Để dựng được cảnh quay đánh nhau ác liệt nhất, ekip phải mất 3 tuần dựng bối cảnh. |
"Tháng năm rực rỡ" hiện đang là bộ phim điện ảnh Việt gây chú ý trong số những bộ phim gần đây. Mới đây, trích đoạn phân cảnh “đụng độ máu lửa” của các nữ quái Ngựa Hoang và nhóm đối thủ vừa hé lộ cảnh hậu trường thú vị.
Lấy bối cảnh khu Hòa Bình ở Đà Lạt, trích đoạn không chỉ cho thấy khoảnh khắc nổi loạn của các cô gái Ngựa Hoang, mà còn phần nào tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Khung cảnh diễn ra trên nền nhạc ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang, phân cảnh đã lột tả được một phần tuổi trẻ cuồng nhiệt, nổi loạn của các nhân vật, đồng thời gợi nhớ khán giả. Cảnh quay được thực hiện trong vòng 3 ngày.
Dựng lại cả khu Hòa Bình để… tiết kiệm kinh phí
Vì đây là đại cảnh quan trọng mang nhiều ý nghĩa của phim, nên ê kip lựa chọn khu nhà hát Hòa Bình. Sau khi lên shot list và tính toán góc quay thì với kinh phí chỉ cho phép 3 ngày quay, việc ghi hình ở khu Hoà Bình không hề đơn giản. Bối cảnh là trung tâm của Đà Lạt, lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp và ngân sách dự tính để “bao trọn” khu vực này cho 3 ngày quay là rất cao.
Sau khi dự tính những chi phí cơ bản như: thuê lại toàn bộ các cửa hàng trong khu vực quay, thuê cảnh sát chặn đường để đảm bảo an ninh, chi phí tháo dỡ các biển hiệu hiện đại để thay bằng biển hiệu cũ, chi phí để làm lại các cửa hàng, tòa nhà, đường phố cho giống thời điểm năm 1975... đoàn phim đã lựa chọn phương án dựng lại khu Hòa Bình tại phim trường ở TP.HCM. Điều này vừa để kiểm soát việc quay phim hiệu quả hơn, vừa hi vọng tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, số kinh phí cuối cùng của đại cảnh này theo phương án dựng lại bối cảnh ở TP.HCM cũng không “tiết kiệm” được bao nhiêu.
|
Dựng lại bối cảnh tỉ mỉ đến từng chi tiết
Sau khi đo đạc kích thước khu Hòa Bình, bài toán đặt ra là phải tìm kiếm khu vực đủ rộng 7 hecta, có mặt đường nhựa để có thể dựng lại chính xác địa điểm này. Ê kip đã khảo sát và tìm kiếm từ bến cảng, kho container... Cuối cùng, lựa chọn sân Thành Long là địa điểm tổ chức phục dựng. Vì địa điểm này khá xa trung tâm và ngày quay nào cũng phải tập trung từ 4h sáng nên các diễn viên đã phải ở tại khách sạn của sân Thành Long để tiết kiệm thời gian di chuyển.
Một nhóm thiết kế riêng và một công ty chuyên dựng sân khấu đã được mời về, để tổ chức việc phục dựng và trang trí bối cảnh theo đúng hình ảnh tư liệu những năm 1970. Ekip mất hơn 2 tuần cho việc dựng khung sườn khu Hòa Bình gồm nhà hát Hòa Bình và 3 góc phố. Sau đó, cũng mất thêm 1 tuần để đội ngũ thiết kế trang trí bối cảnh theo đúng hình ảnh tư liệu. Bên cạnh đó, đoàn phim cũng mời một đại tá quân đội tới phim trường để hướng dẫn các diễn về cách cầm súng, xếp đội hình, tư thế ngồi trên xe sao cho đúng chuẩn.
|
Hơn 400 diễn viên quần chúng
Nhằm tái hiện bầu không khí sục sôi của cuộc biểu tình, đoàn phim đã thuê 400 diễn viên quần chúng để vào vai học sinh – sinh viên, đội ngũ lính. Tuy nhiên, việc phải quay phim giữa thời tiết nắng nóng Sài Gòn, nhưng lại... mặc trang phục mùa lạnh như ở trên Đà Lạt khiến rất nhiều diễn viên cảm thấy mệt mỏi và bỏ cuộc.
Số lượng diễn viên quần chúng giảm dần theo các ngày quay, buộc ê kip phải huy động toàn bộ nhân viên trong đoàn tham gia làm diễn viên quần chúng. Chỉ cần là người “rảnh rỗi” trên phim trường, các nhân viên đều trở thành diễn viên bất đắc dĩ trong phân cảnh đặc biệt này.
Trước tình trạng diễn viên quần chúng “hao hụt” dần, êkip phải hoàn thành trước những cảnh quay góc rộng, với số lượng quần chúng đông đảo. Những ngày sau, khi số lượng diễn viên không đủ, đoàn mới tiến hành quay ở những góc hẹp hơn.
Diễn viên nước ngoài chỉ được phép nhẹ cân như... đạo điễn
Có khá nhiều nhân vật thú vị xuất hiện trong phân cảnh biểu tình của phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, nhân vật ông cụ tóc bạc, mặc áo trắng và bán tào phớ là một “hình mẫu” quen thuộc của thời kỳ đó. Anh muốn đưa nét đặc trưng này lên phim. Khán giả có thể nhận thấy hình ảnh này xuất hiện một cách khá duyên dáng và hài hước trong phân cảnh này.
Trên thực tế, Dũng “Khùng” còn muốn cảnh quay biểu tình của phim có sự xuất hiện của một phóng viên nước ngoài, đứng chụp ảnh từ ban công tầng 2 của một tòa nhà trong khu vực. Tuy nhiên, vì tất cả chỉ là bối cảnh dàn dựng nên các “ngôi nhà” chỉ có thể chịu được sức nặng của một người khoảng dưới 60 kg.
Bởi vậy, đoàn phim đã phải vất vả tìm kiếm một diễn viên nước ngoài có ngoại hình nhỏ bé tầm cỡ... đạo diễn để tham gia cảnh quay này. Đáng tiếc, vì một số yếu tố về góc máy mà cảnh quay về anh chàng “phóng viên” này không thể xuất hiện trên phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận