Nhiều bí mật được hé lộ lần đầu về cuộc sống và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp |
Bộ phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp" được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt ngày18/5 đã hé lộ nhiều tài liệu về Người trong thời kỳ ở Pháp từ năm 1919 - 1923. Đây là giai đoạn hoạt động cách mạng sôi nổi nhất của Nguyễn Ái Quốc trong hoàn cảnh bị cảnh sát, mật thám Pháp theo dõi vô cùng gắt gao.
Theo bộ phim cho biết, ngày 18/6/1919, báo Người nhân đạo đăng tải bài viết "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" gửi tới Hội nghị Hòa bình ở Vecxai với tên tác giả là Nguyễn Ái Quốc đã gây xôn xao dư luận. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đưa ra vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi những quyền cơ bản, chính đáng cho Việt Nam. Nhà sử học Pháp Daniel Héméry đánh giá đây là bản tuyên ngôn hiện đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Bản yêu sách hoàn toàn ôn hòa, chỉ để đòi quyền chính trị, dân chủ.
Theo đó, đã có 6.000 bản in yêu sách được in bằng tiền của Nguyễn Ái Quốc. Nhà sử học Alain Ruscio cho biết, khi bản yêu sách được công bố, cảnh sát đã điều tra để xác định nhân thân của người thanh niên bí ẩn này. Ngày 5/7/1919, Bộ trưởng Bộ thuộc địa đã gửi thư tới cảnh sát trưởng Paris để truyền đạt yêu cầu của Tổng thống về việc xác định thông tin về người thanh niên có bút danh Nguyễn Ái Quốc.
Từ 1919 – 1923, nhất cử nhất động của Nguyễn Ái Quốc đều được ghi chép lại. Các tài liệu về ông đều được lưu giữ cẩn trọng. Mật báo ngày 17/11/1919 cho biết, Nguyễn Ái Quốc nêu lý do tới Pháp và khẳng định không có lý do gì để chống lại nước Pháp. Dù đã nắm được thông tin là lý do Nguyễn Ái Quốc tới Pháp, nhưng cảnh sát vẫn phải triệu tập nhiều lần để tìm hiểu thân phận thật của ông.
Ông Nguyễn Ái Quốc tới trụ sở Bộ thuộc địa để đối thoại với Toàn quyền Đông Dương Anbe Saro (Ảnh trong bộ phim tài liệu) |
Bản tường trình của ông viết: “Tôi tên là Nguyễn Ái Quốc, tôi tới Pháp hơn 1 năm nay. Tháng 8 năm ngoái, tôi chuyển tới nhà luật sư Phan Văn Trường tại số 6 Villa des Gobelin. Tôi đã sống tiết kiệm ở đây trong 3 tháng và làm công việc sửa ảnh tới tháng 7 năm ngoái. Sau đó, tôi làm công việc vẽ thuê đồ giả công mỹ nghệ Trung Hoa. Từ ngày 10, tôi không làm gì cả. Tôi chưa bao giờ đi lính”.
Toàn quyền Đông Dương Anbe Saro đã trực tiếp mời Nguyễn Ái Quốc tới trụ sở Bộ thuộc địa để đối thoại và thẩm vấn. Từ năm 1919 – 1923, đã diễn ra ba cuộc đối thoại trực tiếp giữa Nguyễn Ái Quốc và Anbe Saro. Trong những cuộc đối thoại này, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu trả lại thuộc địa cho Việt Nam và nói “Tôi muốn độc lập”.
Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã công khai chỉ trích chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trên các diễn đàn báo chí. Từ đây, việc kiểm soát ông càng siết chặt hơn. Nguyễn Ái Quốc cũng biết mình bị theo dõi. Trong một bài báo, ông cũng không ngại phê phán việc theo dõi người An Nam của đất nước này.
Báo cáo ngày 6/2/1920 miêu tả cuộc sống khó khăn của Nguyễn Ái Quốc. Ông đã dùng bữa tối chỉ với mẩu bánh mỳ và một chút sữa. Công việc vẽ tranh không kiếm được bao nhiêu nên cuộc sống khó khăn hơn. Căn phòng của ông có không gian chật hẹp, phải dùng chung nhà vệ sinh công cộng, không lò sưởi, và chỉ có nước lạnh vào mùa đông. Cuộc sống cam khổ khiến Nguyễn Ái Quốc phải nhập viện, nhưng ông vẫn không thoát khỏi do thám.
Nhiều trang hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Pháp nhận định, từ một thanh niên không có hành động đáng lưu tâm, Nguyễn Ái Quốc được định danh là nhân vật nguy hiểm số 1 với nền thống trị của đế quốc. Mật thám đã lợi dụng lúc Nguyễn Ái Quốc vắng nhà đã dùng mọi biện pháp vào lục soát, lấy trộm tài liệu, giấy tờ và những ghi chép cá nhân. Chính quyền cũng giữ lại các giấy tờ của ông, trong đó có thẻ căn cước, biến Nguyễn Ái Quốc trở thành người sinh sống bất hợp pháp tại Pháp. Chính phủ Pháp đã có ý định bắt giữ Nguyễn Ái Quốc đưa về An Nam nhưng sau đó bác bỏ ý định vì lo ngại vấn đề chính trị tại đây sẽ trở nên phức tạp hơn.
Vượt qua nhiều khó khăn, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử nước Pháp. Ông Jean Pierre Brad – nguyên Thị trưởng Thành phố Montreuil chia sẻ: "Hồ Chí Minh không thuộc về riêng Việt Nam. Ông ấy thuộc về nhân loại trên toàn thế giới".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận