Những cảnh bạo lực, bạo hành vốn không còn xa lạ trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình. Nhưng ít ai biết, để có được những thước phim sống động và chân thực nhất ấy, không ít diễn viên đã không ngại khó, ngại khổ và thậm chí mạo hiểm cả tính mạng để thực hiện.
Bầm dập đến tê tái: Chuyện thường ngày ở huyện
Chẳng biết tự lúc nào, chuyện bị bầm tím, xây xát, bầm dập thân thể là chuyện thường tình với các diễn viên khi đóng phim. Khi tham gia Quỳnh búp bê, diễn viên Thanh Hương thừa nhận, đây là vai diễn mà cô phải trả giá bằng cả máu và nước mắt. Đếm không biết bao nhiêu lần cô bị tát, đấm đến lệch mặt, sưng môi, chảy máu miệng và choáng váng, người thì vô số vết bầm tím, trày xước. Có cảnh quay gặp sự cố, cô bị mảnh thủy tinh găm vào tay chảy máu lênh láng nhưng vẫn cắn răng diễn tiếp. Đạo diễn vừa hô cắt, cả ê-kíp xúm lại băng bó cho nữ diễn viên. Cũng trong phim này, diễn viên Phương Oanh đã phải uống thuốc giảm đau để tiếp tục diễn sau cảnh bị đánh đập, ném lên trên giường và bị trật khớp vai. Trước đó, khi tập luyện, Phương Oanh chỉ ngã nghiêng người nhưng lúc quay thật, bả vai cô không may bị đập xuống đất. Dù rất đau đớn nhưng cô cắn răng tiếp tục diễn. Hoàn thành cảnh quay, cô bị sái bả vai và da bị trật một mảng lớn chảy máu.
Giới nghệ thuật muôn hình vạn trạng, có rất nhiều kiểu người. Ngay cả chuyện lừa đảo để đổi lấy tình cũng có. Không phải ai cũng phân rõ công việc và bạn tình.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền
Dương Cẩm Lynh từng muốn bỏ vai diễn khi quay bộ phim Thế lực ngầm vì suốt ngày bị đánh đập, giật tóc khiến cô mệt mỏi, đêm ngủ cũng nằm mơ và ám ảnh. Có những phim, cô còn bị tát tới chảy máu miệng, hay bị đập đầu vào xe khi diễn cảnh bị bắt cóc. “Có nhiều khi diễn bị đánh, tôi khóc vì đau thật. Nếu diễn hình thể thì tôi không thấy hài lòng vì rất giả, còn diễn thật thì hy vọng gặp bạn diễn chuyên nghiệp, mình đỡ bị đau”, Dương Cẩm Lynh cười. Lan Phương cũng từng hốt hoảng vì nghẹt thở khi bị bạn diễn Xuân Phúc bóp cổ trong phim Trận đồ bát quái. Do lực của Xuân Phúc rất mạnh nên đóng xong, cổ của Lan Phương hằn vết dấu tay. Dù vậy, Lan Phương khẳng định, cô thường yêu cầu bạn diễn mạnh hơn vì nếu đánh nhẹ quá thì cả hai diễn đều giả, ít nhất những cảnh tát cũng phải thật tới 80%.
Bầm dập không kém là Nhật Kim Anh khi tham gia phim điện ảnh Cạm bẫy. Trong phim, Kim Anh vào vai một bà mẹ bị tâm thần phân liệt, bị đánh đập và tra tấn tàn bạo. Cô từng ngất xỉu khi thực hiện cảnh bị trói hai chân treo lên trời và dốc đầu xuống thùng nước. Thậm chí, trong cảnh nhân vật của Nhật Kim Anh bị Hải Đen (Xuân Phúc đóng) tát còn khiến cô phải vào viện. Lý do bởi Xuân Phúc đeo một chiếc nhẫn lớn, khi diễn cảnh tát, phản xạ khiến Nhật Kim Anh đưa tay lên che mặt thì bị vỡ mạch máu. Lập tức, Xuân Phúc chở cô vào viện, cả đoàn phim phải nghỉ quay ngày hôm đó. Suốt 2 ngày, tay của Nhật Kim Anh sưng vù, không cử động được và cả một tuần, tay cô bị tụ máu bầm đen. Hay trong phim Tìm chồng cho vợ tôi, xui cho diễn viên này là 20 phân đoạn quay ngày hôm đấy thì có đến 13 phân đoạn cô bị đánh, khiến khuôn mặt cô biến dạng, má sưng vù do bị tát quá nhiều.
Một diễn viên khác cũng khiến đoàn phim hốt hoảng là doanh nhân Hùng Cửu Long khi đóng phim Nữ trinh sát tập sự. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền kể lại cảnh quay họa sĩ Tuấn (Hùng Cửu Long đóng) ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng, bị chồng của cô này đánh đập dã man. Hùng Cửu Long bị treo lên một sợi dây để đánh nhưng giữa chừng, dây bị đứt, Hùng Cửu Long rơi xuống và bị ngất. Đoàn phim hoảng hốt chạy tới cấp cứu.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết, ông luôn tiết chế các cảnh quay bạo lực trên phim nhưng khi đã có cảnh bạo lực, ông sẽ cho làm “tới bến” để thật nhất, nhiều cảm xúc nhất. Tới nỗi khi quay phim Con gái bố già, diễn viên Hồ Bích Trâm còn phải nài nỉ, xin ông cắt bớt cảnh bị dì ghẻ (Thân Thúy Hà đóng) đánh đập và bóp cổ, giật tóc liên tục. “Tôi phải để nhân vật bị hành hạ tới nỗi cả đoàn phim ở ngoài còn xót xa thì tôi mới chịu. Như vậy mới đúng tâm lý nhân vật”, đạo diễn chia sẻ.
Từ “vỗ mông chào hỏi” đến “cung đấu hậu trường”
Hậu trường làm phim đã vất vả, khổ sở, diễn viên còn đối mặt với một câu chuyện khác cũng “đau đầu” không kém là chuyện bị gạ gẫm, nói xấu. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền nhận định, chuyện gạ tình đổi vai diễn trong điện ảnh rất nhiều, nhưng chỉ xảy ra với trường hợp những diễn viên bất tài, bất lực nên mới tìm cách đổi chác để có được vai diễn. Bản thân những đạo diễn chấp nhận điều này cũng là những đạo diễn kém cỏi, không thực sự quan tâm tới nghệ thuật và không có những sản phẩm đáng chú ý. Những bộ phim được thực hiện theo cách này cũng không đi đến đâu, vì chấp nhận diễn viên kém tài tham gia.
Năm 2018, scandal biên đạo múa Phạm Lịch tố ca sĩ Phạm Anh Khoa gạ tình bằng lời lẽ tục tĩu khiến dư luận xôn xao. Trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Anh Khoa chia sẻ, trong showbiz vỗ mông đôi khi cũng được coi là chào hỏi. Phát ngôn này của nam ca sĩ đã vấp phải chỉ trích của khán giả và cả những người trong showbiz. Tuy nhiên, theo diễn viên Lan Phương, trong nghề, cô biết có không ít người có chung suy nghĩ này. Là diễn viên nữ, cô từng gặp những người hay có hành động bỗ bã, thô thiển, cố tình đụng chạm vào người cô và dường như họ coi đó là chuyện bình thường. Những lúc đó, nữ diễn viên thẳng thắn nói cô không thích điều đó và không nói chuyện với họ nữa.
Lan Phương nhớ lại khoảng thời gian mới vào nghề, cô ngây thơ nhưng có sự nhạy cảm. Có lần, một đạo diễn ngỏ ý mời cô cho vai diễn trong bộ phim sắp tới của ông. Dù vậy, ông nói bóng gió với Lan Phương rằng muốn thành công phải có tình, có tiền, có thế. Lan Phương không có tiền, chẳng có thế thì chỉ có tình. “Tôi thấy không thoải mái nên tránh xa luôn. Với tôi, công việc là công việc, tôi thấy ai đoàng hoàng thì tôi sẽ đồng ý nói chuyện. Còn cảm thấy họ gớm ghiếc thì tôi tránh ngay”, Lan Phương tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận