Dù là tác phẩm phóng tác từ “Truyện Kiều”, nhưng bộ phim điện ảnh “Kiều @” được kỳ vọng sẽ là góc nhìn mới mẻ về nỗi đau của người phụ nữ và con người nói chung.
Hơi thở mới về nàng Kiều
3254 câu Kiều của Nguyễn Du không chỉ là một kho tàng quý báu của văn học Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều loại hình nghệ thuật khác.
Riêng với điện ảnh, đã có không ít đạo diễn ấp ủ dự định chuyển thể kiệt tác văn học này nhưng chưa dự án nào được trình làng. Còn nhớ, năm 2018, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tuyên bố sẽ chuyển thể “Truyện Kiều” thành phim điện ảnh và phim truyền hình (giống như ông đã làm với tác phẩm “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng). Ông cũng hy vọng mình sẽ là người đặt viên gạch đầu tiên. Song, cho tới hiện tại, dự án phim về nàng Kiều của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn chưa ra mắt khán giả.
Cuối năm 2019, nhà sản xuất Mai Thu Huyền gây xôn xao khi công bố kế hoạch đưa Kiều lên màn ảnh rộng. Phim được dự kiến trình làng vào tháng 11/2020 nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của cố thi hào Nguyễn Du. Tuy nhiên, đến giờ, dự án được Mai Thu Huyền ấp ủ suốt 10 năm vẫn chưa có lịch ra rạp.
Tính đến thời điểm hiện tại, duy nhất dự án “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An mới chính thức ấn định ngày ra rạp vào 22/12/2020. Lựa chọn hình thức phóng tác từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, nam đạo diễn tiết lộ, nàng Kiều sẽ được thổi hồn theo hơi thở mới, cách tiếp cận mới và được đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu ngay từ khâu tiền kỳ.
“Tôi dành hai năm để viết kịch bản và hoàn thành bộ phim. Trong đó, khâu tiền kỳ mất hơn một năm. Hiện, phim đang hoàn thiện hậu kỳ để sẵn sàng ra rạp. Điều khó nhất khi viết kịch bản đưa Kiều từ văn học lên màn ảnh là làm sao cho mới lạ, hấp dẫn. Tôi lựa chọn việc lấy cảm hứng từ hình tượng các nhân vật trong tác phẩm nguyên bản như Thúy Kiều - Thúy Vân, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Đạm Tiên, rồi đặt họ trong bối cảnh đương đại. Sau cùng, thông điệp chính của phim là hướng đến sự hy sinh, cảm thông, chia sẻ trong gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn, khổ đau trong cuộc sống”, đạo diễn Đỗ Thành An chia sẻ.
Phim dài 90 phút có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ tài năng như: Phan Thị Mơ - vai Hương - hình tượng Thúy Kiều, Cao Thái Hà vào vai Phấn - hình tượng Thúy Vân. Hình tượng Kim Trọng - vai Tùng do diễn viên Mạnh Lân thể hiện, hình tượng Mã Giám Sinh - vai Định do Trần Trung đóng, còn hình tượng Từ Hải do Minh Khải đảm nhiệm…
Đối với hầu hết mọi người, nhân vật Kiều trong “Truyện Kiều” là một mỹ nhân với vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà”, “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Tuy nhiên, hình tượng Kiều trong vai Hương lại khác hoàn toàn. Hương là một cô gái miền Tây trẻ trung, trong sáng, lần đầu lên thành phố đi học, dòng đời đưa đẩy cô đến thế giới của những cô gái làng chơi.
Phan Thị Mơ kể rằng, cô ấn tượng với nhân vật ngay từ khi đọc kịch bản. Cũng vì thế, cô đã khóc ngay trong lần đầu casting. Đến khi nhận được cái gật đầu từ đạo diễn, cô sẵn sàng bỏ lại tất cả các dự án và kế hoạch khác để tập trung quay bộ phim trong suốt 1 tháng tại Đà Lạt.
“Hương là vai diễn có tính cách, số phận khác hoàn toàn với những vai diễn tôi từng đảm nhiệm trước đó. Để vào vai cô gái làng chơi, tôi thường xem các phim bộ của Hong Kong cùng đề tài để nắm bắt kỹ thuật diễn. Từ cách cô gái mời mọc, đon đả tiếp khách… tôi đều phải làm quen và cố gắng thể hiện tốt nhất có thể”, nữ diễn viên bộc bạch.
Mạo hiểm với kỹ thuật one-shot
Theo tiết lộ từ ê-kíp phim, “Kiều @” là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và là bộ phim one-shot thứ 31 trên thế giới (theo Ranker) sử dụng kỹ thuật một cú máy (one-shot). Kỹ thuật này không mới trên thế giới, từng được áp dụng trong các phim đoạt giải Oscar như 1917, Birdman..., nhưng ở Việt Nam chưa có ai thử nghiệm.
