh niên này bán phế liệu chỉ 7.000 đồng, trong khi đó, giá mua ngoài thị trường gần 200.000 đồng, tức sơ bộ đơn vị quản lý tuyến phải khắc phục thiệt hại tới 10.000.000 đồng, trong khi nhóm trộm cắp chỉ bán được 350.000 đồng.
Gần đây nhất, gói thầu J2 thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dù chưa đưa vào khai thác sử dụng nhưng đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn qua xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị mất cắp đến hơn 80%.
Gói thầu dự án này còn bị mất 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách, 10 cột chống chói bị tháo dỡ, nắp chắn rác và hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp, dây điện... Thiệt hại do mất trộm ước tính hơn 11 tỷ đồng.
Đối diện mức án nặng
Đơn vị thi công tiến hành thay thế những vật tư bị nhóm đối tượng trộm cắp trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Ngày 6/9, TAND quận 1 (TP.HCM) mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Thái (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Trộm cắp tài sản”. Thái đã 2 lần thực hiện hành vi trộm cắp, tổng cộng lấy đi 44 nắp chắn rác ở cầu Thủ Thiêm 2, bán được 1.100.000 đồng.
Kết luận định giá tài sản, tổng số 44 nắp rác này có giá trị 15.200.000 đồng. HĐXX tuyên phạt bị cáo Thái 2 năm tù, buộc bồi thường 15.200.000 đồng cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ. Như vậy, chỉ vì hơn 1.000.000 đồng, Thái đã phải trả giá bằng 2 năm tù và mức bồi thường hơn 15.000.000 đồng.
Dù phần lớn vụ việc mất cắp các tài sản công cộng, giá trị tài sản bị mất có thể không lớn hoặc khi đi bán như phế liệu không được bao nhiêu tiền, nhưng hậu quả để lại thì không nhỏ và nguy hiểm cho xã hội.
Có thể kể đến vụ việc đau lòng hai trẻ đuối nước tại kênh Sơ Rơ (quận 12, TP.HCM) do lan can kênh bị mất một đoạn; hay vụ một người đàn ông tử vong dưới hố cáp thông tin không có nắp đậy trên vỉa hè đường Đặng Vũ Hỷ (quận Long Biên, Hà Nội)... Do đó, hành vi này cần phải được nghiêm trị để đảm bảo sự răn đe.
Ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chánh Văn phòng Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh
Nhìn nhận các sự việc mất cắp tại các công trình giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tùy vào mức độ tính chất của vụ án, tùy thuộc vào giá trị của tài sản đã chiếm đoạt, các đối tượng có thể phải đối mặt với những khung hình phạt khác nhau.
Hành vi trộm cắp tại các công trình giao thông có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm.
Trường hợp đối tượng lấy cắp lan can, nắp cống, hàng rào bảo vệ tại các công trình công cộng gây hậu quả nghiêm trọng (có người tử vong), có thể bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người”.
Nếu bị xác định vào tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3 - 12 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể đối diện mức án tù từ 10 - 20 năm, tù chung thân.
Bổ sung thêm, luật sư Trịnh Thị Hòa, Văn phòng Luật sư BQH và công sự, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Nếu phạm tội có tổ chức; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát... người phạm tội bị phạt từ 2 - 7 năm tù.
Quy định hình phạt tù từ 7 - 15 năm áp dụng đối với người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; từ 12 - 20 năm nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận