Y tế

Hệ lụy khi đánh đổi mọi thứ để có con nối dõi

23/07/2023, 06:30

Tâm lý phải có bằng được con trai vẫn phổ biến trong nhiều gia đình, khiến tình trạng chênh lệch giới tính ngày càng cao, để lại nhiều hệ lụy.

Báo động dư thừa nam giới

Với hi vọng có con trai, nhiều cặp vợ chồng làm mọi cách, từ canh trứng, sử dụng các loại thực phẩm để tăng môi trường kiềm thời kỳ rụng trứng, can thiệp hỗ trợ sinh sản lọc rửa tinh trùng đến lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm sàng lọc phôi.

Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng tìm mọi cách để có bằng được một mụn con trai, bất chấp có thể phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người mẹ.

img

Mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai sẽ tác động tới nhiều yếu tố kinh tế, xã hội.

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 chia sẻ, hằng tuần, tại đây vẫn tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám và xin tư vấn để đẻ được con trai.

Gần đây nhất, một cặp vợ chồng trú tại quận Tân Bình, vốn đã có ba con gái, người vợ đã 43 tuổi nhưng họ vẫn quyết xin đẻ và mong muốn con trai. Dù được tư vấn tỷ lệ thành công khi mang thai ở tuổi 43 là thấp, có con trai càng thấp hơn nhưng họ vẫn muốn cố thêm lần nữa và lựa chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Bác sĩ sản khoa Cao Hữu Thịnh (phòng khám sản tại TP.HCM) cho hay, ông cũng gặp tình huống dở khóc dở cười khi bệnh nhân bày tỏ ý định nhất quyết phải sinh con trai. Đó là nữ bệnh nhân tên L.M.H (40 tuổi, công nhân ở Bình Dương). Người này cũng đã có ba cô con gái, nhưng vì chồng là con độc đinh nên nếu không đẻ con trai, chồng sẽ bỏ.

“Dù xã hội tiến bộ bao nhiêu thì trong tư tưởng nhiều gia đình vẫn còn áp lực sinh con trai. Và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ, thậm chí đánh đổi sức khỏe rất nhiều.

Tôi đã chứng kiến không ít bệnh nhân có vết mổ cũ 2-3 lần, tiền căn sản khoa xấu, vẫn quyết tâm mang thai và sinh con tiếp, để chạy theo một mục đích cuối cùng là có con nối dõi. Điều đáng nói, hiện nhiều cặp vợ chồng trẻ đã lên kế hoạch đẻ một con và họ muốn có con trai ngay trong lần sinh đầu tiên”, BS Thịnh chia sẻ.

Lách luật lựa chọn giới tính thai nhi

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và có thể lên tới 4,3 triệu vào năm 2050 nếu không giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mặc dù, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn lách bằng hình thức xét nghiệm phôi khi chủ động chọn thụ tinh ống nghiệm.

Trên cộng đồng nhóm hỗ trợ sinh sản, nhiều cặp vợ chồng khoe họ đã làm thụ tinh trong ống nghiệm và đăng ký xét nghiệm sàng lọc phôi (loại trừ các bệnh lý do gene) để biết trước con trai hay con gái.

Chia sẻ kinh nghiệm, anh Nguyễn Văn B (44 tuổi, Thái Bình) cho hay, vợ chồng anh đã có một cô con gái. Hiện, vợ anh bị vô sinh thứ phát nên khi can thiệp sinh sản được ba phôi, hai vợ chồng anh đã làm sàng lọc phôi ở ngày thứ 3 với chi phí hơn 18 triệu đồng/phôi. Qua sàng lọc, anh B và vợ biết mình có 2 phôi trai, 1 phôi là con gái.

Không chỉ những bệnh nhân này tự chia sẻ cách làm thế nào để có con trai khi can thiệp sinh sản, nhiều cơ sở y tế làm hỗ trợ sinh sản cũng quảng cáo “sinh con như ý, sinh đôi Long - Phượng” (bé trai - bé gái).

Một bác sĩ chuyên khoa về hiếm muộn tại Hà Nội thừa nhận, phòng khám của anh có thể khẳng định sinh con được như ý muốn. Vì nhạy cảm, nên chỉ hướng dẫn đăng ký làm hồ sơ hỗ trợ sinh sản tại phòng khám và khi chọc trứng thì vào bệnh viện. Trộn phôi trong ống nghiệm ở ngày thứ 3 sẽ làm sàng lọc 23 cặp nhiễm sắc thể để loại trừ các bệnh do gene. Qua xét nghiệm này, bác sĩ cũng nhìn rõ phôi thai này là con trai hay con gái để chiều theo ý của người bệnh.

Cần truyền thông mạnh mẽ

Trước thực tế trên, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia về dân số tại Việt Nam nhận định, mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai sẽ tác động tới nhiều yếu tố kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tương lai nam giới Việt sẽ phải xuất cảnh tìm vợ. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Về mặt sức khỏe, nó sẽ làm gia tăng mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Bởi việc thừa nam, thiếu nữ khiến nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn. Vì vậy, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm khó kiểm soát.

“Để giải quyết, cần truyền thông mạnh mẽ về bình đẳng giới, siết chặt hơn Pháp lệnh Dân số cấm chẩn đoán giới tính thai nhi cả ở cơ sở y tế để tránh hiện tượng chọn con trai, con gái”, ông Cử nói.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, để hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh cần thực hiện nhiều giải pháp như tiếp tục tuyên truyền tới người dân; nâng cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế.

Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lạm dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán giới tính thai nhi, can thiệp lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Trong khi đó, BS Cao Hữu Thịnh cho rằng, hiện xu hướng sinh ít con nên nhiều người muốn có con trai, do vậy thay đổi quan niệm trọng nam, khinh nữ rất quan trọng.

Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng.

Số liệu mới nhất năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh là 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Hiện, cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỉ số giới tính khi sinh cao hơn mức trung bình cả nước, như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.