Thừa nhận quyết định này là liều lĩnh, tự làm khó mình, đạo diễn Đỗ Thành An cho biết, ngay từ khi đọc kịch bản, ông đã nghĩ rằng, one-shot sẽ là kỹ thuật hoàn hảo cho cách kể chuyện qua góc nhìn của một linh hồn, được bay bổng trong góc máy và nghệ thuật tạo hình.
Câu chuyện phim bắt đầu bằng cảnh một linh hồn thoát xác khỏi một nhân vật trong phòng mổ, sau đó hồi tưởng cuộc đời mình. Vì thế, không còn thủ pháp nào có thể hay hơn để truyền tải nội dung này, để tả được góc nhìn của linh hồn, vì nó quá trừu tượng và ít ai trải nghiệm khi mình chết rồi sẽ như thế nào. Anh muốn khán giả trải nghiệm khi xem phim nhập tâm vào nhân vật để cảm nhận khi mình chết rồi mình có thể làm gì, có thể nhìn thấy gì, nhìn như thế nào...
Mặc dù từng thành công ở những dự án điện ảnh như “Mất xác” (2014), “Mặt nạ máu” (2016), nhưng với “Kiều @”, Đỗ Thành An có cảm giác như làm bộ phim đầu tay.
“Làm phim với kỹ thuật one-shot, kinh phí đội lên rất nhiều lần là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, quá trình làm phim khó gấp 10 lần so với bộ phim thông thường. Trong đó, yếu tố sáng tạo nghệ thuật luôn được đưa lên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi đã bàn bạc kỹ và thực hiện cú máy kỷ lục dài 30 phút. Phim hoàn toàn không có cắt dựng, chỉ nối lại với nhau kèm theo kỹ xảo”, Đỗ Thành An thông tin.
Từng tham gia nhiều dự án điện ảnh, truyền hình, nhưng Phan Thị Mơ thừa nhận, “Kiều @” là bộ phim khó nhất cô từng tham gia. Bên cạnh diễn xuất tập trung nhiều qua nội tâm nhân vật, kỹ thuật one-shot là điều khiến cả cô và ê-kíp phải đau đầu.
“One-shot là kỹ thuật đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng và chính xác từ tất cả các bộ phận. Chỉ cần một bộ phận, một chi tiết hay một phân đoạn 1 giây sai, cả đoàn phải dựng và quay lại từ đầu. Có phân cảnh chúng tôi phải quay đi quay lại tới 10 lần hay quay liên tục 2 ngày 2 đêm không ngừng nghỉ là điều bình thường. Tất cả đều áp lực, căng như dây đàn vì sợ một lỗi nhỏ của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác”, Phan Thị Mơ kể lại.
Trong khi đó, diễn viên Mạnh Lân thừa nhận, kỹ thuật one-shot đòi hỏi nhiều về khả năng diễn xuất. Đặc biệt, anh phải nuôi cảm xúc trong suốt quá trình quay. Nếu chỉ cần đứt mạch cảm xúc, sẽ làm ảnh hưởng đến cả ê-kíp. Để làm được điều đó, anh mất gần 1 tháng tập luyện, bắt nhịp với cả đoàn trước khi chính thức bấm máy.
Kỹ thuật khó, nhưng không phải là điều khiến đạo diễn đau đầu nhất. Âm nhạc và nhạc cụ sử dụng trong phim mới là vấn đề khiến Đỗ Thành An trăn trở. “Âm nhạc trong phim sẽ là thử thách lớn nhất của tôi và nhạc sĩ. Nó chẳng giống ai, mà nó là tất cả của mọi người. Vì vậy, tôi quyết định chọn nhạc cụ diễn tả âm nhạc trong phim là cây đàn kìm (đàn của người Việt Nam) là chính và dàn dây giao hưởng châu Âu sẽ làm nền cho tiếng đàn kìm”, nam đạo diễn chia sẻ.
Thế giới có 2 dạng phim được gọi chung là phim một cú máy. Thứ nhất, chỉ quay một cú máy, thời gian quay phim bằng thời gian thật của phim. Theo thống kê, loại này trên thế giới có khoảng 35 phim, với thời lượng dao động từ 57 - 145 phút, trong đó có 24 phim từ 90 phút trở lên. Dạng thứ hai, phim quay theo kỹ thuật continuous shot (cú máy tiếp diễn) để tạo thành phim một cú máy sau khi hậu kỳ. Loại này có khoảng 12 phim, dao động từ 70 - 161 phút, trong đó có 6 phim từ 90 phút trở lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận