Hồ sơ tài liệu

Hậu trường 10 bức ảnh thời sự đáng chú ý nhất năm 2017

15/02/2018, 19:00

Tạp chí Time của Mỹ mới đây bình chọn 10 bức ảnh gây ấn tượng nhất của các phóng viên ảnh...

Tạp chí Time của Mỹ mới đây bình chọn 10 bức ảnh gây ấn tượng nhất của các phóng viên ảnh đến từ các tờ báo/tạp chí khác nhau trên thế giới.

Không chỉ vì những thông tin giá trị hay cảm xúc được truyền tải, mà qua những bức ảnh còn có những trải nghiệm nhớ đời, suy ngẫm, góc nhìn hoặc những nỗi ám ảnh của người chụp trong và sau quá trình thực hiện tác phẩm.

79

Hai người dân ngồi trong căn hộ bị “bay” mất một bức tường do bão tại San Juan

1. Hai người dân ngồi trong căn hộ bị “bay” mất một bức tường do bão tại San Juan

Bức ảnh được chụp ngày 25/9, một tuần sau khi bão Maria đổ bộ Puerto Rico do Carolyn Cole đến từ báo Los Angeles Times thực hiện. Để tiếp cận hiện trường trên đảo lúc này không có cách nào khác ngoài trực thăng.

“Từ trên cao, tôi có thể nhìn thấy thiệt hại sau bão trải dài: Bao mái nhà bị tốc, mùa màng tan nát, khắp nơi chìm trong biển nước. Dù đã chụp được nhiều ảnh hậu quả sau bão nhưng tôi vẫn cảm thấy những bức ảnh này còn thiếu yếu tố con người.

Trên đường quay trở về sân bay San Juan, tôi yêu cầu phi công bay qua dọc thành phố ở trước biển, rà soát qua nhiều khách sạn nghỉ dưỡng hay những tòa nhà chung cư cao tầng. Và bất chợt, tôi nhìn thấy một tòa nhà mất đi toàn bộ mảng tường. Khi zoom kỹ, tôi phát hiện một phụ nữ ngồi ngay rìa tầng 13.

Tôi chỉ kịp bấm 2 đúp ảnh trước khi người phụ nữ đó bắt đầu vẫy tay chào. Qua trải nghiệm này, tôi nhận thấy, sức mạnh tàn phá của bão Maria có thể làm thay đổi tạm thời khung cảnh thiên nhiên trên đảo, nhưng không thể thay đổi tinh thần tích cực và hào sảng của người dân Puerto Rico”, Cole kể.

80

 

2. Bé trai khóc khi trèo lên chiếc xe tải chở hàng cứu trợ gần trại tị nạn ở Bangladesh

Nhiếp ảnh gia Kevin Frayer đến từ Getty Image nhớ lại khoảnh khắc xúc động:

“Bức ảnh được tôi chụp vào thời điểm đầu khi tới Cox’s Bazar, Bangladesh. Trong khi đang tìm địa điểm để chụp ảnh cứu trợ lương thực tại đây, tôi nhìn thấy khu vực có đám đông vây xung quanh một xe tải. Hiện trường khá hỗn loạn, mọi người thi nhau hét, lao đến chiếc xe vì đói đến mức điên cuồng. Hôm đó là ngày 20/9.

Tôi muốn chụp toàn cảnh nên đã trèo lên chiếc xe. Đó là thời điểm tôi nhìn thấy cậu bé này. Cậu bé vừa bám vào xe tải, vừa lau nước mắt.

Tôi không nghe rõ tiếng bé vì xung quanh lúc này rất ồn, nhưng có một khoảnh khắc cậu bé đã chìa tay ra, cầu xin người đàn ông đứng bên trên đống lương thực rồi vòng tay qua chân người này và bám chặt.

Hình ảnh cậu bé tìm mọi cách để bám vào chiếc xe phân phối đồ cứu trợ trong tuyệt vọng đã khiến tim tôi đau nhói”.

81

 

3. Những người anh, chị đứng xung quanh quan tài của người em 17 tháng tuổi

17 tháng tuổi nhưng Kenyerber Aquino Merchán chỉ nặng chưa đầy 4kg, bằng một trẻ sơ sinh và chết vì đói. Meridith Kohut, phóng viên ảnh của The New York Times, người thực hiện bức ảnh kể lại:

“Ngày 21/8, tôi gặp cha đứa bé, anh Carlos khi anh đang nhận thi thể con từ nhà xác bệnh viện tại Caracas và tiếp tục theo ông về nhà tại San Casimiro, Venezuela.

Bức ảnh này phản ánh thực trạng đau lòng tại Venezuela. Đó là chỉ trong 2 năm, đã có hàng trăm trẻ em bị chết đói tại đất nước nổi tiếng với trữ lượng dầu nhiều nhất thế giới. Venezuela đang trải qua khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, lâm vào cảnh thiếu hụt thực phẩm, thuốc men và sữa công thức cho trẻ nhỏ”.

82

 

4. Hiện trường vụ xả súng dã man vào bữa tiệc âm nhạc

Nhiếp ảnh gia David Becker của Getty Image nhớ lại: “Sau khi chụp những bức hình cuối cùng ở bữa tiệc âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest hôm 1/10, tôi vào lều dành cho truyền thông và chỉnh sửa ảnh thì bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn. Nhân viên an ninh nói với tôi, chắc đó là tiếng pháo hoa hoặc lỗi âm thanh.

Một vài giây sau, tiếng nổ lại dội lên và lần này, người tham dự buổi hòa nhạc chạy tán loạn. Theo bản năng, tôi xách ngay máy ảnh.

Lúc này, đèn sân khấu đã tắt, xung quanh tối mịt và tôi cứ chụp. Khoảng 10 phút sau, quay trở lại lều, ánh sáng duy nhất phát ra từ màn hình máy tính của tôi. Những hình ảnh lấy ra từ máy ảnh xuất hiện trên màn hình lột tả tất cả tấn bi kịch kinh hoàng.

Tôi nhìn những bức ảnh do chính tay mình chụp mà rùng mình. Tôi chỉnh sửa ảnh bằng đôi tay run lẩy bẩy. Bức ảnh này là tấm đầu tiên được tải lên. Khi toàn bộ khu vực bị phong tỏa, tôi di chuyển ra xe ô tô và ngồi trong đó làm việc.

Điện thoại tôi bất chợt rung lên, hàng loạt cuộc gọi của mọi người từ khắp nơi trên thế giới bao gồm cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Đây là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Tôi cúi đầu và khóc”.

83

 

5. Một gia đình chuẩn bị sơ tán khi ngọn lửa trong vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử California tiến đến gần

“Cảnh tượng siêu thực” do Marcus Yam, phóng viên Los Angeles Times thực hiện trên đường sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Anh kể:

Hôm 5/12, khi tôi đang đỗ xe bên đường trong bóng tối và động cơ xe vẫn nổ, tôi đã đi về phía ngọn lửa đang di chuyển gần đằng sau một ngôi nhà xây theo phong cách Victoria. Tôi chụp vài bức ảnh lột tả cảnh tượng siêu thực nhất về cuộc sống tại California dưới mối đe dọa thường trực của “bà hỏa”.  

Khoảng 1 hoặc 2 giờ sau khi tôi chụp và chia sẻ bức ảnh trên mạng xã hội, một người đàn ông tên Kirby Ditto đã gửi thư điện tử cho tôi và nói bức ảnh đó đã khiến anh ấy “cực kỳ hạnh phúc và an tâm” vì người trong bức ảnh chính là mẹ anh. Anh ta không thể đến đón mẹ tại Ventura và vô cùng lo lắng. Xem ảnh, Ditto an tâm rằng mẹ anh đã sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm.

84

 

6. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie sử dụng bãi biển cùng gia đình và bạn bè gần ngôi nhà nghỉ dưỡng mùa hè của ông tại công viên Bang Island Beach hôm 2/7

Thoáng qua, tưởng chừng đây là bức ảnh bình thường về một nhóm người nghỉ dưỡng bên bờ biển, nhưng đó lại là bức ảnh gây bão dư luận về Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie.

Dù vị Thống đốc ra lệnh đóng cửa một phần bãi biển công cộng vì vấn đề tài chính địa phương nhưng 48 giờ sau, ông vẫn cùng gia đình tắm nắng trên bãi biển rộng mênh mông không một bóng người. Khi người dân thể hiện bức xúc và thất vọng, ông Christie đã trả lời một câu ráo hoảnh: “Chỉ đơn giản vì họ không phải là Thống đốc”.

Tác giả bức ảnh - phóng viên Andrew Mills của hãng tin AP cho biết, anh dự định chụp cảnh người dân tụ tập đông đúc vui chơi trên bãi biển nhân dịp Quốc khánh Mỹ (4/7) nhưng đã đổi kế hoạch sau khi nghe tin Thống đốc bang sẽ vẫn ra biển nghỉ ngơi kể cả khi 9 triệu người dân tại bang bị cấm.

85

 

7. Người thân an ủi chị gái của một công dân Kashmir vừa bị giết hại trong cuộc biểu tình ở miền Nam Srinagar hôm 1/8

Dar Yasin, phóng viên AP cho biết, ngày anh chụp bức ảnh chính là sinh nhật anh. “Sau khi nhận điện thoại của đồng nghiệp báo tin có vụ xả súng tại miền Nam Kashimir, tôi vội vàng xách máy ra hiện trường.

Lúc tôi có mặt, các cuộc biểu tình đã rộng khắp ngôi làng. Hai người đứng đầu phe nổi dậy đã bị giết hại và một số nhà dân bị phá hủy bằng bom.

Nghe tin một dân thường bị giết hại ở ngôi làng gần đó, tôi vội vàng đến và được hay nạn nhân là anh Firdous Ahmad Khan (30 tuổi). Gia đình anh vô cùng sốc và thất thần trước mất mát người thân. Người vợ mang bầu và chị gái của Khan khóc lặng trong khi họ hàng và làng xóm động viên.

Tôi nhanh chóng chụp vài kiểu ảnh và lặng lẽ rời đi vì không muốn làm ảnh hưởng tới giây phút riêng tư của gia đình.

Tiếng khóc của họ vẫn vang vọng trên cả chặng đường về của tôi. Vừa mở cửa vào nhà, đang trong tình trạng mệt mỏi và vẫn còn run, vợ và các con đã ùa ra ôm và chúc mừng sinh nhật tôi. Tôi che giấu cảm xúc trước đó và nở nụ cười trên môi suốt bữa tiệc sinh nhật mà gia đình đã chuẩn bị. Đó là bữa tiệc sinh nhật tôi sẽ không bao giờ quên”, Yasin kể.

86

 

8. Nhiều người bị hất tung lên không khi một phương tiện lao vào đám đông người biểu tình phản đối người da trắng tại Charlottesville, Virginia hôm 12/8

Kể lại khoảnh khắc chụp được bức ảnh, Ryan M.Kelly, phóng viên AP cho biết: “Khi đang đeo bám để tác nghiệp về hoạt động của đoàn người biểu tình, vài giây sau khi tôi vừa sang vỉa hè bên kia đường, tôi nghe thấy tiếng ô tô tăng tốc ở phía sau.

Khoảnh khắc ô tô vụt ngang, tôi lấy máy ảnh và nhanh tay nháy máy hết sức có thể. Nhiều năm làm phóng viên ảnh đã cho tôi biết phải làm gì như một phản xạ tự nhiên.

Tôi cứ chụp ảnh lia lịa, bám theo chiếc xe khi nó đi khuất. Lúc đó, tôi đoán, có lẽ mình đã chụp được một bức ảnh về vụ tấn công nhưng vẫn không dám chắc cho đến khi bức ảnh hiện lên toàn màn hình laptop. Sau lần đó, tôi mới nhận ra, không thể ngờ việc chứng kiến một vụ tấn công như vậy lại khiến tôi ám ảnh đến thế.

Một thời gian sau, tôi vẫn bất giác nhảy lên khi nghe thấy tiếng rít của lốp xe ma sát với lòng đường. Vụ tấn công này theo tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là một vụ khủng bố khiến 1 người chết và 19 người khác bị thương”.

87

 

9. Một chú gấu Bắc cực gầy dơ xương run rẩy di chuyển trên đảo Somerset tại khu vực Bắc cực thuộc Canada

Bức hình này đã gây ám ảnh toàn thế giới và phản ánh thực trạng đáng ngại về tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới đời sống của động vật hoang dã. Hiện tượng băng tan chưa từng có đã và đang khiến nhiều gấu Bắc cực không thể tìm kiếm thức ăn và chỉ còn biết chờ chết.

Chứng kiến cảnh chú gấu rệu rã lục tìm mọi thứ kể cả sục vào thùng dầu cũ để tìm đồ ăn và nhai cả tấm xốp đã cháy, cả đoàn làm phim của SeaLegacy cùng nhiếp ảnh gia Cristina Mittermeier không khỏi xúc động và ám ảnh.

Ảnh do nhiếp ảnh gia Cristina Mittermeier đến từ Tổ chức Bảo tồn Sea Legacy thực hiện.

88

 

10. Cậu bé đạp xe qua những chiếc xe hơi và ngôi nhà bị phá huỷ trong khu dân cư vừa được lực lượng an ninh Iraq giải phóng ở khu vực phía Tây Mosul hôm 19/3

Phóng viên Felipe Dana đã đau đáu và dằn vặt mình với suy nghĩ về số phận của cậu bé đạp xe trong ảnh giữa chiến tranh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.