Sau khi dịch Covid-19 tạm “hạ nhiệt”, nhiều bệnh nhân đến thăm khám trong tình trạng bệnh mạn tính trở nặng.
Không ít ca bệnh ung thư chuyển sang giai đoạn cuối, không thể can thiệp điều trị.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh nhận đừng nên chậm trễ đi tái khám nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời
Bỏ tái khám định kỳ, bệnh tiến triển nặng
Tự sờ thấy có u ở vú phải, cách đây chừng 6 tháng, chị V.T.O. (45 tuổi, quê ở Hải Dương) quyết định đi khám tại Bệnh viện K.
Tại đây, chị được chẩn đoán ung thư vú phải di căn hạch nách phải. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, chị O. đã trì hoãn không điều trị bệnh này.
Đến khi dịch vãn, chị O. thấy u vú phải, vùng nách phải sưng to nhiều, đau lan ra cả cột sống nên tìm đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, chị O. được xác định ung thư vú tiến triển, khối u vú to lên về kích thước, hạch nách lớn nhanh và có tổn thương di căn xương (di căn xa). Bệnh đã chuyển sang giai đoạn IV (giai đoạn cuối).
Trường hợp tương tự chị O. được ghi nhận rất nhiều trong thời gian gần đây, sau khi dịch Covid-19 dần “hạ nhiệt”.
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS.BS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, so với thời điểm trước đây, lượng nhóm bệnh nhân ung thư tới thăm khám khi đã ở giai đoạn muộn tăng cao hơn.
“Có trường hợp bệnh nhân rất trẻ, vốn có nền viêm gan B, nhưng chủ quan bỏ qua điều trị. Chỉ đến khi thấy đau tức hạ sườn phải đến mức không chịu đựng được, mới tới thăm khám.
Đáng tiếc, đã quá muộn, toàn bộ gan ung thư thâm nhiễm lan tỏa. Chỉ sau hai tuần đã chuyển vàng da, tắc mật và vài tuần sau tử vong. Phát hiện muộn, bệnh tiến triển nhanh, đặc biệt gặp ở người trẻ”, BS. Phương cho biết thêm.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM gần đây cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đã điều trị bệnh mạn tính ổn định nhưng sau thời gian dịch bệnh Covid-19, khi quay lại tái khám thì tình trạng lại khó kiểm soát, tiến triển nặng.
Điển hình như trường hợp chị P.T.D. (33 tuổi, trú tại quận 12), vốn bị viêm mạch hoại tử, điều trị ổn định suốt 5 năm nay. Bệnh nhân được chỉ định tái khám mỗi tháng để theo dõi.
Sau gần nửa năm không thăm khám, mới đây, chị D. đến viện trong tình trạng các vết loét hoại tử xuất hiện nhiều, rải rác từng mảng to như bàn tay ở vị trí cẳng chân, lưng và bàn chân.
Theo lời bệnh nhân, thời gian qua do mắc Covid-19, đã không quan tâm tới bệnh viêm mạch hoại tử khiến bệnh nặng trở lại.
Tương tự, chị Đ.T.V. (43 tuổi, trú tại quận 7) vốn đang theo dõi bệnh lupus ban đỏ hệ thống có biến chứng suy thận.
Cũng vài tháng vì dịch bệnh không đến viện định kỳ, chị V. quay lại tái khám trong tình trạng mệt mỏi, sưng phù hai bàn chân, những mảng ban đỏ thương tổn rải rác toàn thân.
Đừng chậm đến bệnh viện
BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, trong quá trình tư vấn F0 đã gặp nhiều trường hợp bệnh mạn tính đang ổn định bỗng trở nặng khi bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nhiều bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ, vốn đã được phát hiện viêm gan B nhưng chậm trễ trong sàng lọc và chần chừ điều trị trong giai đoạn dịch nên khi đến bệnh viện đã chuyển sang sơ gan và ung thư gan…
Hoặc có bệnh nhân ung thư theo hẹn 3 tháng khám lại nhằm phát hiện tổn thương di căn, tuy nhiên tâm lý lo ngại dịch bệnh khiến bệnh nhân bỏ qua. Hậu quả là ung thư di căn nặng nề khiến việc điều trị không còn hiệu quả.
BS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai
Nguyên nhân, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch... thường có chế độ ăn uống riêng biệt và dùng thuốc lâu dài.
Nhưng trong thời gian nhiễm bệnh, bệnh nhân sợ dịch bệnh mà tự ý dừng thuốc đang điều trị; ăn uống các loại thực phẩm kiêng kỵ chỉ vì mục đích ngăn ngừa bệnh, cải thiện khả năng miễn dịch nên đã làm tăng nguy cơ tái phát các bệnh mạn tính.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân ngại dịch bệnh một cách thái quá khiến lỡ “thời điểm vàng” để phát hiện và điều trị bệnh, để lại hệ lụy đáng tiếc.
Chính vì vậy, BS. Khanh khuyến cáo, với những người có bệnh mạn tính, dù mắc Covid-19 vẫn phải duy trì thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám, kịp thời điều trị.
“Mọi người giờ đây chỉ nghĩ tới hậu Covid-19 mà quên mất rằng còn rất nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn, rất cần được tầm soát và phát hiện để can thiệp sớm”, BS. Khanh cho biết.
Còn theo BS. Phương, với bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính, nhất là với bệnh nhân đang điều trị ung thư, việc thực hiện đúng lịch tái khám theo hẹn của bác sĩ điều trị vô cùng quan trọng.
Các bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, từ đó có chỉ định về phác đồ điều trị phù hợp, tránh để tình trạng phát hiện muộn dẫn đến tiên lượng xấu, chi phí điều trị cao mà hiệu quả điều trị thấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận