Thế giới giao thông

Hậu trường xây hầm xuyên biển dài nhất thế giới

10/07/2024, 08:30

Di chuyển từ miền nam Đan Mạch đến miền bắc nước Đức chỉ mất 10 phút đi ô tô và 7 phút đi tàu, thay vì 45 phút đi phà như hiện nay.

Kịch bản này sẽ thành hiện thực khi hầm đường sắt và đường bộ xuyên biển dài nhất thế giới dự kiến hoàn thành vào năm 2029.

Kinh phí 4,8 tỷ euro

Hầm đường bộ và đường sắt mang tên Fehmarnbelt dài 18km nằm dưới biển Baltic. Trong đó có các ống hầm riêng biệt dành cho đường bộ, đường sắt, mỗi ống hầm là một hướng di chuyển, đảm bảo giao thông đường bộ, đường sắt thông suốt nhất.

Hậu trường xây hầm xuyên biển dài nhất thế giới- Ảnh 1.

Nhà vua Đan Mạch Frederik X (hàng trên, thứ hai từ phải) thăm công trình xây dựng hầm ở khu vực đảo Lolland.

Theo kế hoạch xây dựng, dự án tiêu tốn 55,1 tỷ kroner (4,8 tỷ euro), trong đó có 7,7 tỷ kroner là dự phòng. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ trở thành hầm đường sắt, đường bộ xuyên biển dài nhất trên thế giới, giảm thời gian đi lại giữa hai nước.

Hiện tại, thời gian đi lại giữa đảo Lolland (Đan Mạch) và đảo Fehmarn (Đức) là khoảng 45 phút đi phà. Nhưng với đường hầm Fehmarnbelt kết nối thị trấn Rødbyhavn ở Đan Mạch với bến cảng Puttgarden của Đức, thời gian đi lại sẽ giảm còn 10 phút khi đi ô tô và 7 phút đi bằng tàu.

"Người dân di chuyển giữa Đan Mạch và Đức sẽ nhanh và an toàn hơn", ông Denise Juchem, người phát ngôn Femern A/S – công ty Đan Mạch tham gia chuẩn bị dự án cho biết.

Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, dự án này còn được kỳ vọng giúp giảm tắc nghẽn trên các tuyến đường bộ, đường sắt hiện có. Đối với khách du lịch, tuyến đường sẽ tạo điều kiện để khách tham quan dễ dàng khám phá hai đất nước.

Đường hầm cũng kết nối với hành trình tiếp theo về phía Bắc tới Copenhagen qua đảo Zealand của Đan Mạch. Hơn nữa, công trình này còn kết nối với mạng lưới đường cao tốc của Đức để ô tô tiếp cận thuận tiện.

Hạn chế tác động môi trường

Tham vọng là vậy, nhưng để đi đến kế hoạch cuối cùng, giới chức hai nước đã rất kỳ công xem xét, lựa chọn giữa nhiều phương án như xây cầu, làm đường hầm chạy xuyên lòng đất…

Hậu trường xây hầm xuyên biển dài nhất thế giới- Ảnh 2.

Khu vực cổng hầm ở Rødbyhavn.

Cuối cùng, đường hầm ngầm dài 18km được coi là giải pháp tốt nhất vì giảm tác động đến môi trường, giảm mức độ nhạy cảm với điều kiện thời tiết và hiệu quả về mặt chi phí.

Đường hầm phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, đảm bảo hạn chế tác động tối thiểu đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học địa phương. Một vấn đề không thể tránh khỏi là ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên nhưng sẽ được bù đắp bằng một dự án xây dựng các khu vực tự nhiên mới trên đảo Lolland với diện tích ít nhất gấp đôi.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ được thu phí và doanh thu từ đây được sử dụng để chi trả khoản vay trong quá trình xây dựng. Mô hình này tương tự như tuyến Øresund với một cây cầu và đường hầm ngầm nối Đan Mạch và Thụy Điển.

Chi phí sử dụng đường hầm Fehmarnbelt sẽ do Bộ trưởng Giao thông Đan Mạch quyết định trước khi chính thức đi vào hoạt động.

Hầm được xây thế nào?

Vì xây dựng ngầm dưới biển nên quá trình làm công trình này không hề đơn giản. Ông Markus Just, Giám đốc quản lý chất lượng thiết kế đường hầm tại Femern A/S cho biết: "Thiết kế hầm Fehmarnbelt là quá trình phức tạp đòi hỏi phải lập kế hoạch trên quy mô lớn".

Hậu trường xây hầm xuyên biển dài nhất thế giới- Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất các bộ phận hầm Fehmarnbelt thời điểm tháng 7/2023.

Một trong những thách thức lớn nhất là tìm cách vận chuyển các bộ phận khổng lồ và rất nặng của đường hầm từ nhà máy đến địa điểm xây dựng dưới lòng biển. Ông Just giải thích: "Chúng tôi đã quyết định làm các khu vực trũng lòng chảo ở phía trước nhà máy xây dựng để các bộ phận của đường hầm có thể nổi lên và vận chuyển đến bến cảng làm việc".

Sau đó, họ sẽ dùng các thiết bị hàng hải và tàu đặc biệt để vận chuyển, hạ các bộ phận vào các khu vực đã được ngăn nước ở dưới biển. Hệ thống này có thể hạ thấp và kết nối các bộ phận của đường hầm với độ chính xác tính đến vài mm.

"Tuyến Fehmarnbelt sẽ là đường hầm ngầm đầu tiên trên thế giới có tầng hầm", ông Just tiết lộ.

Tầng hầm này là nơi đặt các khu vực bảo trì ngầm, mỗi khu bảo trì nằm cách nhau 2km, tạo không gian cho phương tiện có thể chuyển nhân viên bảo trì tiếp cận bên trong hầm an toàn và nhanh chóng.

Dựa trên kinh nghiệm từ các dự án đường hầm lớn, trong đó có tuyến Øresund, đường hầm này sẽ có đầy đủ các làn khẩn cấp ở cả hai hướng đường cao tốc cho phép các phương tiện di chuyển theo đường ống riêng biệt ở mỗi hướng. Đường hầm cũng được trang bị cửa ra khẩn cấp dọc toàn tuyến để các phương tiện thoát ra ngoài trong trường hợp xảy ra sự cố.

Để giám sát tuyến đường hầm suốt ngày đêm, các nhà thiết kế sẽ xây dựng một trung tâm điều khiển địa phương và một trung tâm điều khiển hoạt động tàu đặt tại thủ đô Copenhagen, đảm bảo phản ứng nhanh với mọi vấn đề.

Giới chức địa phương hy vọng đường hầm sẽ thúc đẩy chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang vận tải đường sắt, đồng thời dự kiến giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do đường sắt được điện khí hóa hoàn toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.