Thời sự Quốc tế

Hậu thượng đỉnh Hà Nội: Mỹ dừng tập trận, Triều Tiên sẵn sàng giải giáp...

05/03/2019, 11:20

Chỉ 3 ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo hủy các cuộc tập trận...

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội

Chỉ ba ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo hủy các cuộc tập trận chung lớn với Hàn Quốc, trong khi chính quyền Bình Nhưỡng tái khẳng định việc sẵn sàng giải giáp khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của nước này dưới sự thanh sát của Mỹ.

Hiểu chi tiết mong muốn của nhau

Dù cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội chưa đi đến một thỏa thuận mới, nhưng cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu rõ hơn mong muốn của nhau, từ đó tạo nền tảng vững chắc hơn cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân trong tương lai.

Đây là nhận định của chuyên gia an ninh Scott Snyder được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trích dẫn trong bài viết đăng tải ngày 2/3. Ông Snyder cho rằng, diễn biến cuộc gặp ở Hà Nội đã cho thấy rõ khoảng cách tồn tại giữa Bình Nhưỡng và Washington, cả về sự tin cậy và những điều hai bên hiểu về quy mô phi hạt nhân hóa và việc dỡ bỏ trừng phạt.

Cũng theo SCMP, ông Joel Wit, Giám đốc trang mạng 38 North chuyên phân tích về Triều Tiên cho rằng, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đều đã đầu tư rất nhiều vào các cuộc đàm phán, đặc biệt là ông Kim Jong-un, để cho thấy rõ sự thay đổi thực sự trong chính sách của Bình Nhưỡng, so với lịch sử 25 năm quan hệ Mỹ - Triều.

Là người đã phối hợp thực hiện Khung thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên năm 1994 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, ông Wit nhận xét rằng: “Đã có tiến bộ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về một loạt các vấn đề, chỉ là không đủ để đạt được một thỏa thuận cuối cùng”.

Quan điểm này của chuyên gia Mỹ cũng trùng với nhận xét của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nước này. Theo đó, Washington và Bình Nhưỡng đã đạt đến một mức độ chi tiết mà trước đó không đạt được trong thời gian dài, kể từ tuyên bố chung tại Singapore (vào tháng 6/2018), bao gồm định nghĩa về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, vốn được coi là “trái tim” của chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Thiện chí đến từ ba phía

Những nhận định nêu trên đã được kiểm chứng bằng hành động cụ thể từ Mỹ, Triều Tiên và cả Hàn Quốc, nước trung gian đặc biệt quan trọng trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trong thông báo của Lầu Năm Góc ngày 3/3, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, trong đó nhấn mạnh đến hy vọng Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục nỗ lực thảo luận về vấn đề Triều Tiên sau kết quả thượng đỉnh tại Hà Nội.

Liên minh Mỹ - Hàn đã quyết định đình chỉ hai cuộc tập trận quân sự lớn thường niên, gồm “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”, thay vào đó, là loại diễn tập mới và các chương trình huấn luyện dã chiến sửa đổi. Động thái này được cho là để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Triều Tiên.

Trong khi đó, đại diện đặc biệt về vấn đề an ninh và hoà bình tại bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc dự kiến sẽ đến Hoa Kỳ để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Stenphen Biegun về các nỗ lực tiếp theo liên quan tới Triều Tiên, tờ Yonhap ngày 3/3 dẫn thông tin từ nguồn ngoại giao cho biết.

Cả Seoul và Washington đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nỗ lực hợp tác tiến tới phi hạt nhân hoá tại Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Trump cũng đã đồng ý sẽ có cuộc gặp gỡ thảo luận về Triều Tiên.

Thể hiện quan điểm tích cực về các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/3 (theo giờ Mỹ) đã một lần nữa nhắc lại tầm nhìn của mình rằng, Triều Tiên có một tương lai tươi sáng chỉ trong trường hợp nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và nhấn mạnh rằng, ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA ngày 3/3 cũng thông báo, các nhà lãnh đạo “đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ với nhau trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và sự phát triển quan trọng của mối quan hệ Triều Tiên - Mỹ trong tương lai, cũng như tiếp tục đối thoại hiệu quả để giải quyết các vấn đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội”.

Trước đó, ngày 2/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã tái khẳng định đề nghị từ bỏ toàn bộ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên với sự chứng kiến của chuyên gia Mỹ trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội tuần vừa qua. Đổi lại, Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ nới lỏng trừng phạt.


Thông điệp được đăng tải trên KCNA cho thấy, Bình Nhưỡng vẫn muốn tiếp tục đối thoại với Mỹ để cùng nhau tìm tiếng nói chung; cũng như cho thấy tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ hai nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.