Hai dự án đã được thông xe kỹ thuật vào dịp 2/9 vừa qua và sẽ được Bộ GTVT, 2 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An tổ chức khánh thành tại cửa phía Bắc hầm Trường Vinh vào sáng 18/10. Trong ảnh: Một đoạn cao tốc thuộc dự án Nghi Sơn - Diễn Châu.
Dự án QL45 - Nghi Sơn chiều dài hơn 43km, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 50km, tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng. Ban đầu, cả hai dự án được quyết định đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư). Tuy nhiên sau đó do khó khăn việc tìm nhà đầu tư nên Quốc hội ban hành nghị quyết chuyển sang đầu tư công. Trong ảnh: Hầm Trường Vinh- một trong những hạng mục quan trọng của dự án Nghi Sơn - Diễn Châu.
Dự án triển khai đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách nên việc huy động công nhân, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: Những ngày đầu thi công, các nhà thầu triển khai bóc phong hóa, lấp ao hồ, bạt núi và khoét hầm.
Chưa hết, thời tiết ở khu vực miền Trung rất khắc nghiệt, mưa bão thường xuyên. Chỉ tính riêng năm 2022, công trường dự án QL45 - Nghi Sơn đón nhận 181 ngày mưa. Trên công trường Nghi Sơn - Diễn Châu, hai tháng chạy nước rút cuối cùng, thời gian mưa kéo dài quá nửa.
Ngoài ra, do vướng mắc về cơ chế, nên thủ tục cấp phép mỏ vật liệu bị chậm. Dự án QL45 - Nghi Sơn cần đến 4,9 triệu khối đất đắp, 0,54 triệu khối đá và 1,1 triệu khối cát; dự án Nghi Sơn – Diễn Châu cần đến 8,5 triệu m3 đất, 1,1 triệu m3 cát và 0,8 triệu m3 đá. Chưa kể, giá nhiên liệu, vật liệu liên tục tăng phi mã. Trong ảnh: Thời điểm tháng 4/2022, các nhà thầu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu đang tổ chức thi công nền, nhu cầu đất đắp các loại rất lớn.
Để phục vụ dự án QL45 – Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã phải giải phóng mặt bằng 453ha, với 3.396 hộ có đất bị thu hồi, ảnh hưởng. Còn với dự án Nghi Sơn – Diễn Châu, hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã phải tiến hành giải phóng mặt bằng 5.404 hộ dân, hàng chục nghìn ngôi mộ và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật…
Giữa muôn vàn khó khăn, dự án được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ ban ngành; cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường thi công vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023. Tại công trường, Thủ tướng đã động viên, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu phải đưa dự án Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe trước 2/9/2023.
Những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ban, ngành; các địa phương và các nhà thầu. Đặc biệt, Chính phủ đã khẩn trương, liên tiếp ban hành 2 nghị quyết là Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu cho địa phương và doanh nghiệp. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính họp kiểm điểm và chỉ đạo việc triển khai thi công các dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An vào tối ngày 4/2/2022 (tức ngày mồng 4 Tết năm 2022)
Cùng với đó là sự chỉ đạo khoa học, quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các thứ trưởng Bộ GTVT và lãnh đạo các cục, vụ của bộ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và các lãnh đạo Bộ GTVT liên tục đi kiểm tra việc triển khai thi công 2 dự án cao tốc, bất kể ngày đêm, kể cả dịp lễ Tết. Sau mỗi chuyến kiểm tra, nhiều khó khăn vướng mắc đều đã được tháo gỡ, tiến độ dự án vì thế được đảm bảo.
Việc đưa các dự án về đích đúng hẹn cũng có đóng góp lớn, nỗ lực, quyết tâm vượt khó của Ban QLDA 2, Ban QLDA 6 và của các đơn vị thi công, tư vấn giám sát ngay từ những ngày đầu. Trong ảnh: Đại diện Ban QLDA 6 cùng đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thảo luận và xử lý các vướng mắc ngày trên công trường, tháng 11/2022.
Trong thời gian hơn 2 năm thi công, chỉ riêng với dự án Nghi Sơn – Diễn Châu, các nhà thầu đã huy động lượng nhân công, thiết bị lớn nhất trong lịch sử: Khoảng 2.000 người cùng khoảng 800 đầu thiết bị làm liên tục. Với những công trình đường găng tiến độ như hầm Trường Vinh, các kỹ sư, công nhân thi công liên tục 3 ca, 4 kíp xuyên lễ, Tết.
Nhờ sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các khó khăn, vướng mắc sớm được tháo gỡ. Những điểm nghẽn về mặt bằng như cầu Diễn Đồng, cầu vượt Diễn Đoài (Nghệ An) cuối cùng cũng được giải quyết. Trong ảnh: Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn qua thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, chụp tháng 7/2023.
Ngày 2/9/2023, cả 2 dự án cao tốc đoạn QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu được thông xe, nối dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông. Tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác trong 9 tháng năm 2023 đạt hơn 500km (dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm).
Trong khi tuyến chính được thông xe, các nhà thầu vẫn ngày đêm khẩn trương hoàn thiện hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ. Cùng đó, lực lượng CSGT của Cục CSGT cũng đã có mặt trên tuyến để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe vào tháng 9 rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An từ 4 - 5 tiếng còn khoảng 3 tiếng, lộ trình Nghệ An - Thanh Hoá từ 3 tiếng chỉ còn khoảng 1,5 tiếng. Không chỉ góp phần giảm chi phí vận tải, logistics, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, hai tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ giúp các địa phương nơi cao tốc đi qua mở ra nhiều cơ hội để đón nhận đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch, từng bước tạo được sự bứt phá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận