An ninh hình sự

Hé lộ những chiêu trò "ăn bẩn" của vợ chồng đại gia khét tiếng Thái Bình

15/04/2020, 10:30

Ngoài việc bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, vợ chồng đại gia Đường Dương đang bị điều tra các hoạt động liên quan đến "xã hội đen".

img
Vợ chồng đại gia khét tiếng quê lúa Đường Dương

Chiều tối 14/4, Văn phòng Chính phủ phát thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường Nhuệ, tức Nguyễn Xuân Đường.

Theo đó, đối tượng Đường Nhuệ, tức Nguyễn Xuân Đường, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình cùng đồng phạm có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến ANTT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Liên quan đến vụ án này, PV Báo Giao thông đã tìm hiểu các thông tin xoay quanh nội dung nêu trên để tạm khắc họa chân dung của vợ chồng đại gia khét tiếng quê lúa với những chiêu trò “ăn bẩn” và làm giàu bất chính.

Một trong những vụ việc gây đình đám tại Thái Bình liên quan đến vợ chồng Đường Dương xảy ra vào năm 2017.

img
Khu nhà xưởng của công ty TNHH Lâm Quyết nơi xảy ra vụ Đường Nhuệ cho đàn em chiếm giữ trong 15 ngày

Khi đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình là chủ của Công ty TNHH Lâm Quyết có vay số tiền 1,7 tỷ đồng của Đường Nhuệ. Tuy nhiên đến thời hạn, gia đình ông Lẫm chưa có tiền trả.

Đầu tháng 10/2017, khi ông bà Lâm Quyết không có mặt ở Thái Bình, Đường đã cho đám đàn em đến chiếm giữ công ty, liên tục gọi điện đe dọa và yêu cầu phải bán lại công ty cho hắn. Phải đến ngày 19/10/2017, sau khi ông Lẫm có đơn tố cáo, “cầu cứu” Công an TP Thái Bình, Đường Nhuệ mới ra lệnh cho nhóm đàn em rút quân. “Nhiều tài liệu quan trọng của công ty, giấy xác nhận trả tiền nợ của gia đình đều biến mất một cách bí ẩn”, anh Nguyễn Văn Hà, con trai của ông Lẫm cho biết.

Không dừng lại ở hoạt động cho vay nặng lãi, sử dụng “xã hội đen” trong việc đấu giá đất như Báo Giao thông đã phản ánh trước đây, nhiều người dân Thái Bình đều biết nhưng không ai dám nói về hoạt động “thu phế” xe tang. Bởi họ e sợ trước sự hung hãn, manh động của đám tay chân dưới trướng Đường Nhuệ.

img
Ngôi nhà 7 tầng ở phường Kỳ Bá, TP Thái Bình là nơi điều hành mọi hoạt động của vợ chồng đại gia Đường Dương

Theo tìm hiểu, năm 2017, tại Thái Bình chưa có dịch vụ hỏa táng. Người dân có nhu cầu sẽ phải sang các tỉnh, thành phố lân cận để lo hậu sự cho người thân. Đa số đều lựa chọn sang tỉnh Nam Định để đặt dịch vụ vì khoảng cách địa lý gần nhất. Khi ấy, ở Thái Bình có 23 văn phòng đại diện của các công ty dịch vụ mai táng. Nhìn thấy “miếng bánh” màu mỡ, Đường Nhuệ đã chỉ đạo đàn em mời tất cả các đại diện công ty, văn phòng họp để thâu tóm hoạt động và ra quy định về “tiền phế” phải nộp cho mỗi trường hợp hỏa táng.

Đại diện văn phòng Công ty Vĩnh Hằng cho biết, tại cuộc họp, Đường yêu cầu các đại diện phải ký vào văn bản “liên doanh” theo kiểu “hiệp hội”. Theo đó, mỗi trường hợp đưa đi hỏa táng phải đóng “tiền phế” cho Đường Nhuệ số tiền 500.000 đồng. Nếu ai không đồng ý sẽ bị dằn mặt ngay tức khắc bằng hình thức chặn xe tang, đập phá văn phòng, đập vỡ cửa kính xe ô tô… Vì thế lực của Đường Nhuệ quá lớn nên hầu hết các công ty đều phải chấp thuận theo “luật riêng” mà hắn đưa ra.

Việc vợ chồng đại gia Đường Dương “làm mưa, làm gió”, phô trương thanh thế với những hoạt động phi pháp theo kiểu “xã hội đen” đã tồn tại nhiều năm nhưng không bị xử lý khiến người dân ở Thái Bình đặt câu hỏi: đằng sau đó có hay không sự “bảo kê ngầm”?

Trả lời câu hỏi này, chiều 14/4, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Thái Bình là giao cho công an tập trung xử lý nghiêm mọi vấn đề liên quan đến sai phạm của Đường Nhuệ. Đồng thời xem xét tất cả các vụ việc có liên quan trước đây. Hiện Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

img
Ngoài việc bị khởi tố về tội "cố ý gây thương tích", vợ chồng Đường Dương đang bị điều tra về các hoạt động liên quan đến "xã hội đen"

Trước đó, ngày 13/4, trả lời phỏng vấn của PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình khẳng định không có việc “tiếp tay” trong các cuộc đấu giá đất đối với vợ chồng đại gia BĐS Đường Dương do đơn vị tổ chức. Từ trước đến nay, các quy trình tổ chức đấu giá được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, ngoài Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thì còn có hơn 10 trung tâm đấu giá khác đang hoạt động trên địa bản tỉnh. Qua rà soát, Công ty BĐS Đường Dương chưa tham gia trực tiếp bất kỳ cuộc đấu giá đất nào. Cá nhân bà Dương và ông Đường thì có tham gia một vài dự án do đơn vị tổ chức nhưng số lượng không nhiều và đều trả giá cao để trúng đấu thầu giá đất. Còn việc tại sao vợ chồng đại gia quê lúa lại có trong tay hàng chục lô đất tại các dự án khu dân cư thì đơn vị không rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.