Tàu vào nhận sản phẩm tại cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Thanh Long |
Bộ Tài chính thất hứa?
Dù ngày 22/8, Bộ Tài chính đã có văn bản khẳng định sẽ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu đến hết năm 2014 nhưng văn bản điều hành ngày 6/12 của Bộ Công thương hé lộ ngày 5/12, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư, theo đó tăng khá mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu, có loại tăng đến 10%. Điều này rõ ràng khiến giá xăng dầu có mức giảm giá thấp hơn.
Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng từ mức 18% tăng lên mức 27%, dầu diezen từ mức 14% tăng lên mức 23%, dầu hỏa từ mức 16% tăng lên mức 26%, dầu mazut từ mức 15% tăng lên mức 24%.
Với mức thuế trên, liên bộ cho phép DN giảm mức trích quỹ bình ổn từ 600 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít (hoặc kg) với tất cả các chủng loại xăng dầu.
Tuy nhiên, sự việc dần hé lộ khi thực tế, chính các DN đã đề nghị tăng thuế. Điển hình, ngay trước thời điểm giảm giá ngày 6/12, PVOil đã có văn bản gửi liên bộ nêu rõ việc giá thế giới liên tục giảm, trong khi DN phải dự trữ đủ 30 ngày theo quy định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN.
Khẳng định giá vốn đã cao hơn giá bán nhiều, PVOil dự kiến kết quả kinh doanh cả năm 2014 của tổng công ty này sẽ không có lãi và thực tế DN đã lỗ từ tháng 8/2014.
Để “hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và đặc biệt là tăng thu ngân sách” cũng như “tránh ảnh hưởng tâm lý (...) khi giá dầu thế giới tăng trở lại”, văn bản do phó tổng giám đốc PVOil Nguyễn Anh Toàn ký đã đề nghị liên bộ tăng thuế nhập khẩu lên 5-7%.
Phải hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp?
Để đi tìm lời giải tại sao lại đề nghị tăng thuế, như thế có phải thiệt cho người tiêu dùng không, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch Petrolimex.
Ông Bảo khẳng định Petrolimex năm 2014 sẽ lỗ lớn mảng kinh doanh xăng dầu, phải lấy lợi nhuận các mảng khác bù.
Ông Bảo nói: Nhiều người hỏi đánh giá như thế nào khi giá dầu thô thế giới giảm mạnh như hiện nay, tôi khẳng định cả DN sản xuất và kinh doanh xăng dầu đều vô cùng khó khăn.
DN khai thác bị ảnh hưởng rất lớn vì chi phí khai thác có những mỏ lên đến 70 USD/thùng mà bán chỉ được 65 USD/thùng, như vậy là lỗ.
Đối với Petrolimex, do DN phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày nên lúc nào chúng tôi cũng có tồn kho 1 tháng tiêu thụ. Như vậy, khi giá thế giới giảm, giá kinh doanh trong nước giảm thì hàng tồn kho gặp vấn đề do giá mua vào cao, giá bán ra thấp.
Gần đây, sau 11 lần điều chỉnh giá, các DN kinh doanh xăng dầu chắc chắn sẽ lỗ nặng chứ không nhẹ.
* Dù Bộ Tài chính đã cam kết không điều chỉnh thuế đến hết năm 2014 nhưng đã “thất hứa”, tăng thuế. Có ý kiến nêu Petrolimex đề xuất tăng thuế để giảm lỗ?
- Vừa rồi Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, theo chúng tôi là hết sức hợp lý để bình ổn giá xăng dầu.
Khi giảm quá, người tiêu dùng hàng ngày sẽ có lợi ích. Nhưng không phải tất cả người tiêu dùng. Ví dụ các hộ sản xuất khai khoáng phải nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo sản xuất nhưng cứ lo âu vì không hiểu giá xăng có giảm nữa không nên phải chờ hoặc chỉ dám nhập ít làm đình trệ kế hoạch...
Thứ hai, ở VN một số khái niệm nên được hiểu cho chính xác. Bình ổn không phải là cố định, bình ổn là có tăng có giảm nhưng nằm trong biên độ không tác động mạnh tới thị trường.
Trong giai đoạn giá xuống, chỉ có một công cụ giúp Nhà nước bình ổn thị trường là thuế.
* Nhưng Bộ Tài chính tăng thuế là bớt khả năng giảm giá cho người tiêu dùng?
- Petrolimex cho rằng điều chỉnh thuế là công cụ bình ổn chứ không có gì là thất hứa. Trong văn bản trước đây Bộ Tài chính có nêu từ nay đến cuối năm ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu là bao hàm ý nghĩa dù cao hay thấp cũng chỉ xoay quanh mức công bố.
Người tiêu dùng không chỉ cần dùng xăng dầu giá thấp mà còn cần các nhu cầu khác như các phúc lợi xã hội vì thế bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến ngân sách chung là đều không tốt.
Thời gian vừa qua giá xăng dầu đã giảm hơn 10 lần. Trước đây, khi giá tăng, Nhà nước giảm thuế, có khi về 0%, DN có thời điểm không tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nay để Nhà nước thất thu, DN lỗ như thế cũng không đúng nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, DN, người tiêu dùng.
* Chín tháng Petrolimex công bố lãi 1400 tỷ. Vậy liệu năm nay Petrolimex có lãi đúng như kế hoạch đã đề ra tại Đại hội cổ đông?
- Mảng kinh doanh xăng dầu chắc chắn lỗ. 9 tháng chúng tôi công bố lãi nhưng chỉ cần 3 tháng giá dầu giảm đã cuốn tất cả thành quả trong 9 tháng đầu năm và còn để lại khoản lỗ lớn.
Theo C.V.Kình – Lê Thanh/Tuổi trẻ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận