250.000 người chen chúc tại sự kiện
Chiều 3/7, giới chức địa phương cập nhật thông tin cho biết, đã có ít nhất 121 người thiệt mạng trong thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng xảy ra vào chiều ngày 2/7 tại sự kiện tôn giáo ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
Theo giới chức, tình trạng quá tải, tổ chức kém và điều kiện thời tiết xấu, trơn trượt là những yếu tố khiến sự việc này trở thành thảm kịch kinh hoàng.
Dựa trên báo cáo điều tra ban đầu của lực lượng chức năng, giới chuyên gia cho rằng ban tổ chức sự kiện này đã vi phạm tiêu chuẩn an toàn.
Hàng trăm thân nhân tập trung tại các bệnh viện địa phương, than khóc đau đớn khi nhìn thấy những người thân yêu đã qua đời, được đặt trên cáng và phủ khăn trắng trên sân ngoài bệnh viện. (Ảnh: AP)
"Họ chỉ dựng lán tạm bợ và không có lối thoát hiểm. Thông thường, cần có 8 đến 10 lối thoát hiểm được đánh dấu rõ ràng và mở ra khu vực rộng", Sanjay Srivastava, chuyên gia quản lý thảm họa cho biết.
Hơn nữa, ban tổ chức sự kiện xin cấp phép tổ chức sự kiện với quy mô 80.000 người nhưng thực tế đã có tới 250.000 tham dự.
Sự kiện cầu nguyện tôn kính thần Shiva tại ngôi làng ở Hathras do tổ chức Sri Jagar Guru Baba thực hiện và chuẩn bị suốt hai tuần qua, có sự tham gia của một giáo sĩ nổi tiếng được người dân mệnh danh là Bhole Baba.
Rất đông tín đồ từ khắp bang Uttar Pradesh đã đổ về ngôi làng nhỏ. Xe cộ đỗ trải dài 3km suốt trục đường dẫn vào nơi tổ chức sự kiện.
Đám đông đã chen nhau, xô đẩy về phía nhà thuyết giáo với mong muốn được chạm vào ông khi nhà thuyết giáo bước xuống sân khấu, gây ra tình cảnh hỗn loạn.
Theo báo cáo sơ bộ của cảnh sát, đã có ít nhất hàng nghìn người đã chen lấn về phía lối ra. Tại đây, nhiều người trượt chân ngã do nền đất lầy lội, sau đó bị đám đông giẫm đạp lên nhau. Phần lớn người người thiệt mạng là phụ nữ.
Các nhà chức trách đang điều tra vụ việc và truy tìm giáo sĩ Bhole Baba, cùng các bên liên quan tham gia tổ chức sự kiện này.
Tiếng khóc xé lòng, thi thể nằm la liệt
Kể từ khi sự việc đau lòng xảy ra, hàng trăm thân nhân đã tập trung tại các bệnh viện địa phương, than khóc đau đớn khi nhìn thấy người thân qua đời, được đặt trên cáng và phủ khăn trắng trên sân ngoài bệnh viện. Xe buýt và xe tải lần lượt chở hàng chục nạn nhân đến nhà xác.
"Tiếng la hét xé lòng vang lên. Nhà thuyết giáo ấy đã lên ô tô rồi bỏ đi, trong khi các tín đồ của ông ấy ở đây ngã xuống, giẫm đạp lên nhau, thậm chí nhiều người còn rơi xuống nước", ông Sonu Kumar, cư dân địa phương tham gia vận chuyển thi thể các nạn nhân xấu số sau thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng, chia sẻ.
Bước ra khỏi nhà xác vào ngày 3/7, ông Binod Sokhna khóc nức nở khi biết tin mẹ, con gái và vợ anh đã không qua khỏi.
"Con trai tôi gọi cho tôi và nói bố ơi, mẹ mất rồi, đến đây ngay. Cả mẹ, vợ và con gái tôi đều qua đời rồi", người đàn ông nói trong nước mắt.
Thảm kịch giẫm đạp thường xảy ra tại các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ khi đám đông ùn ùn đổ về sự kiện trong khi nơi tổ chức lại chật hẹp, cơ sở hạ tầng tạm bợ và thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn.
Trước đó, trong lễ hành hương đến một ngôi đền thờ Hindu tại bang Madhya Pradesh năm 2013, đám đông đã giẫm đạp lên nhau khi tháo chạy khỏi cầu do lo bị sập. Vụ việc đã khiến ít nhất 115 người thiệt mạng do bị giẫm đạp hoặc chết đuối trên sông.
Vào năm 2011, hơn 100 tín đồ Hindu đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại lễ hội tôn giáo ở bang Kerala phía nam Ấn Độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận