Từng được ra mắt lần đầu vào ngày 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch “Chén thuốc độc” của cố tác giả Vũ Đình Long là vở diễn khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam.
Sau 100 năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam quyết định dựng lại vở. Lần đầu tiên, những ngôi sao của sân khấu kịch miền Bắc cùng tham gia như: NSND Lê Khanh, NSND Việt Thắng, NSƯT Mai Nguyên, Thanh Dương…
Các nghệ sĩ tập luyện cho vở “Chén thuốc độc”
Hiện đại hóa vở kịch trăm năm
Những ngày này, sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam nhộn nhịp sau thời gian dài im ắng do giãn cách xã hội. Các nghệ sĩ gấp rút luyện tập để kịp thời cho “Chén thuốc độc” được công diễn vào ngày 21/10/2021 - ngày kỷ niệm tròn 100 năm của sân khấu kịch nói Việt Nam.
“Chén thuốc độc” là câu chuyện kể về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Sống trong một xã hội nửa tây nửa ta, mỗi người đều theo đuổi thú vui riêng của mình.
Bản thân thầy Thông Thu mê hát ả đào, suốt ngày vui chơi ở những nhà hát cô đầu. Mẹ và vợ của thầy Thông Thu tối ngày đắm đuối lên đồng, buôn thần bán thánh.
Cô em gái thì không chồng mà chửa. Một ngày, gia đình vỡ nợ. Thầy Thông Thu chợt tỉnh ngộ nhưng đã muộn. Trong cơn cùng quẫn, thầy quyết định uống thuốc độc để giải thoát.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai thừa nhận, điều khó nhất khi dựng vở diễn là làm sao giữ được hồn cốt của tác phẩm gốc, nhưng vẫn phải mang hơi thở thời đại.
Tác phẩm gốc viết theo kết cấu kịch của Pháp. Không ai biết 100 năm trước dựng thế nào vì không có ảnh, không có phim tư liệu, chỉ có những con chữ và kịch bản.
Do đó, anh quyết định dựng theo tư duy, cách sống và cách nghĩ của ngày nay. Kịch bản gốc có cách xây dựng câu chuyện kịch thiên về diễn kể, mang hình thái gần giống hát dân tộc như tuồng hay cải lương, thiếu tính xung đột, hành động trong kịch.
Trong bản dựng mới, ê-kíp thay đổi nhiều chi tiết để phù hợp với thời đại. Vở mới được biên tập, đẩy nhanh tiết tấu và những xung đột một cách rõ ràng hơn, gói gọn trong thời lượng 2 tiếng.
Đáng nói, kịch bản gốc lên án, đả kích những vấn nạn thời đó như hát ả đào, hầu đồng… Nhưng ngày nay, ả đào và hầu đồng đều đã được coi là văn hóa phi vật thể.
Nói về điều này, đạo diễn Như Lai tiết lộ, tác phẩm sẽ được điều chỉnh lại, tách bạch phần thông điệp của tác phẩm và phần âm nhạc bằng những thủ pháp dàn dựng sân khấu, để những nét văn hóa vẫn được gìn giữ một cách đẹp đẽ.
“Yếu tố quan trọng là tác phẩm vẫn có sức nặng và tính thời sự tới bây giờ. Ngày nay vẫn còn những lang băm chữa bệnh vớ vẩn để kiếm tiền, vẫn có người mê tín dị đoan… Tinh thần lên án những người nhận thức yếu kém, sử dụng sai văn hóa vẫn sẽ giữ đúng theo mong muốn của tác giả”, anh nói.
Đặc biệt, các màn hát ả đào, hầu đồng đều được xử lý, tái hiện trên sân khấu. Phần âm nhạc dân tộc do NSƯT Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội) đảm nhận.
Chị hát ả đào và hát văn sống trực tiếp trên sân khấu thay vì dùng những bản thu âm. Riêng thiết kế sân khấu vẫn mang phong cách chung là ước lệ tượng trưng, được tiết lộ là những chiếc cây mang hình hài của một bộ não, để làm nổi bật ý nghĩa về vấn đề nhận thức của con người.
Tập luyện với “tốc độ 5.0”
Vở kịch "Chén thuốc độc" quy tụ nghệ sĩ của nhiều nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo Hà Nội...
Được biết, dự án này đã được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lên kế hoạch dàn dựng từ tháng 4, nhưng sau đó phải dời liên tục vì tình hình dịch bệnh.
Trong suốt thời gian đó, các nghệ sĩ chỉ có thể bàn bạc, trao đổi về kịch bản, biên tập, thiết kế market, làm việc online với các nhà hát, đề xuất phương án nhân sự.
Thông thường, một vở diễn được dàn dựng trong khoảng 2 tháng. Nhưng “Chén thuốc độc” được thực hiện gấp rút để kịp thời ra mắt cho buổi lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Vì thế, tốc độ luyện tập từ khi khởi công tới ngày công diễn chỉ khoảng 15 ngày. Tới mức, NSƯT Mai Nguyên dí dỏm: “Các nghệ sĩ đã luyện tập với tốc độ 5.0”.
Vừa đóng máy bộ phim “Hương vị tình thân”, nghệ sĩ Mai Nguyên lập tức lao vào luyện tập cho vở diễn. Anh đảm nhận vai chính - thầy Thông Thu.
Là nghệ sĩ lâu năm của sân khấu kịch nhưng anh thừa nhận, bản thân áp lực vì biết sẽ có nhiều người trong giới nhìn vào mình lần này. Sau giãn cách, anh vừa phải lo việc cá nhân, việc của nhà hát, cộng thêm vai diễn này càng khiến anh vất vả, phải chạy với năng suất 200% so với bình thường. Anh dành toàn bộ các buổi chiều và buổi tối để tập luyện, tới mức khản cả cổ vì vai phải hét nhiều.
Theo nam nghệ sĩ, việc khó nhất là tái hiện khoảng thời gian của thế kỷ trước. Phải làm sao cho ra được con người, cốt cách của con người thời đó nhưng lại phải mang thông điệp của ngày hôm nay.
“Mọi thứ tôi chỉ cảm từ vốn sống, văn học, kiến thức của mình về giai đoạn đó. Tôi phải tìm hiểu từ cách ăn nói, đi đứng để làm nên một nhân vật của thế kỷ trước”, anh tâm sự.
Đặc biệt, anh thích thú khi lần đầu được diễn chung sân khấu với NSND Lê Khanh. Chị vào vai mẹ của thầy Thông Thu.
“Chúng tôi phải lựa rất nhiều, phải quy định với nhau các phân đoạn kiểu “Chị “bay” thế, chốt chỗ này giúp em để em bắt vào”, nghệ sĩ Mai Nguyên kể.
NSND Lê Khanh thời gian này cũng bận rộn với việc riêng của gia đình hậu giãn cách, nhưng cũng nỗ lực sắp xếp thời gian tập luyện.
Nữ nghệ sĩ tâm sự, tác phẩm lần này có nhiều ý nghĩa. Không chỉ là vở kịch nói đầu tiên của sân khấu Việt Nam, còn là kết quả sự kết hợp giữa Hội Nghệ sĩ Sân khấu và các nhà hát sau thời gian sân khấu đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với chị, “đây là cơ hội các nghệ sĩ được giao lưu, hợp tác học hỏi lẫn nhau”.
Trước tình hình dịch bệnh, việc công diễn vở “Chén thuốc độc” cũng đảm bảo các yếu tố theo tinh thần 5K. Ban tổ chức đang lên các phương án như rạp sẽ đón khoảng 50% lượng khách tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hoặc các phương án như thẻ xanh vaccine, khẩu trang, khử khuẩn… Dù không tiết lộ về kinh phí dàn dựng nhưng trong lễ khởi công, NSƯT Xuân Bắc và NSND Tự Long đã ủng hộ 20 triệu đồng vào kinh phí dựng vở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận