Hàng hải

Hậu trường đưa siêu tàu container cập cảng Cái Mép

19/04/2023, 10:08

Để đón những tàu container lớn nhất thế giới vào cảng biển Cái Mép là biết bao nỗ lực, sự tập trung cao độ nhằm đảm bảo tối đa an toàn hàng hải.

Chuyện lai dắt siêu tàu

Tàu container OOCL Spain cập Cảng quốc tế Gemalink cuối tháng 3 vừa qua đã đánh dấu mốc mới cho ngành hàng hải Việt Nam khi lần đầu đón chuyến tàu sức chở 24.188 Teus (khoảng hơn 230.000 DWT).

Với tổng chiều dài 399,9m và chiều rộng 61,3m, cùng mớn nước tàu vào -15m và mớn nước tàu ra -15.5m, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.

Đây cũng là tàu container lớn nhất từ trước tới nay cập cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

img

Tàu OOCL Spain cập cảng Gemalink là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay

Để đón chuyến tàu lớn, suốt vài tháng, các đơn vị liên quan từ doanh nghiệp cảng, hoa tiêu, lai dắt, đội ngũ tư vấn cùng cơ quan quản lý hàng hải đã phải liên tục họp bàn, đánh giá tình hình cũng như tìm phương án tối ưu, cách phối hợp giữa các lực lượng để đưa tàu vào cảng an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) khẳng định, trước đó đội ngũ tư vấn đã phải tham gia đánh giá kết cấu luồng tại khu vực và kết cấu cầu cảng, để chắc chắn có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 250.000 DWT. Những kinh nghiệm và nghiên cứu từ những lần đón tàu lớn trước đó được tận dụng triệt để để giảm bớt thời gian và sức lực.

Đã có kinh nghiệm kỳ cựu trong nghề hoa tiêu, song hoa tiêu ngoại hạng Lê Ngọc Dương (Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu) vẫn căng thẳng khi được giao nhiệm vụ đón “siêu tàu” cập cảng Cái Mép.

Ông Dương kể, trước ngày tàu vào khoảng hơn 1 tháng, đại lý hãng tàu và cảng đã gọi ông để nhờ tư vấn việc đưa tàu vào.

Sau khi đánh giá mọi yếu tố từ độ sâu luồng, thủy triều, dòng chảy, điều kiện tự nhiên và thời tiết dự kiến... ông mới “chấm” việc có thể dẫn tàu vào.

Ngày 29/3, trời quang mây tạnh nhưng gió mạnh. Lực lượng chức năng dùng cano “dọn đường” các ghe cá và sà lan, dẹp luồng cho tàu vào cảng. 4 tàu lai Azimuth công suất 5.000 mã lực được huy động để lai dắt “siêu tàu”.

Theo lời hoa tiêu Dương, khu vực luồng Cái Mép cũng đang là công trường của dự án nâng cấp luồng Cái Mép nên để đảm bảo an toàn hàng hải, lực lượng điều tiết đã phải dành riêng một luồng cho tàu.

Từ biển khơi, tàu OOCL Spain sừng sững tiến vào bến cảng. Ngay khi tàu đến phao số 0 của luồng Cái Mép - Thị Vải, hoa tiêu đã nhanh chóng leo lên tàu trao đổi với thuyền trưởng về thông số kỹ thuật, tính năng của tàu cùng các điều kiện để đưa tàu vào cảng.

Hơn 2 tiếng dẫn tàu container thuộc top lớn nhất thế giới vào cảng là khoảng thời gian ông Dương cùng đồng đội tập trung cao độ, không dám lơ là.

Quên ăn, quên ngủ lên kịch bản vượt luồng phức tạp

Trước OOCL Spain, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) từng đón con tàu container Margrethe Maersk vào năm 2020.

Tàu được mệnh danh là “quái vật biển cả”, có trọng tải tới 214.121 DWT, sức chở hơn 18.000 Teus và chiều dài gần 400m, là tàu lớn nhất cập cảng Cái Mép tính tới thời điểm đó.

Các đơn vị tư vấn, cảng... đã phải nghiên cứu ngày đêm tới quên cả ăn uống, lập tới 16 tổ hợp kịch bản tàu chạy trên luồng để đánh giá mức độ an toàn và tàu phải chạy thử nghiệm trước đó cả vài năm.

Hiện nay, cảng CMIT đã được Bộ GTVT cho phép tiếp nhận tàu container lớn với cỡ trọng tải tới 214.000 DWT. Cảng Gemalink cũng được Bộ GTVT ủng hộ chủ trương điều chỉnh quy hoạch bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT.

Xu hướng các tàu container ra vào cảng ngày càng lớn vừa là cơ hội mới trong phát triển ngành hàng hải nhưng cũng trở thành thách thức với người trong nghề trong việc đảm bảo an toàn.

Hầu hết những người tham gia công tác đón tàu, dẫn tàu lớn vào đều đánh giá, luồng hàng hải Cái Mép phức tạp nhất cả nước.

Thống kê của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, khu vực có mật độ tàu biển lưu thông mỗi năm lên tới hơn 30.000 lượt, chưa kể các phương tiện thủy nội địa. Mật độ tàu thuyền lớn, cộng thêm hạ tầng cảng biển tại khu vực còn nhiều hạn chế nên tính rủi ro và nguy cơ mất an toàn rất cao.

Cho rằng việc an toàn phụ thuộc nhiều yếu tố từ kỹ thuật của tàu, lực lượng thuyền viên, kỹ năng của hoa tiêu, công suất và số lượng tàu lai cùng dòng chảy, thời tiết... hoa tiêu Lê Ngọc Dương bày tỏ áp lực cao về mật độ tàu thuyền.

“Đặc thù của tàu biển là không có phanh như xe cộ của đường bộ. Muốn dừng tàu, phải giảm công suất máy rất lâu nên nếu không cẩn thận có thể dẫn tới tai nạn đâm va nghiêm trọng. Trong khi, nhiều tàu cá, phương tiện thủy nhỏ còn không có bộ đàm để trao đổi cho thuận tiện”, ông Dương cho hay.

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý phải thường xuyên túc trực, tính toán các phương án kiểm soát rủi ro, duy trì các chế độ trực ban, điều tiết để đảm bảo an toàn.

Theo các chuyên gia, tại khu vực luồng hàng hải Cái Mép đã được lắp đặt các thiết bị báo hiệu hàng hải, kèm theo hệ thống VTS hỗ trợ, hoạt động ổn định.

Các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải và lực lượng hoa tiêu, lai dắt cũng thường xuyên có những cuộc họp bàn các phương án phối hợp chặt chẽ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn lực hoa tiêu. Đây là một trong những nền tảng cơ sở để đảm bảo các tàu lớn ra vào cảng luôn đạt được độ an toàn tối đa.

Kỳ vọng dự án nâng cấp tuyến luồng sớm hoàn thành

Ông Phạm Anh Tuấn đánh giá, độ sâu -15m của luồng Cái Mép vẫn là vấn đề lớn nhất khi đón các tàu container cỡ lớn.

Hầu hết hiện nay, các tàu vẫn phải lợi dụng thủy triều để ra vào cảng. Do đó, dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đón được những chuyến tàu lớn nhất thế giới. Sau khi nâng cấp xong, tùy theo từng đoạn, luồng có thể đạt tới độ sâu đến -15,5m.

Dù vậy, lãnh đạo Portcoast cũng lưu ý cần phân luồng giao thông trên luồng hàng hải tại khu vực.

“Tàu nhỏ và sà lan hoạt động khá nhiều nên cần phân luồng để có tuyến luồng chính sâu, hai bên có thể là luồng tuyến cho các cỡ tàu nhỏ hơn. Ngoài ra, nên phân định vùng hoạt động của các sà lan nằm ở ngoài biên luồng”, ông Tuấn nói và khẳng định, các yếu tố về kết cấu luồng và cầu cảng, độ sâu bến nước... cũng cần được lưu ý và đánh giá đặc biệt mỗi khi tiếp nhận các tàu container trọng tải lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.