Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện được theo dõi sát sao trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại căng thẳng và các cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả.
Tiệc tối thịnh soạn Trump - Tập
Lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ ăn tối cùng nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires ngày 1/12. Trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn lòng đi đến một thỏa thuận giải quyết căng thẳng thương mại hai bên.
Reuters ngày 28/11 dẫn lời Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Nhà Trắng coi bữa ăn tối với Chủ tịch Tập như một cơ hội để đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc “sang trang mới” và ông Trump đã sẵn lòng cho điều này.
“Nếu lãnh đạo Trung Quốc đến dự bữa tối, với một số ý tưởng, thái độ cũng như một số hợp tác mới, thì như Tổng thống Trump nói, có khả năng cao, hai bên có thể đạt được một thỏa thuận”, ông Kudlow nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Wall Street Journal, nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump nói rằng “rất hài lòng với những gì đang diễn ra”, bao gồm mức 10% thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mức thuế này sẽ được tăng lên 25% vào ngày đầu tiên của năm mới 2019 và nếu các cuộc đàm phán với Trung Quốc không có tiến triển, Hoa Kỳ có thể sẽ không ngại ngần khi áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu nữa”.
Lặp lại những lời đe dọa này, ông Kudlow nhấn mạnh: “Tổng thống sẽ thực hiện những gì mình nói”, đồng thời cho biết thêm, “các kế hoạch áp thuế mới chỉ là một trong các phương án và không phải là lựa chọn ưu tiên”.
Cố vấn của ông Trump cũng nhắc lại các điều kiện nhất định phải được giải quyết, bao gồm vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, hàng rào thuế quan và phi thuế quan với hàng hóa Mỹ.
Như vậy, chưa biết Bắc Kinh đã đồng ý nhượng bộ trước các yêu cầu của Washington hay không, nhưng cuộc gặp sắp tới giữa ông Donald Trump và Tập Cận Bình tại Argentina có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để Bắc Kinh và Washington cùng nhau giải quyết những bất đồng về kinh tế và thương mại, trước khi các đòn tấn công bằng chiêu trò áp thuế qua lại tiếp tục làm rạn nứt mối quan hệ hai bên và hệ lụy tới nền kinh tế thế giới.
Doanh nhân Mỹ nôn nóng
Theo báo chí Trung Quốc, trong khi chính quyền ông Trump vẫn tin tưởng vào vị trí của nền kinh tế Mỹ kể cả khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc kéo dài, thì các nhóm kinh doanh lớn trong những tuần gần đây đã kêu gọi một nhu cầu cấp thiết để giải quyết vấn đề này.
Mới đây, Freedom Partners cùng hai nhóm trong mạng lưới các tập đoàn Hoa Kỳ khác là Americans for Prosperity và Libre Initiative (được hậu thuẫn bởi anh em tỷ phú Charles Koch và David Koch - chủ Tập đoàn Koch Industrials lớn nhất nhì nước Mỹ) đã đưa ra tuyên bố: “việc tăng thuế quan liên tục làm ảnh hưởng đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu”.
Cuộc chiến thương mại đã “làm thiệt hại các doanh nghiệp, nông dân, người tiêu dùng, công nhân và các gia đình trên toàn thế giới”, các nhóm trên kêu gọi hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung cùng nhau giải quyết những thách thức và trách nhiệm của các nước lãnh đạo toàn cầu.
Về phía Bắc Kinh, dưới tác động của cuộc chiến thương mại, trong quý 3 năm nay, nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 10 năm qua, theo các số liệu kinh tế mới nhất.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Khôi Thiên Khải ngày 26/11 vẫn bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng các cuộc đàm phán sẽ tốt đẹp. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu Mỹ, Trung sẽ tạo cho hai bên đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trên nhiều mặt trận, bao gồm cả các vấn đề kinh tế và thương mại.
Ông Khôi Thiên Khải cho rằng, nếu việc giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ- Trung bị thất bại, thị trường toàn cầu sẽ gặp nguy hiểm, bao gồm cả nền kinh tế Mỹ, một tình huống tương tự những gì đã xảy ra 10 năm trước.
Đáp lại những bình luận của Đại sứ Trung Quốc về nguy cơ cuộc khủng hoảng tài chính mà một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể mang tới, ông Kudlow khẳng định: “Nếu mỗi người làm tốt phần việc của mình, mỗi chính phủ làm tốt nhiệm vụ của đất nước đó, thì tất cả chúng ta có thể làm cho mọi thứ tốt hơn”.
Theo quan điểm của ông Kudlow, nếu kinh tế toàn cầu có một hệ thống giao dịch tự do (không có hàng rào thuế quan và phi thuế quan), cả Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ các nước trên thế giới đều hưởng lợi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận