Myanmar thiết quân luật, bắt giữ hàng trăm người biểu tình sau đảo chính
Đúng ngày này tháng trước (1/2), sau một đêm, thế giới chấn động trước sự kiện quân đội Myanmar (Tatmadaw) lật đổ chính quyền dân cử, bắt giữ hàng loạt quan chức chủ chốt trong đảng cầm quyền, tạm thời đặt dấu chấm hết cho chặng đường gần tiến tới dân chủ mới kéo dài được 10 năm của Myanmar. Đến nay, động cơ và tiềm lực của quân đội Myanmar khiến lực lượng này thực hiện được chiến dịch động trời đó vẫn là mối quan tâm rất lớn của dư luận.
Ba động cơ chính
Trong một bài viết bàn luận về động cơ của quân đội Myanmar khi thực hiện cuộc đảo chính hôm 1/2, nhà báo Arthur Swan Ye Tun đến từ Tạp chí Diplomat cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến Tatmadaw đảo chính.
Thứ nhất, quân đội Myanmar lo sợ bị đe dọa tính hợp pháp. Lực lượng này luôn tự coi mình là bên bảo vệ sự thống nhất quốc gia và Hiến pháp, giữ vai trò lớn trong hệ thống chính trị. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, chính trị gia Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) đã khiến biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc Myanmar của Tatmadaw bị hoen ố và đe dọa tính hợp pháp của quân đội.
Đảng NLD là đối thủ chính phản đối Tatmadaw nắm quyền lãnh đạo hợp pháp với nhóm dân tộc lớn nhất tại Myanamr là Bamar từ năm 1988. Đó chính là lý do tại sao trong giai đoạn 2020 - 2021, quan hệ giữa chính quyền và quân đội đối đầu gay gắt.
Thứ hai, danh tiếng lãnh đạo của Tatmadaw cũng bị ảnh hưởng sâu sắc khi bà Aung San Suu Kyi xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế bảo vệ quân đội Myanmar trước những cáo buộc diệt chủng, chống lại người Rohingya, phía Tây Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi khẳng định hành động của lực lượng an ninh hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của Tatmadaw và phù hợp với Hiến pháp Myanmar. Với việc mạo hiểm danh tiếng quốc tế, đứng ra bảo vệ quân đội - lực lượng từng quản thúc, giam giữ bà hàng thập kỷ - vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc, nữ chính trị gia này đã dành được tình cảm của người dân, kể cả những người lính chân chính trong lực lượng quân đội Myanmar, khiến uy tín của Tatmadaw suy yếu.
Cuối cùng, trong quá trình lịch sử hàng chục năm, quân đội Myanmar đánh mất niềm tin sâu sắc với dân chúng nên luôn tìm cách tập trung nguồn lực, xây dựng sự thống nhất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn mọi mầm mống đối lập. Tatmadaw còn giảm thiểu bộ máy ban, ngành trong lực lượng vì lo ngại, nếu càng có nhiều bộ, ngành càng dễ bị các nhóm đối lập lợi dụng.
Thực tế, trong cuộc đảo chính vừa rồi, đã có không ít video đăng tải trên mạng cho thấy cảnh sát, binh lính Myanmar đứng về phía người biểu tình, trong đó có 1 video mà cảnh sát chống bạo động bảo vệ người biểu tình trước vòi rồng dùng để giải tán đám đông.
Thậm chí, trong cuộc biểu tình lần này còn có lượng lớn người trẻ đến từ chính các gia đình có truyền thống quân đội đã công khai lên tiếng phản đối đảo chính và xuống đường biểu tình.
Theo báo The Diplomat của Nhật Bản, có thể qua 3 lý do trên, Tatmadaw quyết định đảo chính và trực tiếp nắm quyền điều hành, trực tiếp giải quyết các vấn đề trong nước, triệt tiêu những ngờ vực và can thiệp từ người dân, các tổ chức dân sự đối lập.
Tiềm lực kinh tế mạnh
Để thực hiện cuộc đảo chính nhanh như lật bàn tay, quân đội Myanmar đã có sẵn trong mình tiềm lực kinh tế rất lớn, theo hãng tin Al Jazeera. Họ bắt đầu tham gia kinh doanh từ khi Tướng Ne Win quyết định quốc hữu hóa kinh tế trong cuộc đảo chính năm 1962.
Sau đó, quân đội từ bỏ mô hình kinh tế này, bắt đầu tìm cách cho phép tướng lĩnh cấp cao và sĩ quan quân đội có thể được tham gia vào rất nhiều ngành kinh tế, trong đó có một số ngành béo bở nhất. Ở một số lĩnh vực, chỉ có các công ty của quân đội được phép vận hành.
Theo bà Clare Hammond, nhà nghiên cứu làm việc cho Tổ chức Global Witness có trụ sở tại London, đa phần lợi ích kinh tế và khối tài sản kếch xù của các lực lượng vũ trang Myanmar vẫn nằm trong “hộp đen” bí ẩn.
Nhưng một số báo cáo, tài liệu gần đây phần nào hé lộ thêm một vài chi tiết về 2 tập đoàn khổng lồ là chìa khóa cho sự giàu có của Tatmadaw. Đó là Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC).
Theo báo cáo dài 110 trang từ tổ chức tìm kiếm của Liên hợp quốc được công bố năm 2019, quân đội có liên kết chặt chẽ với 106 doanh nghiệp thuộc sở hữu của MEHL và MEC cùng 27 công ty chi nhánh. Ngoài ra, Tatmadaw còn thống trị hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên như khai thác ngọc bích của đất nước Đông Nam Á này.
Hãng tin Al Jazeera dẫn lời các nhà phân tích cho biết, dù trải qua 10 năm cải cách khi Myanmar tiến lên dân chủ nhưng sức ảnh hưởng của các doanh nghiệp quân đội vẫn không thay đổi.
Ông Montse Ferrer, Cố vấn nhân quyền và kinh doanh tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Các xúc tu của quân đội vươn ra trên diện rộng”. Trong báo cáo công bố năm ngoái, ông Montse Ferrer ước tính, chỉ riêng cổ tức từ MEHL, quân đội đã được hưởng khoảng 18 tỷ USD trong 20 năm cho đến năm 2011.
Quyết định của cá nhân tướng Min Aung Hlaing?
Theo nhận định của tờ The Diplomat, không loại trừ khả năng, cuộc đảo chính có thể là quyết định từ cá nhân Thượng tướng Min Aung Hlaing nhằm duy trì quyền lực, đặc quyền của giới tinh hoa quân đội.
Khả năng này được cho là rất thấp, bởi các tướng lĩnh quân đội Myanmar gần như không muốn tách biệt Myanmar với phần còn lại của nền kinh tế thế giới, yếu tố giúp họ sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn là tự cô lập mình trước những lệnh trừng phạt từ quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận