Điện ảnh

Hậu trường kỳ công gây ấn tượng cho Tháng năm rực rỡ

08/03/2018, 17:05

Chỉ sau vài suất chiếu đầu tiên, Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang được khen ngợi...

21

Một cảnh trong phim “Tháng năm rực rỡ”

Nửa năm để chỉnh sửa kịch bản thuần Việt

Tháng năm rực rỡ được chuyển thể từ kịch bản phim Sunny (Hàn Quốc). Trong phiên bản gốc, mốc thời gian quá khứ diễn ra vào những năm 1980 với phong trào đấu tranh dân chủ và chống lại chế độ độc tài sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee.

Ở phiên bản Việt, biên kịch đã khéo léo đặt phim diễn ra trong bối cảnh Đà Lạt năm 1975 và Sài Gòn năm 2000. Mốc thời gian đã được lùi lại so với phiên bản gốc để gắn liền cột mốc lịch sử của Việt Nam. Tháng 4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ trốn khi chiến dịch Hồ Chí Minh thành công. Đây chính là sự kiện quan trọng vì từ đó, các thành viên Ngựa Hoang không thể gặp lại nhau. Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton lần đầu tiên sang thăm Việt Nam để bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đây cũng là lúc các thành viên của Ngựa Hoang có cơ hội gặp lại nhau sau 25 năm xa cách.

Với dàn diễn viên chênh lệch tuổi tác khá nhiều, NSƯT Mỹ Uyên, Mỹ Duyên thuộc thế hệ 7X đời đầu, trong khi Thanh Hằng vào vai “đại ca” lại là thế hệ 8X. Đạo diễn Dũng “khùng” giải thích, anh từng rất cân nhắc về tuổi tác của diễn viên nhưng sau một lần casting phim bên Mỹ, anh thấy người Mỹ có nguyên tắc làm phim là không bao giờ hỏi tuổi. “Họ giải thích là diễn viên sẽ chứng minh bằng khả năng diễn xuất chứ không phải bằng tuổi tác. Quan trọng là nhân vật có hợp vai diễn hay không chứ tuổi tác không quan trọng. Tôi thấy cũng hợp lý nên áp dụng”, Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.

Cũng nhờ kỹ thuật hóa trang và lối diễn xuất của diễn viên đã khiến người xem bỏ qua được sự chênh lệch tuổi tác ấy. Phục trang của bộ phim được thiết kế, may riêng toàn bộ để phù hợp với bối cảnh và tính cách nhân vật. Cũng vì đông diễn viên nữ nên có người phải dậy từ 3h sáng để hóa trang, sau đó ngồi chờ người khác hóa trang và đến 6h phim mới bấm máy. NSƯT Mỹ Duyên trong vai Bảo Châu tiết lộ, đây là vai diễn mà chị được chăm chút về tạo hình. Mỗi lần hóa trang cho vai diễn của chị thường mất khoảng 1 giờ. Trong khi đó, Hoàng Yến chia sẻ, với vai Hiểu Phương, cô đã phải hy sinh mái tóc dài nuôi suốt nhiều năm của mình thành mái tóc ngố tàu, quê mùa.

Hậu trường vui vẻ

Là diễn viên nhỏ nhất trong dàn lớn nhưng lại đảm nhận vai “đại ca”, Thanh Hằng không quá khó khăn để thể hiện một nhân vật mạnh mẽ. Theo lời đạo diễn, Thanh Hằng đã rất nam tính nên có khí chất của người trưởng nhóm. “Khi quay, cảm xúc luôn đong đầy, đầy nước mắt nhưng phải cố gắng đè nén lại”, Thanh Hằng cho biết.

Với Hoàng Oanh, vai Dung “đại ca” hồi trẻ là một thử thách vì cô phải học boxing và “bám đuôi” Thanh Hằng trên trường quay để học hỏi sự “nam tính” từ đàn chị. Hoàng Oanh dí dỏm: “Những cảnh hành động tương đối khó khăn vì trước giờ, tôi chưa bao giờ học võ. Lúc đầu, cũng hơi sợ nhưng về sau, tôi lại thấy đã hơn khi có thể đỡ được những cú đấm và có thể phản công lại”.

Đây cũng là lần đầu tiên Hồng Ánh vào vai chính trong một bộ phim điện ảnh thương mại. Phân cảnh cô thích thú nhất là cảnh Hiểu Phương mặc đồng phục của con gái, buộc tóc thắt bím hai bên và đi đánh nhau. “Tôi vừa bước ra, cả ê-kíp ôm bụng cười rung cả máy, không quay được. Mọi người nói, họ không thể hình dung được Hồng Ánh lại như thế, vì trong đầu mọi người luôn nghĩ tôi là người nghiêm túc”, Hồng Ánh chia sẻ.

Phức tạp khâu bối cảnh

Để tái hiện lại bối cảnh Đà Lạt năm 1975, ê-kíp khá cầu kỳ khi phải phục dựng những con đường, góc phố, ngôi nhà gỗ cổ, sơn lại màu sắc cho giống bối cảnh xưa, vẽ bằng tay toàn bộ những biển hiệu quảng cáo, thuê đạo cụ, sắp xếp lại mọi đồ đạc cho giống bối cảnh xưa. Tuy nhiên, trong một đại cảnh diễn ra tại Đà Lạt, ê-kíp lại dựng bối cảnh ấy ở khu nhà hát Hòa Bình (TP HCM), rồi kết hợp với kỹ thuật trong giai đoạn hậu kỳ để quay.

Lý do được đưa ra là để tiết kiệm kinh phí, vì thuê mặt bằng ở Đà Lạt số tiền sẽ rất lớn. Việc dựng bối cảnh và quay mất một tuần nên ngốn kinh phí không hề nhỏ. “Thực ra, quan trọng là một vài cảnh quay có lính của chế độ cũ. Nếu quay ở nơi công cộng sẽ rất phiền vì có thể ai đó chụp hình và đưa lên, nói không đúng sẽ không hay. Tính đi tính lại kinh phí cũng ngang nhau, nhưng hiệu quả thì dựng lại có lợi hơn”, đạo diễn Dũng “khùng” tiết lộ. Anh ước tính, kinh phí của bộ phim cũng gần 20 tỷ đồng.

Do có những cảnh quay nhạy cảm mang tính chính trị nên trường quay được bảo vệ rất kỹ càng để không có những hình ảnh hậu trường lọt ra ngoài. Thêm vào đó, thời tiết ở TP HCM khá nóng bức nhưng diễn viên lại phải mặc áo chống lạnh của Đà Lạt nên khiến khâu quay phim gặp nhiều khó khăn, phải quay lại nhiều lần. Dũng “khùng” hóm hỉnh: “Xong buổi sáng là diễn viên quần chúng trốn mất tiêu, phải gọi lại rất vất vả”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.