Thi viết về GTVT

Hậu trường thi công hầm chui gần 700 tỷ giữa Thủ đô

31/01/2023, 10:08

“Lên rừng xuống biển” với đủ các loại công trình giao thông nhưng chưa dự án nào có mặt bằng phức tạp như hầm chui Lê Văn Lương.

Thi công trong điều kiện mặt bằng eo hẹp, dịch bệnh phức tạp, mục tiêu đưa dự án hầm chui Lê Văn Lương vào khai thác đúng dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2022) tưởng chừng không thể thực hiện.

Thách thức từ “ma trận” công trình ngầm - nổi

img

Hầm chui Lê Văn Lương là dự án giao thông trọng điểm góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự giao thông cho trung tâm TP Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải

Hơn 3 tháng kể từ ngày hầm chui Lê Văn Lương được đưa vào khai thác, trên cung đường từ nơi làm việc (Giảng Võ) về khu đô thị Dương Nội của chị Hoàng Anh (nhân viên văn phòng) đã không còn canh cánh nỗi lo ùn tắc tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.

“Thay vì phải chờ 2 - 3 nhịp đèn, chen chúc trong “rừng” phương tiện, giờ đây, tôi và cả nghìn người tham gia giao thông khác có thể rút ngắn được 10 - 15 phút di chuyển khi đi qua hầm”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Ngã tư Lê Văn Lương - Vành đai 3 là nút giao có lưu lượng phương tiện đông, tình hình giao thông phức tạp, việc triển khai thi công hầm chui có vai trò và ý nghĩa to lớn. Việc chủ đầu tư và các đơn vị thi công đưa dự án vào sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị và thời gian yêu cầu đã giúp nút giao giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội


Lợi ích dự án đem lại đang dần được khẳng định, song, ít ai biết được, phía sau công trình hiện đại này là cả hành trình đầy gian khó nhà thầu thi công phải “cân não” vượt qua.

Khó khăn đến mức, một số kỹ sư “cứng” về nghề đã phải từ chối tiếp quản dự án khi được phân công nhiệm vụ.

Nhớ về khoảng thời gian đầu tiếp cận dự án (tháng 2/2020), ông Hồ Đức Phúc, người từng giữ vai trò Giám đốc điều hành gói thầu số 8 do Công ty CP Tập đoàn Cienco4 đứng đầu liên danh thừa nhận, 20 năm trong nghề, “lên rừng xuống biển” với đủ các loại công trình giao thông nhưng chưa dự án nào có mặt bằng phức tạp như hầm chui Lê Văn Lương.

Theo ông Phúc, thách thức đầu tiên là công trình ngầm - nổi dọc hai bên công trình nhan nhản, gồm tất cả hệ thống đường điện từ nhỏ đến lớn.

Lo ngại hơn cả là dự án được chia làm 3 gói thầu riêng biệt: Gói thầu xây lắp, gói thầu về điện và gói thầu về đường nước. Ngoài nhà thầu, mỗi gói thầu còn có 2 - 3 đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế.

Trong hệ thống bản vẽ thi công hầm, mỗi gói lại mỗi phách, một bản vẽ riêng. Nếu mạnh ai nấy làm, các nhà thầu phụ trách trực tiếp sẽ khó tránh khỏi sự lúng túng ban đầu trước “ma trận” công trình ngầm - nổi.

“Trong bối cảnh thời gian thi công gấp rút, mặc dù không thuộc liên danh các gói di chuyển công trình ngầm nổi, Cienco4 đã cùng chủ đầu tư, tư vấn giám sát vào cuộc cùng nhà thầu hai gói 9, 10 nghiên cứu, tối ưu hóa giải pháp di dời công trình đường điện. Đây là một trong những thắng lợi đầu tiên của dự án”, ông Phúc kể và cho biết, khó khăn kế tiếp của dự án phải kể đến là diện tích mặt bằng thi công.

