Làm thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM - Ảnh:Khả Hòa |
Tiếp nối lộ trình thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân từ Luật Doanh nghiệp 2014, đến 1/7/2016, hàng nghìn điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền cũng đã được bãi bỏ, thổi một làn gió mới vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Từ bán đồng nát, ve chai cũng phải giấy phép...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhớ lại, kinh tế tư nhân trong nước đã manh nha hình thành khi Luật Đầu tư Nhà nước ra đời năm 1987, dù thời đó các quan niệm về giá cả, tiền lương hay cân đối vĩ mô... vẫn theo tư tưởng cũ. “Hồi ấy, khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ và bị cấm kỵ. Tôi khi đó nằm trong tổ xây dựng Luật Doanh nghiệp tư nhân song cũng không biết gì về cổ phần, cổ phiếu…; Khái niệm về thị trường bằng 0. Hồi đó còn chưa có từ “công ty”. Khởi thảo suốt mấy tháng, nhưng rút cuộc thấy chẳng ra gì vì không khác nghị quyết là mấy”, ông Cung nhớ lại.
Từ các tư liệu cũ liên quan đến doanh nghiệp tư nhân trước năm 1975, cùng với tư vấn của các chuyên gia nước ngoài, cộng thực tế khi đó thị trường TP.HCM bắt đầu sôi động với các công ty xuất nhập khẩu có đuôi “im”, “ex”, rốt cuộc Luật Doanh nghiệp tư nhân hơn 40 điều, Luật Công ty hơn 20 điều cũng ra đời. Tuy vẫn giữ những quy định ngặt nghèo như Nhà nước phải quản lý, kinh doanh không thể không có vốn, doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh, phải xin phép… nhưng ông Cung cho rằng, đó đã là một sự tiến bộ rất lớn.
Khi đưa ra Quốc hội, dưới sự vận động của bà Ngô Bá Thành (tức bà Phạm Thị Thanh Vân), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và hàng loạt các nhân vật khác trong đó có ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hai dự luật này được thông qua. “Về phía Bộ Chính trị, không khí đổi mới của năm 1986 vẫn còn mạnh, xu hướng đổi mới được ủng hộ lắm nên không có nhiều trục trặc”, ông Cung kể.
Có những câu chuyện từ những ngày đầu cải cách môi trường kinh doanh, các chuyên gia ngẫm lại không khỏi buồn cười. Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Trần Xuân Giá khi đó chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn về vốn pháp định. Triệu tập nhóm chuyên gia bàn mãi nhưng không biết căn cứ vào đâu để quy định về vốn tối thiểu. Cuối cùng, mọi người thống nhất nguyên tắc là công ty cổ phần thì vốn to, công ty tư nhân vốn nhỏ, còn công ty trách nhiệm hữu hạn thì vốn vừa; doanh nghiệp sản xuất vốn phải nhiều hơn doanh nghiệp thương mại... Quyết định được đưa ra ngẫu nhiên và theo kiểu “ma trận” như thế.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, thời điểm đó, tất cả mới chỉ là nền tảng sơ khai, song các giáo sư từ Đức, Mỹ và Úc đã khuyên Việt Nam cần phải “chặt bỏ” nạn giấy phép con.
Viện trưởng CIEM hồi đó là ông Lê Đăng Doanh lập tức tổ chức ngay các đoàn điều tra. Chuyên gia Nguyễn Thái Sơn ở Văn phòng Chính phủ cùng luật gia Cao Bá Khoát đã đi khắp các bộ, ngành và địa phương để kiểm tra. Kết quả ra được một danh sách dài các loại giấy phép, trong đó có những giấy phép khó tưởng tượng được như bán đồng nát, ve chai...
... Đến bỏ tội kinh doanh trái phép
Năm 1999, khi đưa Luật Doanh nghiệp ra Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc cùng Phó chủ tịch Quốc hội ngày ấy là ông Mai Thúc Lân đã nhiệt tình ủng hộ những điểm mới như đơn giản hóa hồ sơ, bỏ vốn pháp định, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Ông Nguyễn Văn Phúc cho tới khi về hưu vẫn trăn trở câu chuyện bảo vệ những thành quả và tiếp tục đẩy mạnh cải cách này.
Năm 2005, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ra đời. Ông Phúc nhớ lại: “Hồi đó, tuy chưa điều chỉnh hoàn toàn nhận thức về quyền kinh doanh, vai trò kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh doanh vẫn phải đăng ký… nhưng đã tiếp nối được những cải cách trước đó. Song phải đến năm 2013, luồng gió mới về cải cách môi trường kinh doanh mới thực sự thổi vào từng ngõ ngách”.
Luồng gió mới, theo ông Phúc là dấu ấn của Hiến pháp 2013 - mấu chốt tạo ra sự thay đổi về nhận thức, quan điểm và cơ hội cải cách. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhớ như in: “Lần đầu tiên vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được công nhận. Và chính nhờ quá trình làm luật đã thể chế hoá quyền kinh doanh và Hiến pháp cho nên khi ban hành luật rất thuận lợi”.
Ông Phúc hồi tưởng, có những ý kiến đóng góp, thảo luận hết sức tích cực như của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là một trong những người phấn khởi nhất khi luật được thông qua. Ông Vinh đã hoàn thành được nguyện vọng lấy “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” trong luật. Điều đó có nghĩa là các điều khoản luật trước đây quy định danh mục ngành nghề được phép kinh doanh thì nay chuyển sang quy định các ngành nghề không được kinh doanh, hạn chế kinh doanh. Trên cơ sở đó, 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cấm đã được lên danh mục và công khai hóa. Không gian còn lại cho doanh nghiệp rộng mở hơn bao giờ hết. “Khi đưa ra điều kiện, ban đầu các bộ trình lên nhiều lắm, đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sàng lọc bớt và tới Chính phủ tiếp tục sàng lọc thêm”, ông Phúc kể. Thêm một thành công trong công cuộc cải cách môi trường kinh doanh là trước Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thuyết phục bỏ tội kinh doanh trái phép ra khỏi Bộ luật Hình sự.
Tiếp tục “cuộc chiến” loại bỏ giấy phép con
Nhớ lại hồi đầu rà soát các ngành nghề kinh doanh để đưa vào danh sách điều kiện, ông Phúc kể, các bộ, ngành không thoải mái, nhất là cấp cục, vụ và chuyên viên. “Họ không muốn bỏ các văn bản quy định điều kiện kinh doanh và lập luận đó là công cụ quản lý. Có bộ, bộ trưởng ủng hộ bỏ nhưng cục này, vụ kia không đồng tình bởi có thể còn liên quan tới nhận thức, năng lực và thậm chí là lợi ích cục bộ”, ông Phúc nhận xét. Sau đó, dưới sức ép của Chính phủ và Quốc hội, danh sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được “chốt”.
Tuy nhiên, kể từ khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được thông qua năm 2014 và hiệu lực thi hành từ tháng 7/2015 cho tới tháng 7/2016 là một thời gian dài nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh dạng thông tư vẫn quá chậm, do tâm lý “cố đấm ăn xôi”. “Chỉ khi đích thân Thủ tướng ra tay, các bộ, ngành mới chịu thực hiện”, ông Phúc nói.
Dù vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, gần 3.000 điều kiện kinh doanh được quy định dưới dạng thông tư đã hết hiệu lực kể từ 1/7/2016, thay vào đó là 50 Nghị định đã và sẽ được ban hành thay thế”. Nhưng một điều chắc chắn là 50 nghị định mới chưa phải là toàn bộ điều kiện kinh doanh của Việt Nam. Đây chỉ là những điều kiện kinh doanh hiện đang nằm ở cấp thông tư và còn rất nhiều điều kiện hiện đang nằm sẵn trong luật rồi thì dịp này chưa xem xét, đánh giá, ông Tuấn cho hay. Chính vì thế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thời điểm 1/7/2016 mới chỉ là khởi đầu và việc đánh giá giấy phép kinh doanh về sau cần phải đẩy mạnh một cách quyết liệt hơn trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 và Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Sau Hiến pháp 2013 là hàng loạt luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Phá sản… ra đời mang lại sự cải cách môi trường kinh doanh một cách đồng bộ, nhưng mặt khác cũng có tình trạng chồng chéo, luật trái luật… Chính vì thế, một bộ luật sửa đổi nhiều luật về kinh doanh đang được soạn thảo nhằm khắc phục những “lỗi kỹ thuật” trên. Từ tháng 7/2015, thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đến hết năm 2015 đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới là 93.868 doanh nghiệp - lớn nhất từ trước tới nay. 6 tháng đầu năm 2016 có thêm 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 51,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận