Trang phục dân tộc luôn là một trong những phần thi quan trọng trong một cuộc thi nhan sắc quốc tế. Để có vài phút trình diễn bộ trang phục ấy là biết bao công sức của nhà thiết kế (NTK). Tất nhiên, không phải lúc nào chuyện đó cũng trọn vẹn.
Làm kiểu gì cũng bị “ném đá”
Ngay khi chỉ vừa đăng tải trên fanpage của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trong album cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe”, mẫu thiết kế “Bàn thờ” đã gây tranh cãi gay gắt. Không ít người cho rằng, thiết kế được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là phản cảm, xúc phạm tới sự linh thiêng của tổ tiên. Tác giả Phạm Quang Minh thừa nhận, bộ trang phục của anh còn nhiều thiếu sót, hơi lố. Tuy nhiên, Quang Minh vẫn cho rằng, thiết kế của anh vẫn mang nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thiết kế “Bàn thờ” bị “ném đá” không quá khó hiểu bởi sự sáng tạo, phá cách vốn luôn là đề tài tranh cãi. Ngay Top 3 trang phục dân tộc được lựa chọn để dự thi Miss Universe 2019 là “Cà phê phin sữa đá”, “Cò”, “Vùng đất chín rồng” cũng bị siêu mẫu Hà Anh nhận xét: “Cho Thùy lủng củng trong phin cà phê tay vác muỗng, vùi người trong thân cò, hay hóa Nữ hoàng Medusa 9 đầu rồng có thể lạ về ý tưởng nhưng không dành cho cuộc thi sắc đẹp mà chỉ mang đi lễ hội hóa trang quốc tế thôi”.
Dễ thấy, hầu hết những trang phục dân tộc mà đại diện Việt Nam mang đi chinh chiến tại các đấu trường nhan sắc quốc tế đều ít nhiều bị chê bai, chỉ trích từ khi ra mắt. Chê bai từ việc thiết kế thiếu tính dân tộc, cách tân quá đà tới sự cũ kỹ hoặc là sản phẩm đạo nhái…
Thực tế, trang phục “Bánh mì” mà H’hen Niê mang đi dự thi Miss Universe 2018 cũng từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng nó không mang đặc trưng của văn hóa dân tộc. Nhưng cuối cùng, “Bánh mì” đã lọt Top 1 trong 4 trang phục dân tộc ấn tượng tại cuộc thi.
“Mất ăn mất ngủ” bởi thiết kế
Những năm gần đây, những trang phục dân tộc đoạt giải ở các đấu trường quốc tế như Miss Universe, Miss International… hầu hết đều mang tính độc đáo, sáng tạo. Váy gốm sứ Trung Quốc năm 2012, trang phục lấy cảm hứng từ ngôi đền Borobudur của Indonesia 2014, Thái Lan với xe tuk-tuk năm 2015, trang phục lấy cảm hứng từ di tích chùa vàng và các nhân vật trong nền văn hóa của Lào 2018…
Thiết kế kiểu gì cũng bị chê bai trong khi ít ai biết, để làm nên những bộ trang phục dân tộc cho người đẹp trình diễn vài phút là bao nỗ lực của NTK. Từng tham gia vào khâu thiết kế trang phục dân tộc cho nhiều người đẹp như Phạm Hương, Trương Thị May…, NTK Đỗ Vân Trí thừa nhận, điều gây khó khăn và áp lực nhất cho NTK là phải làm sao cho thiết kế sinh động, hấp dẫn nhưng không được phá bỏ đi nét truyền thống, không được lai căng nền văn hóa khác khiến công chúng ngộ nhận thành trang phục của dân tộc khác. Các thiết kế phải thuyết phục được khán giả khó tính bằng sự chỉn chu, ý nghĩa, bám sát vào lịch sử nhưng phải hợp thời. Bởi vẻ đẹp mỗi thời mỗi khác, công nghệ kỹ thuật để làm nên những sản phẩm truyền thống cũng vậy.
Đó là lý do những chiếc mấn được Vân Trí thiết kế cho các người đẹp như Phạm Hương, Trương Thị May, Thùy Dung… đều được mạ vàng, bạc, chạm khắc tinh xảo để có thể bền bỉ trong nhiều năm ở điều kiện bình thường. Mỗi thiết kế được thực hiện trong gần 1 tháng từ khâu lên ý tưởng, thực hiện, hoàn thiện sản phẩm. “Hầu như sản phẩm nào cũng làm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi phải tập trung cao độ dù không quan tâm sản phẩm đó sẽ dùng cho mục đích gì, giá trị ra sao”, NTK Vân Trí nói.
Không chỉ “mất ăn mất ngủ”, nhiều NTK còn “đổ máu” theo đúng nghĩa đen vì sản phẩm của mình. Chính NTK Phạm Phước Điền -“cha đẻ” của bộ “Bánh mì” từng tâm sự, anh đã tuyệt vọng tới mức bật khóc khi phải làm trang phục này. Nhiều khi anh phải làm thâu đêm, tay chân bị bỏng keo, có khi đứt tay hoặc tay sưng vù vì cầm kim và những dụng cụ nặng. Đây cũng là tình trạng của NTK Ngô Mạnh Đông Đông khi các dụng cụ và nguyên liệu thiết kế trang phục đều sắc nhọn. Theo Ngô Mạnh Đông Đông, khi thiết kế trang phục “Hoa sen vàng” cho Hương Giang tại Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018, riêng phần cánh của tranh phục cũng khiến cả ê-kíp phải làm việc cật lực làm trong hơn 10 ngày cùng với 12 người thợ từ kim hoàn, làm mấn, đến thợ may, thợ giày, thợ thêu đính. Nam NTK cho rằng, thử thách lớn nhất là làm sao để mang được những nét văn hóa mới của Việt Nam ra giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho biết, 3 năm nay, đơn vị đã không còn nhờ tới các NTK chuyên nghiệp mà quyết định tổ chức cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe”. Bởi, phần thi Trang phục dân tộc những năm gần đây đã thay đổi tiêu chí. Trang phục giành được chiến thắng không chỉ mang nét đẹp đại diện cho quốc gia mà phải đảm bảo yếu tố độc đáo, sáng tạo, có hiệu ứng bất ngờ và tính trình diễn trên sân khấu. Các thiết kế cũng phải đáp ứng quy chuẩn về kích thước, cân nặng, đóng gói khi vận chuyển sang nước ngoài, dễ tháo lắp. “Khi vẽ ý tưởng, tác giả có thể thỏa sức sáng tạo và bay bổng, nhưng chuyển thể ý tưởng đó thành sản phẩm thật đòi hỏi phải tính toán chi tiết về chất liệu, độ khả thi và giảm thiểu sức nặng cho người mặc”, đại diện của BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tiết lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận