img

Từ cầu dây văng lớn đầu tiên được xây dựng là cầu Mỹ Thuận khánh thành năm 2000 đến cầu Mỹ Thuận 2 khởi công vào năm 2020 là một hành trình 20 năm dài.

Sau hành trình ấy, cũng trên dòng sông Tiền nặng phù sa, những cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã từng bước học hỏi và đi đến làm chủ công nghệ thi công.

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam”  - Ảnh 1.

Có thể nói, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều cầu dây văng lớn nhất cả nước. Đầu tiên là cầu Mỹ Thuận được khánh thành từ năm 2000.

Lúc đó, để xây được cầu Mỹ Thuận nối nhịp sông tiền, Chính phủ Austrailia đã hỗ trợ một phần về nguồn vốn lẫn công nghệ. Tổng vốn đầu tư cầu Mỹ Thuận thời điểm đó khoảng 90,86 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng), thời gian thi công 4 năm (từ 1997 – 2000).

Đến năm 2004 khi khởi công xây dựng cầu Cần Thơ nối nhịp sông Hậu, chúng ta cũng phải cần đến sự hỗ trợ của Nhật Bản cả về nguồn vốn, thiết kế, lẫn công nghệ thi công. Cầu này được khánh thành vào năm 2010.

Tiếp đến là các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống cũng có sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc từ nguồn vốn tài trợ đến kỹ thuật trong quá trình thi công.

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận 350m về phía hạ lưu. Ảnh: Nguyễn Rô Lil

Cầu Mỹ Thuận 2 cách cầu Mỹ Thuận 350m về phía thượng lưu. Ảnh: Nguyễn Rô Lil

Cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60 nối Tiền Giang – Bến Tre là cầu dây văng đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, thực tế thời điểm đó, việc thi công căng cáp dây văng vẫn phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài.

Phải đến khi triển khai cầu Mỹ Thuận 2, với sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, Quốc hội vẫn dành hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư dự án này.

Đặc biệt, đây là cầu dây văng lớn nhất, "made in Việt Nam" đầu tiên, từ thiết kế, giám sát, thi công, kể cả hạng mục khó nhất là căng cáp cũng do các kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Cảnh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận hướng từ Cần Thơ về TP.HCM ngày mùng 6 Tết 2023. Sau khi có cầu Mỹ Thuận 2, cảnh ùn tắc này chắc chắn sẽ không còn. Ảnh: Phan Tư

Cảnh ùn tắc trên cầu Mỹ Thuận hướng từ Cần Thơ về TP.HCM ngày mùng 6 Tết 2023. Sau khi có cầu Mỹ Thuận 2, cảnh ùn tắc này chắc chắn sẽ không còn. Ảnh: Phan Tư

Tại buổi hợp long vào ngày 14/10/2023, đứng trên cầu Mỹ Thuận 2, chỉ tay về hướng cầu Mỹ Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Trước đây, cây cầu Mỹ Thuận chúng ta phải vay vốn nước ngoài, thiết kế cũng nước ngoài, thi công, giám sát cũng nước ngoài và thời gian làm cũng rất dài với hơn 4 năm.

Còn bây giờ chúng ta đã có nguồn vốn nhà nước, làm chủ được công nghệ, tự thiết kế, tự thi công, tự giám sát, thời gian chỉ 3 năm. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã vượt qua, về đích sớm hơn dự kiến, nối hai bờ Tiền Giang - Vĩnh Long. Đây là kết quả rất đáng biểu dương".

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam”  - Ảnh 4.

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam”  - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án 7, cho biết trong suốt quá trình triển khai, dự án cầu Mỹ Thuận 2 luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT.

"Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công nhưng chúng tôi đã nỗ lực, rút ngắn thời gian ở nhiều hạng mục và vẫn kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỹ thuật, chất lượng công trình.

Việc khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 trước kế hoạch 1 tháng là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngày đêm thi công trên công trường", ông Dũng nhấn mạnh.

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam” - Ảnh 6.

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam” - Ảnh 7.

Hai nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2 nối nhịp đôi bờ sau 3 năm xây dựng. Ảnh: Nguyễn Rô Lil

Ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA 7) cho biết, cầu Mỹ Thuận 2 có những yếu tố kỹ thuật rất khó như cọc khoan nhồi đường kính 2,5m sâu hơn 100m. Nhưng những hạng mục này đã được các nhà thầu Việt Nam làm chủ công nghệ và thi công nhiều năm qua.

Riêng việc đúc trụ tháp cao hơn 120m, tổng cộng 33 đốt tháp và dầm nhịp chính dài 350m rộng 28m với 128 bó cáp dây văng thì đây là lần đầu tiên các nhà thầu Việt Nam làm chủ, từ khâu thiết kế, giám sát, thi công và tự tin làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng vượt nhịp lớn.

Với việc đúc trụ tháp cao hơn 120m, tổng cộng 33 đốt tháp và dầm nhịp chính dài 350m rộng 28m với 128 bó cáp dây văng, đây là lần đầu tiên các nhà thầu Việt Nam làm chủ về công nghệ. Ảnh: Chí Hùng

Với việc đúc trụ tháp cao hơn 120m, tổng cộng 33 đốt tháp và dầm nhịp chính dài 350m rộng 28m với 128 bó cáp dây văng, đây là lần đầu tiên các nhà thầu Việt Nam làm chủ về công nghệ. Ảnh: Chí Hùng

Ông Phan Văn Quân, Chỉ huy trưởng nhà thầu Trung Nam E&C tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 là người đã từng tham gia thi công cầu dây văng Trần Thị Lý vượt sông Hàn (Đà Nẵng), khánh thành cách đây 10 năm.

Nhưng lúc đó, dự án này cũng phải cần đến nhà thầu nước ngoài thi công hạng mục dây văng. Kỹ sư Việt Nam vừa làm, vừa học kinh nghiệm.

Ông Quân phân tích: Cầu dây văng được thiết kế với kết cấu dầm cầu mảnh, mềm, được neo giữ bởi các bó cáp dây văng. Tức là từ lúc lắp đặt, di chuyển xe đúc đến khi thi công hoàn thiện một đốt, lúc nào cũng có nhưng sai số về mặt chuyển vị nhất định so với lý thuyết nên buộc phải tính toán và cập nhật liên tục.

Ngoài tính toán ban đầu là quá trình thi công phải có độ võng, để khi hoàn thành dự án sẽ về đúng cao độ. Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều do phụ thuộc rất nhiều về vật liệu, nhiệt độ môi trường của từng thời điểm trong ngày…

Các công đoạn căng cáp dây văng được các kỹ sư Việt Nam kiểm tra, cập nhật những thông số liên tục. Ảnh: Chí Hùng

Các công đoạn căng cáp dây văng được các kỹ sư Việt Nam kiểm tra, cập nhật những thông số liên tục. Ảnh: Chí Hùng

Chu trình là khi đã lắp đặt cân chỉnh xe đúc, căng cáp lần 1, đến khi đổ bê tông với hàng nghìn tấn, dây cáp sẽ giãn ra. Đổ bê tông xong, căng kéo cáp văng lần 2, di chuyển xe đúc rồi căng kéo lần 3.

Trong các chu trình trên, các đốt dầm sẽ chuyển vị liên tục, có lúc lên cao và xuống thấp tới hơn 70cm so với cao độ thiết kế. Nhưng phải tính toán để làm sao sau khi hoàn thiện một chu trình, dầm sẽ về đúng cao độ đã được thiết kế, tính toán.

"Nói đơn giản, nhưng thực tế rất phức tạp. Những thông số để đúng như tính toán còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cường độ bê tông thực tế so với tính toán ban đầu, độ cứng của thép, mật độ cốt thép, nhiệt độ môi trường… tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến biến dạng của đốt dầm.

Đổ bê tông hôm trời mát thì độ giãn nở của bê tông ít, những hôm nắng to sẽ giãn nở nhiều, dầm võng xuống nhiều hơn.

Đúc từng đốt dầm là quá trình khử dần những sai số đi trước, bởi lý thuyết thiết kế không thể nào đúng hoàn toàn với thực tế, đến khi đúc hoàn thành tất cả các đốt dầm mới gọi là xong", ông Quân nói.

img
img
img

3 năm triển khai dự án cũng là quãng thời gian hàng nghìn công nhân, cán bộ kỹ sư, quản lý ăn ngủ luôn trên công trường. Có những giai đoạn dịch hoành hành bên ngoài xã hội, dự án cầu Mỹ Thuận 2 vẫn đóng của thi công để đảm bảo tiến độ. Ảnh: Chí Hùng.

Theo ông Quân, từng chu trình như vậy đều phải cập nhật số liệu để tính toán độ cứng của xe đúc, của dầm từng thời điểm. Mục đích là để dự báo cho chu trình tiếp theo độ võng của dầm như thế nào…

Mỗi đốt đúc đều phải tính toán thật cẩn thận. Tính toán càng chi tiết, chính xác, càng nhanh sẽ rút ngắn thời gian đội thi công ngoài công trường phải chờ đợi.

Từ trước đến nay, việc tính toán cầu dây văng chủ yếu do những công ty nước ngoài phụ trách. Họ có một phòng kỹ thuật ở nước ngoài thực hiện việc tính toán này.

Trong nước cập nhật các số liệu, chuyển ra nước ngoài, sau khi tính toán xong, họ chuyển lại số liệu để thi công. Thời gian chuyển dữ liệu qua lại cũng mất khá lâu, trong khi đó đội thi công ở công trường phải nằm chờ, không làm chủ được tiến độ.

Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, những nhà thầu Việt Nam đã khẳng định làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng. Đây là tiền đề để tiếp tục khẳng định trên những dự án khác như Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi... Ảnh: Nguyễn Rô Lil

Với dự án cầu Mỹ Thuận 2, những nhà thầu Việt Nam đã khẳng định làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng. Đây là tiền đề để tiếp tục khẳng định trên những dự án khác như Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi... Ảnh: Nguyễn Rô Lil

"Tất cả những việc này giờ do một đội ngũ kỹ sư trong nước, ngày đêm ở công trường tính toán. Dầm đúc tới đâu là có người đi đo đạc, nhập dữ liệu vào máy tính và tính toán luôn tại chỗ.

Chiều nhập dữ liệu xong, đội ngũ kỹ sư làm việc xuyên đêm tính toán để sáng mai có các thông số cho đội ngoài công trường thi công, không phải chờ đợi lâu như trước. Làm chủ công nghệ dây văng là ở đó", ông Quân nói và cho biết sau đốt đầu tiên mất nhiều thời gian, những đốt sau chưa đầy 2 tuần là xong một đốt, tiến độ vì vậy được làm chủ qua từng ngày.

Hậu trường làm cầu dây văng 5.000 tỷ đồng “made in Việt Nam”  - Ảnh 11.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.