Nếu các dự án hầm chui khác, bề rộng mặt bằng thi công thường dao động từ 40 - 60m thì tại hầm chui Lê Văn Lương, mặt bằng dọc tuyến thực tế chỉ có 22m. Trong phạm vi chật hẹp này, nhà thầu là phải bố trí vật tư, máy móc, thiết bị để triển khai thi công.

Qua nhiều cuộc họp bàn, phương án tối ưu cuối cùng được đưa ra là sử dụng hai hệ giá long môn để cung cấp vật tư, vật liệu lấy từ bãi tập kết ở hai đầu tuyến.

Xuyên ngày đêm chạy đua tiến độ

img

Cao điểm thi công trên công địa dự án hầm chui Lê Văn Lương, nhà thầu đã huy động tổng lực lên đến 180 người

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giao thông, ông Nguyễn Sỹ Bảo, người được phân công làm Phó giám đốc điều hành dự án nhận định, hầm chui Lê Văn Lương là công trình đô thị thi công trong điều kiện giao thông phức tạp nhất bởi mật đô phương tiện lưu thông qua quá lớn.

Làm thế nào để nhà thầu có đủ công địa thi công, giao thông không bị tê liệt là câu hỏi được đặt ra trong hàng chục cuộc họp giữa cán bộ chuyên trách Sở GTVT Hà Nội và ban chuyên môn của Cienco4.

“Đóng nút giao để hạn chế xung đột, đưa luồng phương tiện thay vì đi thẳng sẽ di chuyển tại hai vị trí điểm mở nằm tại hai đầu công trình là phương án được lựa chọn. Với phương án này, tình trạng ùn tắc thậm chí còn giảm nhiệt hơn so với giai đoạn chưa thi công hầm”, ông Bảo nói.

Điều kiện thi công phức tạp, hành trình bứt tốc của dự án hầm chui Lê Văn Lương tiếp tục gặp trắc trở khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Tháng 6/2021, hầm chui Lê Văn Lương dù được xác định là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô được thi công trong mùa dịch nhưng mọi thứ chẳng dễ dàng khi chính sách giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển vật tư, vật liệu từ ngoại thành vào công trình gặp khó.

img

Nếu các dự án hầm chui khác, bề rộng mặt bằng thi công thường dao động từ 40 - 60m thì tại hầm chui Lê Văn Lương, mặt bằng dọc tuyến thực tế chỉ có 22m

Cả khi phương tiện được cấp “thẻ xanh”, nút thắt vật liệu cũng chưa thể được gỡ bỏ khi nhà cung cấp sản xuất cầm chừng.

Chỉ đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà thầu mới dồn hết tốc lực vào chạy đua với thời gian. Cao điểm thi công trên công địa dự án có lúc huy động tổng lực lên đến 180 người so với số lượng 80 - 90 người duy trì trong đợt dịch.

Thời gian thi công thường xuyên tăng cường 3 ca đến 10 - 11h đêm. Một số hạng mục đóng vai trò tiên quyết như thi công cọc xi măng đất được thực hiện 24/24h.

Trong ký ức của mình, kỷ niệm với ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, Phó giám đốc điều hành dự án chính là thời điểm cuối tháng 8/2022, dự án cận kề thời gian về đích, song việc tìm kiếm đơn vị dọn dẹp vệ sinh công nghiệp chưa hoàn thành: “Nhìn nguyên một hệ thống sàn đảo với lượng bùn ngập 50 - 70cm chưa được dọn dẹp, ban điều hành ai nấy đều như trên đống lửa”.

“Còn phải kể đến áp lực trong quá trình thi công hầm chính, 6 đường cáp lớn cấp điện cho các quận nội đô TP Hà Nội chạy ngay bên cạnh trạm bơm (cách khoảng 2m). Việc ép cọc ván thép chỉ cần một sơ sảy nhỏ, hộp cáp điện sẽ bị ảnh hưởng. Khi ấy, dự án sẽ bị đình chỉ thi công ngay lập tức. Rất may đã không có sự cố nào xảy ra”, ông Nghĩa tâm sự.

Sáng 5/10/2022, hầm chui Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức được thông xe sau gần 2 năm thi công. Công trình trọng điểm này có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.