Joaquin Phoenix dành 8 tháng để tập điên loạn
Lấy bối cảnh TP Gotham ảm đạm, ngột ngạt và nhiễu nhương bạo lực, Joker theo chân nhân vật Arthur Fleck - một gã trung niên luôn mơ ước trở thành một danh hài nhưng thực tế lại thất bại trong công việc và thường xuyên phải điều trị tâm lý vì bị bệnh tâm thần. Tất cả điều ấy khiến Arthur thành đối tượng bị xã hội chèn ép, coi thường và anh ta đã nổi loạn để chống lại xã hội, để rồi trở thành tội phạm khét tiếng có tên Joker.
Bất chấp những tranh cãi, siêu phẩm mới của nhà DC và hãng Warner Bros vẫn đang bội thu với doanh thu 80 triệu USD (riêng tại thị trường Bắc Mỹ) sau vài suất chiếu sớm dù kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn 55 triệu USD. Ở Việt Nam, theo Box Office Vietnam, phim cũng đang đứng đầu bảng doanh thu với hơn 2 tỷ đồng chỉ sau 1 ngày chính thức công chiếu.
Để hóa thân vào vai gã hề điên loạn nổi tiếng nhất màn ảnh vốn không đơn giản, nhất là khi kịch bản phim đào sâu vào tâm lý nhân vật và quá trình trở thành Joker của Arthur. Ngay khi dự án phim được công bố, nhiều đồn đoán về diễn viên sẽ đảm nhận vai chính. Không ít nghi ngờ hướng về Leonardo DiCaprio nhưng cuối cùng vai diễn được đạo diễn Todd Phillips nhắm tới tài tử Joaquin Phoenix. Todd Phillips giải thích, khi ê-kíp đang viết kịch bản thì có bức ảnh của Joaquin Phoenix trên máy tính. Ê-kíp đã tưởng tượng nếu Phoenix thực sự làm điều này sẽ tuyệt vời thế nào.
Phoenix đã dành 8 tháng để làm việc về kịch bản và nhân vật với Todd Phillips và biên kịch Scott Silver. Anh thừa nhận, bản thân thấy choáng ngợp và cảm giác kinh hoàng về nhân vật mình chuẩn bị vào vai - một gã hề gày gò bị tâm thần, nghiện thuốc lá, bị đánh đập, sống chung với mẹ già trong căn hộ xuống cấp. Đạo diễn Todd Phillips tiết lộ trên The Wrap, anh đã quyết định không xem lại những màn hóa thân của các diễn viên hàng đầu từng vào vai Joker: Caesar Romero, Jack Nicholson, Heath Ledger và Jared Leto. Lý do bởi “điều đó sẽ làm chúng tôi tê liệt vì bị ảnh hưởng. Chúng tôi phải giả vờ như những vai diễn ấy không tồn tại để có thể làm nhân vật mới trong không gian của mình”.
Để có thể hóa thân vào một gã hề sống nghèo khổ, Joaquin Phoenix buộc phải giảm 23kg theo yêu cầu của nhà sản xuất. Đối với nam tài tử 44 tuổi, đây là điều cực khó khăn. Anh đã phải nhờ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe. “Tôi không dám tin khi mình có thể giảm cân thành công”, anh nói trên Indiewire.
Nhưng giảm cân chưa phải ác mộng nhất của nam tài tử, điệu cười của nhân vật mới gây ám ảnh anh. Trong phim, nhân vật Arthur Fleck bị căn bệnh hễ cảm xúc lên là không ngăn được cười. Tiếng cười của anh vừa đáng thương, vừa khiến người khác nổi da gà vì đáng sợ. “Todd mô tả, tiếng cười của Joker đáng sợ nhưng thể hiện sự đau đớn. Đó là góc nhìn thú vị và mới mẻ. Tôi đã không nghĩ mình có thể làm được. Tôi thường tập luyện một mình rồi nói Todd đến để nghe thử giọng. Khi chưa đạt được hiệu quả, tôi thấy rất khó chịu. Tôi phải tìm mọi cách cho ra được tiếng cười đó”, Phoenix kể lại trên tờ Boston Herald. Đặc biệt, cách làm bộ phim này cũng là một thử nghiệm khi diễn viên cùng ê-kíp sản xuất không hoàn toàn đi theo kịch bản. Họ vừa diễn theo đường dây, vừa cố gắng tạo ra những tình huống để tự ứng biến cho phim thêm chân thực nhất.
Tranh cãi vì phim cổ súy bạo lực
Từ khi viết kịch bản “Joker”, đạo diễn Todd Phillips đã xác định bộ phim này có thể không làm hài lòng những khán giả yêu thích truyện tranh “Batman: The Killing Joke” của Alan Moore và Brian Bolland. Bởi, kịch bản phim là câu chuyện độc lập, nói về quá trình trở thành gã hề Joker của Arthur Fleck - điều hoàn toàn không có trong truyện tranh. “Phim thực tế không nói về Joker mà chính xác là nói về người đàn ông sau chiếc mặt nạ hề”, Todd Phillips khẳng định trên Empire. Gã đàn ông ấy vì bị khinh thường, bị xã hội cô lập mà đến đường cùng đã ra tay giết người. Đây cũng là lần đầu cái tên Arthur Fleck xuất hiện và trên thực tế, phim lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Martin Scorsese, Don Siegel cũng như sự suy đồi đạo đức của những năm 1970 ở Mỹ chứ không phải từ truyện tranh của DC.
Dù giành giải Sư Tử Vàng cho phim xuất sắc nhất tại LHP Venice lần thứ 92 nhưng “Joker” đã gây tranh cãi kịch liệt. Phim gây chia rẽ giới phê bình và giới truyền thông, khán giả khi trên trang phê bình phim Rotten Tomatoes, “Joker” chỉ đạt 69% đánh giá tích cực từ giới phê bình, nhưng nhận tới 92% đánh giá tích cực của khán giả. Xét về tính nghệ thuật và diễn xuất, phim giành được nhiều lời ngợi khen. Nhà phê bình Mark Hughes của tờ Forbes khen phim là “một trong những kiệt tác của nền điện ảnh siêu anh hùng, là một trong những thành tựu điện ảnh tuyệt vời nhất 2019”. Ông cũng khen Joaquin Phoenix đã đem đến màn diễn xuất thần, quả cảm và đầy ấn tượng với chiều sâu từ cảm xúc đến cử chỉ.
Tuy nhiên, thay vì phân tích tính nghệ thuật của phim, nhiều nhà phê bình lại tỏ sự e ngại phim cổ súy bạo lực, cổ súy những thanh niên bất mãn với xã hội sẽ đứng dậy bạo loạn. Thậm chí, Glenn Kenny - cây bút của RogerEbert.com còn nhận xét: “Joker như một đống rác độc hại”. Điều này không phải không có cơ sở bởi trong lịch sử, khi bộ phim “The Dark Night Rises” công chiếu, đã có thêm nhiều kẻ cực đoan nổi dậy và tạo nên vụ xả súng tại rạp Aurora vào năm 2012 làm chết 12 người.
Nhưng với những người trong cuộc, cái nhìn về bộ phim mang tính nhân văn hơn. Nữ diễn viên Zazie Beetz chia sẻ trên Variety, phim cho thấy sự đồng cảm đối với những người bị cô lập để từ đó, mỗi người trong xã hội có cách giải quyết tốt hơn với những hoàn cảnh khó khăn và đang ở “dưới đáy” xã hội.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vanity Fair, nam chính Phoenix thừa nhận chưa bao giờ đoán phim sẽ thuận buồm xuôi gió khi ra mắt. Nam tài tử giải thích lý do anh thấy cần phải đóng “Joker” rằng khi xem kịch bản, anh nhận ra mình cần làm gì đó để mọi người có thể đồng cảm với nhân vật phản diện này. “Một người nào đó sẽ giống như mọi người, cần được lắng nghe và thấu hiểu, cần được có tiếng nói”, anh nói. Trong khi đó, đạo diễn Todd Phillips cũng lên tiếng kêu oan: “Phim không kêu gọi bạo lực mà là sự phản ánh xã hội, một lời kêu gọi đối với mọi người trong xã hội”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận