Phim mang tới cái nhìn giản dị, chân thực và những giá trị nhân văn về tình cảm gia đình. Để làm nên được những điều ấy là biết bao cái đầu cùng suy nghĩ và tìm giải pháp.
Làm phim dung dị khó hơn phức tạp
Sau những bộ phim về đề tài gia đình thành công thời gian qua như: Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ…, Về nhà đi con cũng bắt đầu gây chú ý. Lên sóng đầu tháng 4, bộ phim nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội. Trên fanpage có hơn 225 nghìn lượt thích, nhiều trích đoạn video được đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem. Cá biệt, có đoạn video tổng hợp những đoạn trích thú vị của phim lên tới gần 10 triệu lượt xem với hơn 90 nghìn lượt thích cùng hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Nhờ sự tò mò của khán giả, mỗi đoạn preview cũng có sức hút không mấy kém cạnh với hàng triệu lượt xem. Khán giả hào hứng theo dõi và dự đoán tình tiết của những tập sau.
Về nhà đi con xoay quanh gia đình ông Sơn - người đàn ông góa vợ nuôi 3 cô con gái khôn lớn. 3 người con, mỗi người một tính cách và nhiều câu chuyện đã xảy đến với cuộc đời của họ. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ, vì phim lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng một thời Khi người đàn ông góa vợ bật khóc nên ê-kíp làm phim cũng có những sức ép về tâm lý, phải làm sao để phim mang hơi thở cuộc sống ngày nay, có yếu tố chân thực nhẹ nhàng, giản dị, để khán giả xem có thể thấy bóng dáng mình đâu đó trong phim. Nam đạo diễn thừa nhận, làm phim dung dị còn khó hơn phim phức tạp nên những thành phần sáng tạo của đoàn phim phải họp bàn rất kỹ trong từng cảnh quay, phân đoạn, phản biện từng yếu tố để chắc chắn tình huống đó là hợp lý nhất. Anh khẳng định: “Chúng tôi phải đặt mình vào khán giả, xem họ muốn gì, thích gì chứ không áp đặt”.
Ngay trong lời thoại của diễn viên cũng không sát theo kịch bản mà được ê-kíp thống nhất sẽ để mọi thứ một cách tự nhiên nhất, không áp đặt. Kịch bản chỉ là sườn để bám theo, còn đi vào chi tiết sẽ phải xử lý linh hoạt. Nhưng sự linh hoạt ấy cũng phải thông qua những trao đổi kỹ càng để từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên… có thể đưa ra được những câu thoại đắt giá, sáng tạo và dung dị nhất mà vẫn phù hợp với tính cách của từng nhân vật, phông văn hóa của họ. Theo đạo diễn Danh Dũng, quan trọng nhất là phải đặt trạng thái nhân vật ra sao cho từng hoàn cảnh, bối cảnh để buông những câu thoại đắt giá cho khán giả ấn tượng.
Cũng bởi đây là bộ phim gia đình, mảng đời sống mà mỗi người ai cũng có, theo biên tập Nguyễn Thu Thủy, khi xây dựng câu chuyện, ê-kíp mong muốn đây sẽ là câu chuyện gần gũi với trải nghiệm của mỗi người. Đội ngũ biên kịch cố gắng xây dựng sự riêng biệt trong tính cách, sự lựa chọn số phận của mỗi nhân vật để phần nào đó có thể tái hiện tính cách và số phận của những con người ngày nay.
Áp lực thời gian hoàn thành tiến độ
Hiện tại, Về nhà đi con đã phát sóng tới tập 26 nhưng đội ngũ làm phim vẫn đang miệt mài thực hiện các cảnh quay cho những tập tiếp theo. Phim được làm hình thức cuốn chiếu, thời gian phát sóng chỉ 25 phút/tập khiến ê-kíp cũng chạy nước rút. Đó cũng là lý do trong những ngày Hà Nội rơi vào đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ 38 - 40 độ vừa qua, đoàn phim vẫn phải làm việc hàng giờ dưới thời tiết nắng gắt cộng thêm lên đến 10 độ ngoài trời để đảm bảo tiến độ. Làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt làm ai nấy đều mệt mỏi, kiệt sức. Dù vậy, họ vẫn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình, như lời của diễn viên Thu Quỳnh: “Có những phân cảnh phải quay giữa trời nóng vật vã, diễn viên gần như bị cảm vì không gian oi nồng, khó chịu. Nhưng các diễn viên bảo nhau, phải cố gắng để có những thước phim hay nhất”.
Theo biên tập Thu Thủy, việc vừa viết, vừa quay, vừa phát sóng cho đội ngũ biên kịch có cơ hội đặt mình trong những áp lực căng thẳng nhất là vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng kịch bản. Điều này cũng giúp chị cùng các đồng đội có cơ hội cập nhật nhanh hơi thở đời sống, lắng nghe ý kiến khán giả để bộ phim có thể tiếp cận gần nhất với nguyện vọng người xem. Chia sẻ về việc phim phát sóng có thời lượng chỉ khoảng 25 phút, chị Thu Thủy thú nhận: “Một tập phim 25 phút sẽ trôi rất nhanh, nếu nội dung không hấp dẫn thì sẽ dễ trôi tuột. Do đó, khi làm kịch bản, chúng tôi chủ động trong việc kể chuyện và xây dựng tiết tấu phim, để dù thời lượng ngắn nhưng khán giả sẽ luôn có chuyện để xem, và câu chuyện của nhân vật thì không ngừng phát triển”.
Ở một khía cạnh khác, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng thừa nhận, làm phim phương pháp “cuốn chiếu” không chỉ áp lực về thời gian mà cả tinh thần. Nếu bộ phim cuốn hút khán giả thì dù áp lực nhưng song song đó là hạnh phúc, niềm động viên cho đoàn phim. Nhưng trường hợp phim không tạo được dư luận tốt lại là vấn đề. “Lúc ấy mình phải làm gì? Chúng tôi luôn phải xác định tư tưởng tốt, đưa ra mọi tình huống để sẵn sàng “chiến đấu”. May là mặt bằng diễn viên của bộ phim cũng ổn”, nam đạo diễn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận