Xã hội

Hậu trường cứu cha con người Trung Quốc nhiễm virus Corona

07/02/2020, 06:03

Việt Nam là nơi đã góp phần quan trọng xác định virus Corona có thể lây trực tiếp từ người sang người. Trường hợp này là một minh chứng cụ thể.

img
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Đỗ Loan

Dù không có thuốc đặc trị nhưng hai bệnh nhân là cha con người Trung Quốc (người cha tên Li Ding, 66 tuổi; người con Li ZiChao, 28 tuổi, đến từ Vũ Hán) đã được các bác sĩ BV Chợ Rẫy điều trị thành công, trong đó người con đã xuất viện vào ngày 4/2.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với Báo Giao thông về quá trình tiếp nhận, điều trị cho hai trường hợp được ghi nhận dương tính với nCoV đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 22/1.

Để chủ động phòng bệnh, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Dùng khăn giấy hoặc cánh tay để che miệng và mũi khi ho, khi hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần với người đang sốt, ho.

Nếu đang bị sốt, ho, khó thở cần đến khám tại cơ sở y tế và cho bác sĩ biết các thông tin về hành trình di chuyển trước đó. Người bị bệnh viêm hô hấp nên hạn chế tiếp xúc tại nơi đông người, chủ động đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người xung quanh…
Bác sĩ Lê Quốc Hùng


Với thành tích đạt được ban đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và tặng bằng khen cho Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã tham gia chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho hai bệnh nhân là cha con người Trung Quốc. Quá trình phát hiện, tiếp nhận, cách ly và điều trị cho họ diễn ra thế nào?

Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong tất cả các kịch bản, từ khi Việt Nam chưa có một ca nhiễm nào, cho tới khi có 1 ca rồi có thể có nhiều ca hơn nữa và có thể lây lan rất nhiều, ở mức độ rất rộng trong cộng đồng. Khi chúng tôi tiếp nhận ca đầu tiên, ngay từ phòng cấp cứu là tuyến đầu của bệnh viện, nhân viên đã rất cảnh giác và phát hiện ra ngay.

Hai cha con người Trung Quốc phải nằm trong tầm kiểm soát và chúng tôi phải tầm soát bệnh viêm phổi lạ. Từ đó bắt đầu cách ly ngay từ khi cấp cứu, phân luồng đưa bệnh nhân từ khoa Cấp cứu lên khoa Nhiệt đới. Tất cả đều nằm trong kịch bản chung của bệnh viện nhưng phải có đường đi riêng, cầu thang riêng, thang máy vận chuyển riêng, khu vực riêng do chúng tôi chuẩn bị trước.

Nhờ những trang bị từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Paster kết hợp nên phát hiện ra nguyên nhân của hai bệnh nhân này chỉ trong vòng 48 tiếng. Chúng tôi biết chắc chắn đây là hai trường hợp đầu tiên của Việt Nam nhiễm virus Corona, từ đó chúng tôi theo dõi và đánh giá từng bệnh nhân theo từng ngày, từng giờ…

Ông có thể chia sẻ về phác đồ điều trị cho hai bệnh nhân nói trên, trong bối cảnh chúng ta chưa có thuốc đặc trị?

Bệnh viện đã phối hợp điều trị bằng thuốc kháng virus, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như: Hạ đường huyết, hạ huyết áp… Sau đó, dựa theo tình hình lâm sàng và kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ điều chỉnh các loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

Do hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu để tiêu diệt nCoV, nên điều quan trọng nhất là điều chỉnh những rối loạn về hô hấp, huyết học, đường huyết, diệt vi khuẩn đồng nhiễm để bệnh nhân có thời gian hồi phục bệnh. Với sự theo dõi sát sao, phát hiện sớm những biến chứng để điều chỉnh thuốc kịp thời mà hiện nay người con đã hoàn toàn hết sốt, hết các triệu chứng khác của bệnh, đã được xuất viện ngày 4/2.

Trên thế giới chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu cho nCoV. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ cân nhắc và đưa ra phác đồ đầu tiên, khoanh vùng bệnh và theo dõi sát sao. Nhưng sau một vài ngày khi đã có các xét nghiệm, bác sĩ phải thay đổi các phác đồ điều trị.

Phác đồ điều trị này cũng chưa có gì chính thức cả cho nên dựa vào các phác đồ điều trị trước đây, các báo cáo hiện nay đồng thời dựa trên biến chuyển mỗi ngày để thay đổi thuốc. Cái này thực sự gọi là một nghệ thuật chứ không phải thành một phác đồ cứng nhắc, không phải điều trị từ lúc đầu đến lúc cuối là giống nhau.

Hiện sức khỏe của người cha thế nào, khi nào mới có thể xuất viện?

Người cha mắc nhiều bệnh lý nền như: Đái tháo đường type II, u phổi phải đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đã đặt stent, kết quả PCR nCoV còn dương tính, song các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm nhiều, hết sốt hơn 24 giờ, tổn thương phổi đang được cải thiện.

Lúc nhập viện, người cha không thể tự đi đứng, ăn uống được và phải thở oxy liên tục liều cao. Tuy nhiên qua quá trình điều trị đến nay, bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt bình thường, các chức năng gan, thận, rối loạn tiêu hóa được điều trị thành công.

Với một bệnh nhân nhiều bệnh nền như thế và diễn biến lâm sàng đến thời điểm hiện tại là một điều hết sức khả quan. Hiện bệnh nhân Li Ding vẫn còn dương tính nhưng lâm sàng đã tiến triển rất tốt, virus đang yếu dần.

Trước đó, bệnh nhân Li Ding có 1 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính vào ngày 30/1, nhưng là do trước khi xét nghiệm bệnh nhân đã có súc miệng làm giảm số lượng virus, bệnh nhân này cần được theo dõi sát sao để đảm bảo khỏe mạnh hoàn toàn mới cho xuất viện.

Lý do người con xuất viện sớm hơn người cha là do ở những người khỏe mạnh, bệnh thường gia tăng mức độ nặng trong tuần thứ nhất nhưng sau đó có thể tự giới hạn cho tới khỏe mạnh lại hoàn toàn trong tuần thứ hai.

Ngoài ra, đối với những đối tượng đặc biệt, như: Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính, tình trạng nặng của bệnh tiến triển rất nhanh với tổn thương phổi nặng nề. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp từ sớm thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp.

img
Bệnh nhân Li ZiChao, 28 tuổi đến từ Vũ Hán mắc bệnh Corona được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã xuất viện sáng 4/2

Vì sao virus Corona có thể lây bệnh với người này nhưng với người khác thì không, thưa ông?

Việt Nam là nơi đã góp phần rất quan trọng để xác định virus Corona có thể lây trực tiếp từ người sang người. Trường hợp hai cha con người Trung Quốc và bà vợ từ Vũ Hán qua Việt Nam là một minh chứng cụ thể. Người chồng bị bệnh nhưng người vợ ở cùng người chồng lại không bị bệnh. Người này khi sang Việt Nam tiếp xúc với người con và ở lại 4 tháng, sau đó lây cho người con.

Theo điều tra của bệnh viện, trước thời gian tiếp xúc với người cha, người con không tiếp xúc với một người nào từ Vũ Hán qua, không có một nguồn lây nào trực tiếp dẫn đến nhiễm bệnh và chỉ bị nhiễm bệnh khi gặp cha.

Qua đó có thể nói đây là một bằng chứng rất rõ ràng để xác định chắc chắn rằng, virus Corona lây từ người sang người. Tuy nhiên, chúng ta cũng đặt ra vấn đề là tại sao người vợ đi cùng lại không bị nhiễm bệnh?

Như vậy có nghĩa là có yếu tố thuận lợi khi virus Corona đưa người này mắc bệnh nhưng người khác không mắc bệnh. Về y khoa có thể là tiếp xúc nhưng tùy thuộc vào thể trạng, đề kháng mỗi người nhiễm hoặc không. Đây là một vấn đề đặt ra cho giới y khoa thế giới cùng suy nghĩ và nghiên cứu.

Trong quá trình điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, các bác sĩ có lo sợ mình bị nhiễm bệnh?

Tâm lý của các bác sĩ lúc đầu cũng lo lắng, cảm giác lo sợ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm và tinh thần vững vàng, các bác sĩ động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Bởi khó khăn ở đây là trường hợp đầu tiên từ trước đến nay, trên thế giới chưa có một phác đồ điều trị cụ thể và cũng chưa có thuốc đặc trị.

Cảm ơn ông!

Giấu âu lo vì sợ gia đình bất an

img

Chia sẻ với PV, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Ngọc Sang (ảnh trên), Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc cho biết, khi phân công người vào khu vực cách ly và chăm sóc bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Khoa Bệnh nhiệt đới phải chọn các bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm đối phó với một số dịch trước đây; là người có tâm lý vững vàng.

Điều trị và chăm sóc cho hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona có 30 người bao gồm: Bác sĩ, điều dưỡng, lực lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, thu dọn chất thải xử lý đúng quy trình.

“Đây là ca bệnh nhân đặc biệt chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, do vậy khi điều trị mỗi bác sĩ sẽ có những cảm xúc khác nhau. Nhưng với tôi đây là một trải nghiệm đáng quý, không phải ai cũng có cơ hội thực tế”, bác sĩ Sang kể.

“Lúc đầu trước khi vào khu vực cách ly bản thân tôi cũng có cảm giác lo sợ. Nhưng nghĩ lại, trước đây chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm chống dịch như: H5N1, SARS… nên tôi yên tâm.

Tôi có con nhỏ 3 tuổi và vợ đang mang thai. Khi vợ biết tôi đang điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm dịch, cô ấy đã rất lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi phải vững tinh thần, động viên và chia sẻ để mọi người cùng thấu hiểu. Dẫu có lúc cảm thấy lo lắng nhưng tôi không để người thân biết, nếu không người thân sẽ cảm thấy bất an”, bác sĩ Sang chia sẻ.

Đỗ Loan (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.