Điều này cũng khiến các đăng kiểm viên (ĐKV) không dám sai phạm, bỏ qua quy trình, từ đó nâng cao chất lượng kiểm định...
Hậu kiểm... căng thẳng
Sáng một ngày trung tuần tháng 9/2019, một quán nước ven đường ở trung tâm TP Lạng Sơn mở cửa đón nhóm khách lạ đi ô tô biển số nơi khác đến uống trà, tán gẫu. Chủ quán thấy khách ngồi khá lâu, nhưng không đưa xe vào đăng kiểm thấy lạ hỏi: “Gần quá giờ làm việc sao các anh không đưa xe vào đăng kiểm, sắp hết giờ, người ta đóng cửa rồi”.
Tuy nhiên, các vị khách chỉ cười, ai cũng chăm chăm nhìn vào máy tính bảng và không ngừng bàn bạc về những chiếc xe vừa vào kiểm định. Chủ quán nước và cả trung tâm đăng kiểm đều không biết rằng, nhóm người này đang theo dõi mọi động thái của các dây truyền kiểm định xe. Công việc của họ đòi hỏi phải bí mật đến phút chót để kiểm tra, giám sát và phát hiện những vi phạm (nếu có) của các đơn vị đăng kiểm. Trong nhóm người này, có cả ông Nguyễn Minh Cương, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN.
Chia sẻ với PV, ông Cương cho biết, các trung tâm đăng kiểm đều phải lắp camera truyền trực tuyến hình ảnh hoạt động trong dây chuyền kiểm định về cục để phục vụ công tác giám sát. Vì vậy, tổ kiểm tra trước khi vào kiểm tra sẽ quan sát qua hình ảnh trực tuyến để lựa chọn một vài xe có dấu hiệu khả nghi để kiểm tra.
“Có khi chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên xe để kiểm định lại nhưng cũng có thể chọn một loại xe nhất định để hậu kiểm. Xe được hậu kiểm phải là vừa được đơn vị đăng kiểm xong, đã ra khỏi dây chuyền và đang ở trong sân của trung tâm đăng kiểm để đảm bảo tính khách quan”, ông Cương nói.
Hàng chục đăng kiểm viên bị đình chỉ do vi phạm quy trình
Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Đăng kiểm VN tổ chức hơn 20 đợt kiểm tra chuyên ngành công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành. Qua kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo đơn thư, dư luận phản ánh, Cục Đăng kiểm VN phát hiện, xử lý đình chỉ có thời hạn gần 20 trường hợp ĐKV vi phạm quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật xe cơ giới; thu hồi giấy chứng nhận Trung tâm Đăng kiểm 98-03D Bắc Giang, đình chỉ có thời hạn 1 dây chuyền đăng kiểm của Trung tâm Đăng kiểm 47-04D Đắk Lắk.
Mới đây, theo yêu cầu của Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN đình chỉ 12 ĐKV của một số trung tâm đăng kiểm, đình chỉ 1 dây chuyền kiểm định của Trung tâm Đăng kiểm 72-01S Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm Đăng kiểm 79-01S Khánh Hòa.
Rời quán nước vào trung tâm đăng kiểm, tổ kiểm tra yêu cầu “giữ nguyên hiện trường” kết quả đã được đăng kiểm viên, đơn vị đăng kiểm kết luận đối với hai chiếc xe; Đồng thời, yêu cầu ĐKV lần lượt đưa xe vào kiểm định lại.
Quan sát của PV, không khí hậu kiểm diễn ra khá căng thẳng. Mỗi thao tác của ĐKV đều có người của tổ kiểm tra kè kè quan sát, cũng “soi” số khung, số máy xe, kiểm tra phanh hay cùng chui hầm để kiểm tra gầm xe, độ dơ bánh... ĐKV Triệu Hoàng Sơn, phụ trách dây chuyền kiểm định Trung tâm Đăng kiểm 12-01D chia sẻ: “Lần nào bị kiểm tra cũng bất ngờ nên tâm lý chung anh em ĐKV khá căng thẳng, lo sợ không giữ được bình tĩnh dẫn đến thao tác nhầm”.
Sau gần nửa giờ hậu kiểm, theo kết quả hậu kiểm xe BKS 99C-029.97 được in ra cho thấy phương tiện này bị “đánh trượt”. Nguyên nhân do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu ánh sáng đèn pha, cốt; vô lăng lái có sự dịch chuyển của một điểm quá 1/5 đường kính vô lăng.
Tương tự, xe BKS 12C-017.25 cũng không đạt tiêu chuẩn do bộ phận giảm chấn rò rỉ dầu, đèn chiếu sáng không hoạt động, không truy cập được dữ liệu giám sát hành trình xe, thân vỏ buồng lái bị thủng, gãy...
Tuy vậy, mừng cho các ĐKV vì kết quả hậu kiểm cả hai xe đều phù hợp với kết quả kiểm định trước đó. Vì vậy, việc trung tâm đăng kiểm không cấp tem đăng kiểm, yêu cầu chủ xe khắc phục các hạng mục không đạt tiêu chuẩn được Tổ kiểm tra chuyên ngành chấp thuận.
