Bóng đá

Hé lộ nguyên nhân những “bom tấn” gây thất vọng

17/06/2020, 07:27

Chỉ số ít trong top 10 cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất hồi đầu mùa giải năm nay thể hiện được khả năng ở đội bóng mới.

img
Joao Felix chơi không thành công trong màu áo Atletico Madrid

Các cầu thủ còn lại đa phần gây thất vọng và trực tiếp ảnh hưởng đến thành tích đội bóng.

Khi “bom tấn” không… nổ

Mùa giải 2019 - 2020 của bóng đá châu Âu đang dần trở lại để hoàn thành nốt giai đoạn cuối. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để đánh giá về những bản hợp đồng bom tấn được thực hiện hồi đầu mùa. Kỳ chuyển nhượng hè 2019 ghi nhận nhiều thương vụ lớn, gây chấn động nhưng không phải ai có mức giá cao cũng sẽ chơi hay.

Trong số 10 bản hợp đồng đắt giá nhất “phiên chợ” hè 2019, chỉ mình Romelu Lukaku đóng góp tương xứng với số tiền Inter Milan bỏ ra (73 triệu bảng). Tại sân Giuseppe Meazza, tiền đạo người Bỉ chơi thăng hoa, đóng góp 17 bàn thắng chỉ tính riêng ở đấu trường Serie A. Màn trình diễn của anh hoàn toàn trái ngược với phong độ tậm tịt hồi còn khoác áo MU.

Phần còn lại thì sao? Harry Maguire​ ngốn của MU tới 80 triệu bảng nhưng chơi chưa thực sự ổn định, thường mắc sai lầm. ​Frankie de Jong, tân binh trị giá 65 triệu bảng của Barcelona cũng chỉ thể hiện phong độ mức trung bình. Tương tự là ​Lucas Hernandez - cầu thủ khiến Bayern Munich phải bỏ 68 triệu bảng để chiêu mộ từ Atletico Madrid, Matthijs de Ligt, trung vệ Juventus mua của Ajax với giá 67,8 triệu bảng... cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của đội bóng chủ quản và người hâm mộ.

Arsenal đã rất kỳ vọng khi chi tới 72 triệu bảng để đưa Nicolas Pepe từ Lille về sân Emirates nhưng tiền đạo này mới có 4 pha lập công, kém nhất trong số các chân sút thường xuyên đá chính. Một cầu thủ khác tới từ Ligue 1 - Tanguy Ndombele cũng chẳng thể ghi dấu ấn ở Tottenham, dù khiến đội bóng phía Bắc London thụt két 63 triệu bảng.

Tuy nhiên, thất vọng hơn cả là ba ngôi sao Eden Hazard (130 triệu bảng), Joao Felix (113 triệu bảng) và Antoine Griezmann (108 triệu bảng). Hazard mới ghi 1 bàn thắng. Felix cũng mới có 4 bàn cho Atletico Madrid. Griezmann khá nhất khi đã có 8 bàn thắng nhưng nhìn chung chưa đóng góp được nhiều cho lối chơi của Barcelona.

Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các cầu thủ giá trị chuyển nhượng lớn không bùng nổ nhưng cơ bản có thể chỉ ra 2 ý như sau: “Thứ nhất, đây là một mùa giải đặc biệt, hầu hết các đội bóng lớn đều không có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào chạy đua và các tân binh cũng bị ảnh hưởng. Thứ hai, ngoài các cầu thủ ít ra sân do chấn thương (Hazard) hoặc không cạnh tranh được (de Ligt), số còn lại tôi cho rằng, chưa được đặt vào vai trò phù hợp. Ví dụ, de Jong chơi hay nhất khi đá tiền vệ lệch phải nhưng ở Barcelona anh lại được xếp đá ở trung tâm”.

“Griezmann là ông chủ ở Atletico Madrid và tuyển Pháp nhưng khi chơi cho đội bóng có Messi thì anh phải hi sinh nhiều. Thậm chí, Griezmann không giỏi chơi lệch trái nhưng Barcelona lại đẩy anh vào vị trí đó. Felix sở trường chơi tiền đạo cánh nhưng HLV Diego Simeone lại xếp anh đá trong sơ đồ 2 tiền đạo cắm”, ông Tùng phân tích.

Vẫn sẽ có những bom tấn trong hè này?

Từ thực tế đang diễn ra, bình luận viên Ngô Quang Tùng dự đoán, sẽ có nhiều cầu thủ thuộc nhóm hợp đồng đắt nhất ở mùa giải năm nay sẽ phải ra đi. De Ligt hay Griezmann là hai ứng viên hàng đầu. Theo ông Tùng, cũng bởi sức ép quá lớn từ các CLB nên cầu thủ không có nhiều thời gian để thích nghi với môi trường mới.

“Không phải cầu thủ nào cũng hòa nhập nhanh khi chuyển CLB. Nhưng các CLB không thể bỏ ra cả núi tiền để đưa về các bản hợp đồng cần thời gian dài để tỏa sáng. Họ cần sự thành công ngay lập tức, bằng không họ buộc phải tính toán lại, bất chấp những cái tên mua về đều tài năng và tên tuổi”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, không phải vì những bản hợp đồng kém thành công mà bóng đá châu Âu sẽ ít bom tấn chuyển nhượng trong tương lai. “Các đội bóng lớn luôn cần cầu thủ lớn để đảm bảo chuyên môn cũng như sức hút với người hâm mộ. Đó là lý do sau khi Neymar ra đi, Barcelona đã liên tục tuyển quân ở vị trí của anh này để lại, mà toàn là cầu thủ đắt giá. Real Madrid cũng vậy, họ bán Ronaldo và cần một cầu thủ đảm nhận vai trò tiền đạo Bồ Đào Nha để lại. Rồi Atletico Madrid sau khi để Griezmann sang Barcelona thì phải sắm Felix… Tất cả tạo nên một dòng chảy không ngừng”, ông Tùng dẫn chứng.

Tờ Telegraph đưa ra một quan điểm khác, họ tin rằng các CLB lớn đôi khi vì con gà tức nhau tiếng gáy mà thực hiện các thương vụ mua bán đình đám. “Liverpool phá kỷ lục của Man City để mua Van Dijk (75 triệu bảng) rồi MU lại phá kỷ lục của Liverpool để mua Harry Maguire (85 triệu bảng). Real Madrid sắm Hazard 130 triệu bảng thì Barcelona cũng không ngồi yên, họ thực hiện thương vụ mua Griezmann (108 triệu bảng) sau đó không lâu. Cuộc chạy đua giữa các ông lớn khiến giá trị cầu thủ được đẩy lên cao, đôi thi vượt xa giá trị thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cầu thủ bị áp lực, khó thành công”.

Tờ Marca (Tây Ban Nha) cho rằng, các cầu thủ lớn đã được “nuông chiều”, qua đó trở nên thiếu sự quyết tâm, mạnh mẽ để tỏa sáng ở môi trường mới. “Hãy nhìn gương mặt của Griezmann mỗi lần ra sân, anh ta không cho thấy một chút máu lửa nào. Hazard cũng chưa đủ mạnh mẽ để bứt lên khẳng định giá trị giữa dàn sao Real Madrid. Về cơ bản, những đội bóng lớn đều rất phức tạp cả trong lẫn ngoài sân cỏ, nếu cầu thủ mới tới không thể chứng minh mình đặc biệt, mình duy nhất và có một tinh thần thép thì rất khó tỏa sáng. Hãy nhìn gương Cristiano Ronaldo, anh ấy luôn ra sân cùng tâm thế người giỏi nhất”, tờ Marca nhận xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.