Showbiz

Hậu trường đẫm nước mắt của phóng viên làm "Điều ước thứ 7"

20/06/2019, 07:27

Lên sóng 5 năm, "Điều ước thứ 7" đã mang tới những điều ước cho nhiều số phận kém may mắn, cũng như lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

img
Câu chuyện về hai anh em Tạ Thành Công - Tạ Công Minh lấy đi nước mắt của nhiều người - Ảnh: Diệp Chi

Những giọt nước mắt cảm thông, hay hạnh phúc cùng các nhân vật khi những điều ước của họ trở thành sự thực. Để làm được điều ấy, phía sau mỗi câu chuyện là sự nỗ lực của ê-kíp thực hiện nhằm mang tới những câu chuyện chân thực nhất cho khán giả.

Giọt nước mắt chia sẻ, yêu thương

Kể từ khi ra mắt vào năm 2014, Điều ước thứ 7 dần trở thành chương trình được khán giả yêu thích bởi tính nhân văn và ý nghĩa mà chương trình mang lại. Mỗi số thực hiện là một số phận, câu chuyện mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu. Để rồi, họ cùng khóc, cùng cười, sẻ chia và đồng cảm với những số phận đặc biệt ấy. Khán giả từng rơi nước mắt vì đồng cảm với hành trình 13 năm chữa bệnh cho con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn, ấm lòng với tấm lòng thiện nguyện của bác bảo vệ làm mất xe máy SH, hay nức nở trước hoàn cảnh của hai anh em có cha mẹ qua đời trong đám cháy ở Đê La Thành… Ít ai biết, đằng sau những thước phim đó là biết bao căng thẳng, suy tư của các thành viên trong ê-kíp thực hiện.

Để làm nên một số phát sóng dài 50 phút, ê-kíp sản xuất thường mất khoảng 3-4 ngày quay, chưa kể thời gian tiếp cận, xác minh và làm quen với nhân vật. Phần tiền kỳ thường được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thông qua sự kết nối với nhiều cơ quan truyền thông uy tín và những lá thư được chính khán giả yêu mến chương trình gửi về, ê-kíp sẽ tìm những thân phận phù hợp với nội dung chương trình đặt ra rồi tiến hành xác minh. Quá trình chuẩn bị tốn kém nhiều thời gian khi ê-kíp phải họp liên tục để bàn về sự phù hợp của đề tài, triển khai phương án thể hiện, tìm địa điểm thực hiện, chọn lựa cách triển khai và thời gian ghi hình phù hợp với nội dung. Việc chọn bối cảnh ghi hình cũng lắm phức tạp bởi phải căn cứ vào từng thân phận, cũng như những yếu tố khách quan.

Thông thường, kịch bản của từng số Điều ước thứ 7 thường đi theo format: Phóng sự giới thiệu nhân vật và câu chuyện, ê-kíp họp bàn triển khai ý tưởng và thực hiện điều ước cho nhân vật. Để có được những thước phim chân thật nhất và ghi được những tình tiết đắt giá nhất là cả sự kỳ công, tính toán chi li. Mỗi lần thực hiện, sẽ có khoảng 4 máy quay được huy động để không bỏ sót bất cứ hình ảnh và tình tiết nào đặc biệt. Các quay phim phải phối hợp chính xác và nhịp nhàng, để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào cũng như tác động đến cảm xúc tự nhiên của nhân vật. Với ê-kíp quay phim, các cảnh quay cận, trung, toàn cảnh đều phải được điều phối từ ban đầu để có thể có được một chương trình ấn tượng nhất gửi tới khán giả.

Đặc biệt, việc thực hiện được điều ước cho nhân vật một cách trọn vẹn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, sự đầu tư. Người đi làm phóng sự phải khai thác được đời tư, mong mỏi của nhân vật và mối quan hệ của những người xung quanh với nhân vật. Sau đó, ê-kíp sản xuất sẽ tính toán từng vấn đề một, từ việc sắp xếp câu chuyện thế nào, chọn bối cảnh ra sao để tạo cho nhân vật cũng như khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

“Như việc thực hiện điều ước cho bác bảo vệ làm mất xe SH ở TP HCM là tới phòng trà của Lệ Quyên để nghe nhạc, chúng tôi cũng phải căn từng cái đèn, máy quay, mật độ ánh sáng, ánh sáng chiếu thế nào để không làm ảnh hưởng tới những khách xung quanh…”, đạo diễn Bùi Thái Dương tiết lộ. Dẫu tính toán cẩn thận như vậy nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi những sự cố trong quá trình thực hiện. Những sự cố như đang đến đoạn hay thì máy quay hết ắc-quy, micro của nhân vật hết pin, hay người cho mượn bối cảnh không cho mượn nữa, nhân vật chán nản,… cũng có lúc xảy ra dù không phải thường xuyên.

img
Hành trình 15 năm chữa bệnh cho con trai của nghệ sĩ Quốc Tuấn khiến nhiều người rơi nước mắt

Ám ảnh những phận người

Là người thường đảm nhận vai trò quay phóng sự giới thiệu nhân vật, phụ trách kịch bản và biên tập chương trình, BTV Hoàng Anh thừa nhận, điều khó nhất chính là phải làm sao để nhân vật sẵn sàng chia sẻ mọi điều với mình. Bởi BTV thường rất bận rộn nên chỉ có khoảng thời gian ngắn để làm quen với nhân vật. Anh hiểu, trong thời gian ngắn đó, nhân vật không thể nào chia sẻ hết mọi thứ với mình nên có những lần, anh phải ăn ở với nhân vật thậm chí nửa tháng trời để tạo cho họ niềm tin với mình. Khi tạo dựng được lòng tin của nhân vật và những người xung quanh họ, anh lại phải tìm cách để họ quen với máy quay luôn đi theo mình. Dẫu vậy, cũng có không ít lần công việc này bất thành.

Không biết bao nhiều lần Điều ước thứ 7 lấy đi nước mắt của khán giả, nhưng ít ai biết phía sau hậu trường còn nhiều nước mắt hơn. BTV - đạo diễn Diệp Chi từng thừa nhận, trong hậu trường của hầu hết các số, các BTV của chương trình là những người xúc động và khóc nhiều nhất. Bởi, đó là những người đã tìm hiểu nhân vật và câu chuyện từ những phút đầu tiên, trở thành người bạn, người con, người cháu của nhân vật để họ thổ lộ những điều riêng tư của mình một cách chân thành nhất.

Không biết bao lần Điều ước thứ 7 lấy đi nước mắt của khán giả, nhưng ít ai biết phía sau hậu trường còn nhiều nước mắt hơn. Đạo diễn Diệp Chi, người phụ trách kịch bản, nội dung đồng thời dẫn dắt chương trình từng thừa nhận, trong hậu trường hầu hết các số, các BTV là những người xúc động và khóc nhiều nhất. Bởi chính các BTV đã tìm hiểu nhân vật và câu chuyện từ những phút đầu tiên, trở thành người bạn, người con, người cháu của nhân vật để họ thổ lộ những điều riêng tư của mình một cách chân thành nhất.

Vụ cháy kinh hoàng ở Đê La Thành vào ngày 17/9/2018 khiến 2 người chết đã khiến nhiều người ám ảnh không thể quên. Nạn nhân là bố mẹ của một bệnh nhi sinh non ở Bệnh viện nhi Trung ương. Câu chuyện về hai đứa trẻ - con của hai nạn nhân khi lên sóng Điều ước thứ 7 đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Đây cũng là câu chuyện mà những người làm ê-kíp nhớ mãi, bởi chính họ cũng đã bật khóc không biết bao nhiêu lần khi quay chương trình.

“Tôi nhớ mãi khi cùng em Tạ Thành Công (người anh) đi ra nghĩa trang thăm mộ của bố mẹ em vào một buổi trưa. Thực tế, chúng tôi muốn ra đó thắp hương cho hai vợ chồng. Ở đó, Công đã ngồi giữa hai ngôi mộ và đưa tay chạm vào như đang muốn chạm vào bố mẹ. Đó là cảnh tự nhiên và cảm xúc nhất, cũng là cảnh mà tôi thấy đắt nhất trong phóng sự mình làm”, Hoàng Anh kể. Khi phỏng vấn ghi hình bé Công cùng ông bà, nhiều lúc anh và quay phim đã phải dừng lại vì không kìm được cảm xúc của mình.

Cũng là câu chuyện ấy, với BTV Diệp Chi, bao nhiêu đêm cô ngồi trước bàn dựng là từng ấy đêm nước mắt chảy dài. Cô xót xa với với gia cảnh mồ côi của hai anh em Công – Minh và hoàn cảnh khốn khó mà những người còn sống đang phải đối diện. Thực tế, khó khăn lớn nhất của ê-kíp khi thưc hiện số này là phải tác nghiệp trong phòng cách ly. Để an toàn tuyệt đối, ê-kíp phải chờ khi tình trạng bé Minh ổn định mới dám đề cập với bác sĩ. Đạo diễn Bùi Thái Dương ngậm ngùi nhớ lại: “Một cặp mắt trong veo hướng lên lồng kính, huơ tay lên không trung, cảm giác như em bé đang với tay gọi người anh bế mình về. Phía ngoài lồng kính, người anh nhìn cậu em với cặp mắt tràn đầy yêu thương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.