Khi 5 đối tượng thuộc 2 ổ nhóm chuyên thu tô phương tiện đường thủy trên bến, sông Đá Vách và sông Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị bắt giam, hàng trăm chủ tàu thuyền thở phào nhẹ nhõm.
Nhiều năm qua, họ đã phải nhịn nhục nộp tiền vô lý cho các nhóm này mà không biết kêu ai.
Luật ngầm trên những dòng sông
Cơ quan CSĐT công an tỉnh Quảng Ninh lấy lời khai của các đối tượng
Hơn ba năm trước, con sông Đá Vách và sông Mạo Khê nằm giáp ranh giữa địa phận thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bắt đầu bị khuấy động bởi sự xuất hiện của một số đối tượng giang hồ.
Các chủ tàu thuyền bao năm qua vẫn vào neo đậu, làm hàng tại một số cảng, bến, hay chỉ đi ngang qua dòng sông Đá Vách, sông Mạo Khê, thì giờ bất ngờ bị những nhóm giang hồ bặm trợn ghé thuyền vào yêu cầu nộp tiền, xé vé.
Dù các đối tượng đã bị bắt, song đến nay nhiều chủ tàu thuyền vẫn khá e dè khi kể lại chuyện bị thu tô.
Ông N.V.P. (một chủ phương tiện vận tải quê ở tỉnh Nam Định) cho biết, ban đầu, khi thấy một số đối tượng ghé thuyền vào yêu cầu thu “Vé bảo vệ phương tiện đường thủy”, các chủ tàu phản ứng không chịu nộp vì thấy những người này có cử chỉ, hành vi bất thường.
Vậy là, bọn chúng lấy lưới rách quấn vào chân vịt tàu rồi lu loa bắt đền vì tàu làm rách lưới đánh cá của chúng, thậm chí leo lên tàu rạch bạt, cướp hàng.
“Bao năm qua chúng tôi hoạt động đâu cần gì cái vé “bảo vệ phương tiện” ấy. Đây chẳng qua là hình thức thu tô, bảo kê. Cực chẳng đã, chúng tôi buộc phải nộp tiền, mỗi lần vài trăm nghìn, lần nào ghé vào cũng phải nộp”, ông P. Cho hay.
Chung tâm trạng ấm ức nhưng vẫn còn sợ hãi, chị H.T.T. (chủ tàu quê ở tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại: “Bọn chúng dùng đủ thủ đoạn nặng có, nhẹ có để thu tô bằng được. Không chịu đóng tiền thì đêm chúng chèo thuyền vào đập lên mạn tàu khiến thuyền viên không sao ngủ được. Có đêm chúng đến cắt dây neo làm tàu trôi xa bến hàng cây số mới phát hiện được… Thậm chí có lần, chúng đánh, bạt tai chủ tàu có ý cự cãi… Các chủ tàu đều muốn yên ổn làm ăn, nên nhịn nhục nộp tiền”.
Nhóm đối tượng Thắng, Tuấn dùng thuyền nan đi thu “Vé bảo vệ phương tiện đường thủy” trên sông Đá Vách
Thiếu tá Nguyễn Hồng Điệp, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến đường thủy, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhóm đối tượng mà các chủ tàu phản ánh đều từng có tiền án, tiền sự với các hành vi đặc biệt nguy hiểm như tội giết người, buôn bán ma túy...
Trong khi đây là địa bàn giáp ranh 3 tỉnh, các phương tiện lúc đỗ bến bên Quảng Ninh, lúc thì ở Hải Phòng, khi thì ở tỉnh Hải Dương nên không biết kêu ai cho thấu. Hơn nữa, các chủ tàu đều e dè, sợ hãi, không dám trình báo.
Vụ việc chỉ được phát hiện qua quá trình trinh sát tại một số tuyến sông trên địa bàn thị xã Đông Triều của lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh.
Giữa năm 2021, các nhóm đối tượng trên đã được đưa vào tầm ngắm. Đến đầu tháng 9/2021, chuyên án đấu tranh triệt phá các ổ nhóm này được xác lập.
“Quá trình điều tra gặp không ít khó khăn, vì đây là vùng địa bàn giáp ranh giữa 3 tỉnh, thành vừa rộng lại vừa lắm bãi bồi, lùm cây, bụi rậm, rất khó theo dõi, quan sát. Thời điểm triển khai chuyên án, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc “cải trang” đi lại giữa ranh giới 3 tỉnh, thành không hề đơn giản”, Thiếu tá Điệp nhớ lại.
Lộ diện những “ông trùm” thu tiền bảo kê
Các phương tiện thủy tại Bến Đụn trở thành nơi kiếm cơm béo bở của nhóm Thái, Võ và Khơi
Theo điều tra, từ nhiều năm trước, khi các tàu vào làm hàng tại các cảng, bến trên 2 tuyến sông này thường xuyên bị mất trộm tài sản.
Tuy nhiên, sau đó có người đến ngỏ ý chuộc lại giúp, đồng thời nói bóng gió rằng “nếu không muốn mất tài sản nữa thì phải nộp tiền phí neo đậu”, tùy theo trọng tải mà mức nộp từ 100 - 500 nghìn đồng.
Ban đầu, hầu hết các chủ tàu cũng không quan tâm nhiều đến việc nộp tiền, chuộc lại tài sản. Nhưng kỳ lạ là tàu nào không chịu nộp là liên tục bị mất tài sản hoặc chân vịt bị quấn lưới, phải đền cả chục triệu đồng do bị ăn vạ, bắt đền một cách phi lý.
Lâu dần thành quen, tàu cứ đến đây chờ hàng là bọn chúng đến thu tiền với hình thức công khai phát “Vé bảo vệ phương tiện đường thủy”.
Việc phát vé là để dễ nhận diện tàu nào thu rồi, tàu nào chưa. Hễ chủ tàu nào xin giảm là bị bọn chúng chửi mắng, rồi lại tìm cách phá phách, trộm cắp, gây khó dễ.
Có hai ổ nhóm thu tô, bảo kê trên hai tuyến sông này, một là ổ nhóm ở cảng Hồng Thái Tây của các “ông trùm” đều ở thị xã Đông Triều là Nguyễn Thành Võ (thường gọi là Võ Ý, SN 1974, trú phường Yên Thọ); Nguyễn Văn Thái (Thái Phán, SN 1974, trú phường Yên Thọ); Vũ Văn Khơi (Khơi cụt, Khơi 4 ngón, SN 1972, trú xã Yên Đức, thị xã Đông Triều).
Trong đó, Võ Ý từng bị tuyên phạt tù chung thân vì tội giết người, đã được thả sau 18 năm thụ án và 2 lần dính án tù vì ma túy; Thái Phán từng đi tù 10 năm về tội ma túy, còn Khơi cụt cũng có không ít tiền án, tiền sự...
Tuy không có “số má” bằng ổ nhóm ở cảng Hồng Thái Tây, nhưng nhóm của Phùng Văn Tuấn (thường gọi là Tuấn Bẩy, SN 1968, trú xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1963, trú phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều) cũng thuộc dạng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để cưỡng đoạt tiền của các chủ phương tiện làm ăn ở khu vực Bến Cân trên sông Đá Vách.
Hai ổ nhóm này hoạt động riêng biệt, không có quyền lợi liên quan cũng như không phải dưới trướng của “ông trùm lớn” nào, nhưng đều có điểm chung là phương thức, thủ đoạn phạm tội rất giống nhau.
Sau một thời gian thu thập thông tin, tài liệu, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 27/12/2021, lực lượng chức năng đã tổ chức bắt quả tang Phùng Văn Tuấn và Nguyễn Văn Thắng khi bọn chúng đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tại cơ quan điều tra, Thắng và Tuấn khai nhận, từ năm 2018, do không có công ăn việc làm ổn định, muốn có tiền tiêu xài, 2 đối tượng này tự nhận là tổ bảo vệ phương tiện giao thông đường thủy tại khu vực Bến Cân trên sông Đá Vách, thuộc phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều để ép buộc các chủ phương tiện neo đậu tại đây phải nộp “tiền an ninh”.
Cụ thể, cứ đến khoảng 14h hàng ngày, Tuấn và Thắng đến khu vực Bến Cân, sau đó điều khiển thuyền máy áp sát các phương tiện đang neo đỗ tại đây để yêu cầu chủ các phương tiện hoặc thuyền trưởng nộp tiền với mức giá 300 nghìn đồng đối với sà lan đẩy, 200 nghìn đồng đối với phương tiện có hàng và 100 nghìn đồng với phương tiện không có hàng.
Mở rộng vụ án, lực lượng chức năng đã triệu tập và bắt khẩn cấp 3 đối tượng Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thành Võ và Vũ Văn Khơi.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Điệp cho biết, có hàng trăm bị hại đã báo cáo cơ quan chức năng về việc bị cưỡng đoạt tài sản với hàng nghìn lượt phải đóng. Do đó, sau khi thu thập được đầy đủ thông tin của các bị hại, tổng số tiền các nhóm đã cưỡng đoạt thì cơ quan chức năng mới định khung được từng nhóm, từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận