Câu chuyện về cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, những giọt nước mắt phía sau ánh đèn sân khấu của những nghệ sĩ cải lương tuồng cổ được tái hiện xúc động trong bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa”.
Hai mặt cuộc sống
Trút bỏ những tấm áo vua chúa, gỡ bỏ lớp phấn son trên mặt, những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ lại lao vào cuộc sống chật vật, thiếu thốn trăm bề sau bức màn sân khấu.
“Đoạn trường vinh hoa” là một trong những bộ phim tài liệu hiếm hoi được chiếu rạp. Được biết hiện tại, phim đã bán được hơn 1.000 vé, doanh thu đã “hòa vốn” và bắt đầu có lợi nhuận. Toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ gửi tới hỗ trợ gánh hát Phương Ánh, cũng như thực hiện những dự án bảo tồn bộ môn cải lương tuồng cổ.
Đó là những gì mà bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” đã ghi lại và mang tới một góc nhìn đầy khác biệt về đoàn hát Phương Ánh - đoàn cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây.
Bộ phim được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, theo chân một gánh cải lương tuồng cổ rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Cũng từ đây, cuộc sống “hai mặt” của các nghệ sĩ gắn bó với bộ môn nghệ thuật này được phô bày.
Gánh hát của “bà bầu” Phương Ánh đã tồn tại nhiều đời, qua các thế hệ cha truyền con nối. Đoàn hát có khoảng 18 người ở khắp mọi nơi và thường đi biểu diễn vào những dịp lễ cúng ở các đình miếu khắp các tỉnh ĐBSCL.
Ở tuổi 64 - lứa tuổi đáng lý sẽ được nghỉ ngơi, bế bồng cháu chắt nhưng nghệ sĩ Phương Ánh vẫn đau đáu với nghề.
Gia đình của bà, con gái, con trai và các cháu cũng chung một “máu” đam mê với bộ môn nghệ thuật ấy dù nó chẳng mang lại cho họ sự giàu sang, khá giả. “Các cụ ngày xưa kể lại, ông Tổ thiêng lắm. Cũng vì mê hát mà đi theo và chết ở trong gánh hát đó”, nghệ sĩ Phương Ánh kể.
Qua những thước phim, “Đoạn trường vinh hoa” mở ra cái nhìn về một cuộc sống đối lập của các nghệ sĩ gánh hát Phương Ánh sau tấm màn nhung.
Các thành viên trong đoàn đều là những người dân lao động. Người bán kẹo kéo, người làm ruộng, người chạy xe ôm, người đi hát sô đám ma, đám cưới.
Họ sống chung với nhau mỗi khi đi lưu diễn, trong một khu vực được quây tạm bợ hoặc dưới gầm sân khấu. Chật chội, bề bộn, bí bách, sống chung với muỗi, côn trùng, tắm nước sông, ăn uống đạm bạc…
Khoảnh khắc thăng hoa nhất của họ chính là khi bước lên sân khấu, khoác lên mình những bộ trang phục vua chúa lộng lẫy và hóa thân vào các vai diễn hết mình trong tiếng vỗ tay và chăm chú theo dõi của khán giả.
Hết suất diễn, tấm màn nhung hạ xuống, họ lại lao vào sự bộn bề mưu sinh quen thuộc. Thế nhưng, tiếng cười chưa bao giờ tắt trên môi các nghệ nhân miền Tây chất phác ấy.
Dù vậy, sóng gió cuộc sống chẳng buông tha bất cứ ai khi biến cố ập tới với những trụ cột của đoàn hát. Người ta vừa thấy một đào chính Phương Anh (con gái nghệ sĩ Phương Ánh) oai phong, lộng lẫy trên sân khấu nhưng sau đó xót xa với hình ảnh cô nằm co ro trong bệnh viện.
Ánh đèn sân khấu vụt tắt cũng là lúc thực tại câm lặng diễn ra, khiến các nghệ sĩ ấy có lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc. Một đời theo đuổi sân khấu, vẫn chẳng có hào quang và tương lai tươi sáng nào cho chính họ.
18 tháng quay và chuyện chưa kể
54 phút của bộ phim được chọn ra từ video có thời lượng 100 tiếng và để làm nên “Đoạn trường vinh hoa”, ê-kíp làm phim đã mất 18 tháng “ăn dầm nằm dề” cùng gánh hát.
Theo đạo diễn Lê Mỹ Cường, anh cùng các thành viên phải mất 4 tháng đầu quay phim mà không lấy được cảnh nào vì chưa thực sự hòa chung được với cuộc sống của các nghệ sĩ trong đoàn. Họ coi đoàn làm phim như những người xa lạ chỉ đến để làm việc nên không hoàn toàn biểu lộ cảm xúc thật trước máy quay.
“Cô Ba (nghệ sĩ Phương Ánh) lúc đầu còn gọi chúng tôi “Cô chuẩn bị lên sân khấu này, quay đi”. Nhưng đó không phải điều ê-kíp muốn. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian để thực sự bước vào được cuộc sống của họ, thu hẹp khoảng cách và để họ quen với máy quay trong cuộc sống hàng ngày”, đạo diễn Lê Mỹ Cường tâm sự và cho biết, có nhiều khoảnh khắc riêng tư khiến ê-kíp đã rất đắn đo như cảnh quay trong bệnh viện với những gương mặt phờ phạc, tiều tụy và nếu ghi lại thì có đang quá lạnh lùng hay không. Cuối cùng, những hình ảnh ấy vẫn được quay lại để làm nên những thước phim ý nghĩa nhất.
“Nếu chúng tôi không gặp họ, mọi chuyện vẫn cứ diễn ra và có lẽ, chẳng có ai biết đến từng có một cô đào Phương Anh huy hoàng trên sân khấu như thế”, nam đạo diễn nói.
Quay phim Thanh Nguyễn thổ lộ, không ít lần anh bị stress khi cầm máy để ghi lại các khoảnh khắc là góc khuất trong cuộc đời những nghệ sĩ ấy. Có lần, buổi sáng thức dậy, anh bắt gặp nghệ sĩ Phương Ánh đang mặc áo của con gái và khóc. Theo phản xạ, anh lập tức lôi điện thoại ra để ghi hình nhưng sau đó chợt lóe lên ý nghĩ dừng lại.
“Tôi đấu tranh với bản thân rất nhiều và sau đó nhận ra, nhân vật đã cho mình bước vào cuộc sống của họ thì mình phải làm sao để vinh danh những sự đau khổ, mất mát đó một cách đẹp đẽ nhất”.
Anh kể, trong mỗi chuyến đi diễn, các nghệ sĩ trong gánh hát đều như “đi phượt”. Họ rong ruổi khắp các tỉnh thành như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… và những chuyến đi ấy luôn kèm theo lỉnh kỉnh màn mùng, quạt máy, chăn gối, xoong chảo. Mỗi lần diễn, số tiền họ nhận về mỗi người chỉ được khoảng vài trăm nghìn đồng, đủ tiền mua xăng đi đi về về.
Dù khó khăn như thế nhưng dường như phần kinh tế đó không tác động nhiều tới niềm đam mê của các nghệ sĩ dành cho bộ môn cải lương tuồng cổ. Họ vẫn mải miết mưu sinh, mải mê ca hát và không quên truyền nghề cho thế hệ tiếp theo. Hình ảnh những đứa trẻ phía sau sân khấu tự tìm đạo cụ, học cách nhảy theo các cha ông của mình trên sân khấu như một biểu tượng cho thấy, những đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật này luôn tiếp nối một cách tự nhiên nhất, bất chấp vinh hoa vẫn gắn liền cùng đoạn trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận