Vận tải

Hậu trường mở luồng xanh vận tải

02/02/2022, 19:00

Ý tưởng mở luồng xanh vận tải đưa ra đúng thời điểm vận tải hàng hóa ở các tỉnh phía Nam trong tình trạng căng thẳng nhất…

Nhờ có luồng xanh vận tải, các tài xế chỉ mất vài phút để qua chốt kiểm soát dịch, thay vì phải xuống xe, chờ đợi để làm thủ tục, khai báo y tế.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra công tác tổ chức giao thông tại chốt kiểm soát dịch cầu Tân Đệ (Thái Bình) ngày 28/9/2021

Cả tháng ăn mỳ gói, “chôn chân” ở chốt kiểm dịch

Đã nhiều tháng trôi qua, anh Lê Hoàng Nhân, lái xe container thuộc Công ty CP Vận tải giao nhận thương mại Quang Châu vẫn chưa quên những hành trình căng thẳng, những ngày phải “ăn chực nằm chờ” tại các chốt kiểm soát dịch.

Lúc đó khoảng trung tuần tháng 7/2021, xe của anh chở thanh long từ Đà Nẵng ra phải “chôn chân” hơn 2 tiếng tại chốt kiểm soát dịch phía Nam TP Hà Nội.

“Tôi và nhiều anh em lái xe khác phải xét nghiệm, khai báo y tế, có giấy xác nhận chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2. Có những hành trình phải nằm chờ nhiều giờ đồng hồ ở chốt kiểm dịch, đói, khát cũng không dám tấp vào nghỉ ngơi, ăn uống. Gần 1 tháng, mỗi chuyến đi chỉ quanh quẩn với mì gói, mấy quả trứng, bánh mì, ít chả để tự nấu ăn cho qua bữa chờ thông xe”, anh Nhân kể.

Anh Nguyễn Thành Trung, lái xe người Ninh Thuận chở rau, củ từ Đà Lạt đi TP.HCM kể, những ngày đó, anh và các đồng nghiệp phải test Covid-19 liên tục tại các chốt kiểm dịch. Mỗi địa phương quy định thời gian hiệu lực khác nhau khiến lái xe phải xét nghiệm đến ba lần một chuyến hàng.

“Với tần suất test nhiều quá, cộng thêm điều kiện sinh hoạt của lái xe đường dài quá khổ, nhiều người không cố nổi, phải bỏ việc”, anh Trung chia sẻ.

Không chỉ cánh tài xế gặp áp lực, các quy định phòng, chống dịch khác nhau của địa phương cũng khiến cho các doanh nghiệp vận tải gánh thêm chi phí và ảnh hưởng tiêu cực đến việc lưu thông hàng hóa.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải bộ Tân Cảng (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) Phạm Văn Tải chia sẻ, việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực ở mỗi tỉnh khác nhau, có địa phương cho 7 ngày nhưng có nơi chỉ cho 3 ngày.

“Quy định về xét nghiệm như vậy làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Phí xét nghiệm khoảng 300.000 - 400.000 đồng/người/lần. Ngoài ra, phải trả thêm 1 ngày công cho tài xế trong thời gian chờ đợi lấy mẫu. Cộng thêm các khoản khác, chi phí cố định cho 1 xe phải mất thêm từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng cho 1 lượt lái xe đi xét nghiệm. Với một đội xe khoảng 100 đầu xe, chi phí xét nghiệm lái xe ngốn khoảng 300.000.000 đồng/tháng”, ông Tải dẫn chứng.

Việc làm chưa từng có tiền lệ

img

Nhờ luồng xanh vận tải với mã QR Code, vận tải hàng hóa đã thông suốt trong mùa dịch. Ảnh: Tạ Hải

Thấu hiểu những vất vả của lái xe, DN khi phương tiện “chôn chân” hàng giờ đồng hồ để qua chốt kiểm dịch, Bộ GTVT đã nỗ lực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp để gỡ khó cho vận tải hàng hóa. Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng ý tưởng thiết lập luồng xanh vận tải quốc gia, ưu tiên vận chuyển, cung ứng hàng hóa, chuyên gia, công nhân ra đời sau đó.

Là thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ, ý tưởng mở luồng xanh vận tải đưa ra đúng thời điểm vận tải hàng hóa ở các tỉnh phía Nam trong tình trạng căng thẳng nhất.

Cánh tài xế vận chuyển hàng hóa chúng tôi mừng rơi nước mắt khi có luồng xanh vận tải. Thay vì phải mất cả ngày chờ đợi khi xảy ra ùn tắc, qua chốt kiểm soát y tế, tài xế phải xuống xe, vào chốt làm thủ tục, khai báo y tế mất rất nhiều thời gian, khi có mã nhận diện trên luồng xanh xe chỉ mất khoảng 3 phút dùng điện thoại quét mã QR Code là được qua chốt, mà không cần phải xuống xe.
Tài xế Lê Hoàng Nhân


“Khi các chốt kiểm soát dịch được lập, chúng tôi nghĩ ngay đến kiểm soát phương tiện và người điều khiển, nhưng làm sao không để ách tắc. Muốn lưu thông tốt, phải có nhận diện tốt và giải pháp mã QR Code đã ra đời.

Bộ GTVT đã sáng tạo ra giấy nhận diện có mã QR Code hoạt động trên luồng xanh vận tải để nhận diện phương tiện và người điều khiển. Luồng xanh vận tải kết nối giữa các địa phương, giải tỏa được ùn tắc, đảm bảo lưu thông hàng hóa toàn quốc theo một mạng lưới thông suốt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch đối với người và hàng hóa”, Thứ trưởng Thọ kể.

Cụ thể hóa ý tưởng của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN nhanh chóng xây dựng, đưa vào vận hành phần mềm quản lý, cấp giấy nhận diện ưu tiên có mã QR Code cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên vùng, liên tỉnh.

Những ngày đầu, việc áp dụng luồng xanh vận tải phát sinh không ít khó khăn do chính sách phòng, chống dịch của các địa phương khác nhau hoặc do nghẽn mạng. Việc xét duyệt, cấp mã QR Code chậm do lượng đăng ký quá lớn, thậm chí có cả hiện tượng tiêu cực, trục lợi.

“Bộ GTVT kịp thời hướng dẫn, yêu cầu thống nhất quy định, thủ tục cấp luồng xanh trên cả nước. Đơn cử, khi Hà Nội có hiện tượng quá tải xét duyệt cấp giấy nhận diện luồng xanh, Bộ GTVT chỉ đạo 21 Sở GTVT các tỉnh, thành phía Bắc chia lửa”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng, những ngày đầu cấp giấy nhận diện còn nhiều thủ tục rườm rà, doanh nghiệp lái xe vẫn phải sử dụng bản giấy để gửi đăng ký với các sở GTVT, dẫn đến quá tải. Giải quyết tình trạng này là yêu cầu cấp bách, Bộ GTVT chỉ đạo cải tiến phần mềm theo hướng tự động hoàn toàn. DN vận tải, chủ phương tiện tự kê khai hồ sơ, kê khai thông tin trên phần mềm.

“Khi đã khai xong, hệ thống sẽ cấp QR Code tự động. Việc này giúp DN không phải gửi hồ sơ và chờ đợi để được cấp giấy nhận diện, giảm thời gian cấp từ 1 ngày xuống còn 5 phút, đặc biệt là phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói và cho rằng, những đợt bùng phát dịch năm 2021 thực sự đặt chúng ta vào tình huống “chống dịch như chống giặc”, phải nỗ lực thích ứng.

“Nhìn lại việc đảm bảo lưu thông hàng hóa trong đại dịch, tôi cho rằng, để thành công, tư tưởng phải thông, nhận thức phải đúng, trách nhiệm phải cao và phục vụ hết mình với mục tiêu cuối cùng là hiệu quả”, Thứ trưởng Thọ chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM Bùi Văn Quản chia sẻ, luồng xanh vận tải thực sự là cứu cánh cho vận tải hàng hóa thông suốt, không bị ùn tắc trong mùa dịch. “Nhờ luồng xanh, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và chuỗi sản xuất trong nước không bị đứt gãy”, ông Quản nói.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, việc mở luồng xanh vận tải hàng hóa là chưa từng có tiền lệ. Dịch Covid-19 khiến cả nền sản xuất, hệ thống vận tải cực kỳ bối rối.

“Mở luồng xanh lưu thông hàng hóa là mở một huyết mạch giúp duy trì sức sống cho nền kinh tế. Quyết sách độc đáo đó được doanh nghiệp và người dân đánh giá rất cao”, GS. Sùa chia sẻ.

Phần mềm cấp mã QR Code được thực hiện theo mô hình cổng thông tin điện tử một cửa, nhận và trả kết quả trực tuyến. Đã có hàng trăm nghìn phương tiện được cấp giấy nhận diện có mã QR Code lưu thông trên luồng xanh vận tải. Sau khi được cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR dưới dạng điện tử, chủ xe tự in và dán lên kính lái.

Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát sử dụng điện thoại quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra thông tin phòng, chống dịch của tài xế và ưu tiên cho xe thông qua nhanh nhất. Quy trình này chỉ mất vài phút, vừa đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.