Hầu hết các lần đi hậu kiểm, tổ kiểm tra thường ngồi đợi, theo dõi qua camera trước khi vào kiểm tra, nhưng lần đi kiểm tra tại Quảng Ninh lại khác. Ngay khi lượn xe để thực địa trước cửa trung tâm, tổ trưởng thấy ô tô xếp hàng chờ kéo dài, nối đuôi từ cửa trung tâm ra ngoài quốc lộ liền xuống đi bộ quan sát và bắt chuyện với cánh lái xe. Đến khi tổ công tác chính thức bắt tay vào việc, cả ĐKV lẫn lái xe đều... ngớ người. Không mất nhiều thời gian, một chiếc xe tải cỡ nhỏ đã đăng kiểm xong nhưng lốp trong của một cặp lốp phía sau có vết mòn to hơn bàn tay được chọn để đưa vào “khám” lại. Kết quả, chiếc xe không đạt chất lượng tiêu chuẩn kỹ thuật ở bánh xe và phanh, ngược hẳn với kết quả “đạt” do chính các ĐKV đã đánh giá trước đó. Đến khi ký biên bản, cả giám đốc trung tâm đăng kiểm lẫn ĐKV tên S. chỉ biết ngậm ngùi than thở.
“Duyên nợ hay sao ấy, chứ hơn một tháng trước, hậu kiểm cũng đúng xe của ĐKV này khám, cũng bị “dính” biên bản. Lần này lại “dính” tiếp, lại bị công ty trừ lương, cắt thưởng”, vị giám đốc thương cảm cho ĐKV và chia sẻ, chẳng là từ khi trung tâm chuyển sang hoạt động mô hình cổ phần, anh em ĐKV nếu bị “dính” lỗi, bị đơn thư phản ánh hay cơ quan chức năng kỷ luật sẽ bị chủ đầu tư giảm lương, cắt thi đua.
“Thích” kiểm tra xe... xấu
Anh em làm công tác hậu kiểm cho biết, kiểm tra viên phải là người được Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cấp Thẻ kiểm tra viên, khi thực hiện nhiệm vụ phải theo chỉ đạo của lãnh đạo cục, phân công của Phòng Kiểm định xe cơ giới.
“Xin” đăng kiểm viên đừng vi phạm
Chia sẻ tâm tư của người làm công tác hậu kiểm, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Minh Cương cho hay, những lần lập biên bản, đề xuất kỷ luật ĐKV, trung tâm đăng kiểm vi phạm cũng căng thẳng, áp lực lắm, song không thể làm khác được. “Nhiều lần trò chuyện với anh em ở các trung tâm đăng kiểm, tôi tâm sự vừa vui vừa thật rằng: “Xin anh em, mọi người đừng vi phạm nữa nhé. Anh em mình ít nhiều đều quen biết nhau, tôi phải lập biên bản vi phạm, đình chỉ anh em cũng khổ tâm lắm, nào có vui vẻ gì”, ông Cương trải lòng.
“Theo quy định, kiểm tra viên có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc bí mật khi được giao nhiệm vụ, tính chính xác, trung thực, khách quan trong quá trình kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra, phúc tra của mình”, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Phó cục trưởng Nguyễn Minh Cương cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN thực hiện theo nguyên tắc bí mật, khách quan và công bằng đối với các trung tâm đăng kiểm. “Công tác hậu kiểm, phúc tra phương tiện không chỉ nhằm phát hiện, xử lý các cấp chứng nhận cho xe không đạt chuẩn mà còn xử lý các trường hợp đánh giá, kết luận sai tình trạng kỹ thuật phương tiện, gây khó dễ cho chủ xe”, ông Cương nói.
Chia sẻ những bí mật trong công tác hậu kiểm các trung tâm đăng kiểm, Phó cục trưởng Đăng kiểm VN cho biết, những lần ông trực tiếp đi kiểm tra đều để mắt tới những xe cũ, có hình dáng bên ngoài “xấu xấu, bẩn bẩn” để phúc tra. Thông thường, các xe cũ có nguy cơ không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí vi phạm về cải tạo, cơi nới nhiều hơn so với các xe mới. Xe có nguy cơ bị đánh trượt đăng kiểm cao cũng kéo theo nguy cơ ĐKV vi phạm quy trình, bỏ qua tiêu chuẩn kỹ thuật để thu hút xe đến đăng kiểm hoặc tiêu cực.
“Tại một trung tâm ở Thái Nguyên, khi ĐKV bị đình chỉ do kết luận không đúng tình trạng xe, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm này chỉ biết than: “Bao nhiêu xe đẹp mà các anh không kiểm tra, có mỗi chiếc xe xấu nhất lại chọn””, ông Cương chia sẻ và cho biết, trường hợp khác ở Thanh Hóa, ĐKV được phép thử lại phanh xe 4-5 lần nhưng kết quả vẫn không đạt (như kết quả khi kiểm định), đành “tâm phục, khẩu phục” nhận sai.
“Để tác động đến ý thức tự giác của lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, ĐKV, công tác kiểm tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN luôn đảm bảo yếu tố bí mật, khách quan và công bằng. Đơn vị nào biểu hiện vi phạm, có thông tin phản ánh hoặc dư luận có thể hôm nay kiểm tra đột xuất, ngày mai tiếp tục kiểm tra”, ông Cương cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận