Dùng kem đúng cách, mặc áo chống nắng giúp cản tia UV - Ảnh: Tạ Tôn |
Theo chuyên gia da liễu, không nhất thiết phải dùng kem chống nắng, chỉ cần che chắn bằng khăn, mũ, áo cũng mang lại hiệu quả không kém.
Bỏng rát vì bị kích ứng kem chống nắng
Chị Nguyễn Thị Y. buộc phải tìm đến bác sĩ da liễu khám vì sau 4 ngày sử dụng với tần suất liên tục kem chống nắng, khuôn mặt chị xuất hiện dấu hiệu ngứa, nổi mẩn, thậm chí có cả cảm giác bỏng rát. Sau thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị nhiễm trùng da do lạm dụng kem chống nắng và dùng loại kem không tương thích với da. Theo chị Y., bình thường chị bôi kem chống nắng 2 lần/ngày, tuy nhiên, mấy ngày nghỉ lễ vừa qua, gia đình cùng nhau đi biển nên tần suất tăng lên 2 tiếng/lần. “Loại kem chống nắng này cũng đã được tôi sử dụng hè năm trước, không ngờ, năm nay dùng lại bị kích ứng da thế này”, chị Y. cho hay.
Còn chị Minh H. cứ đến hè lại lao đao đi tìm kem chống nắng phù hợp với làn da nhạy cảm của mình. Từ loại rẻ đến đắt tiền đều được chị thử cả mà lần nào bôi kem chỉ được 1 tuần là da mặt lại mẩn ngứa, hình thành các mảng đỏ. Có lần mất gần 1 tháng mới phục hồi hoàn toàn làn da cũ. Cũng chính vì lẽ đó, nên chị thường từ chối tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhất là trong những ngày hè.
Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thành, những người có cơ địa nhạy cảm, da thường hay nổi mẩn hoặc mụn trứng cá rất dễ bị kích ứng da khi dùng kem chống nắng, thậm chí có thể dẫn đến viêm da và nhiễm trùng. Hơn nữa, hiện phần lớn chị em vẫn thường dùng kem chống nắng sai cách, dùng kem chất lượng kém hoặc tự điều trị sau khi bị dị ứng kem chống nắng khiến các bệnh lý sẵn có của da nặng thêm.
Các chuyên gia da liễu cũng khuyến cáo vùng da mặt và cổ là những nơi dễ bị tổn thương hơn những phần da khác trên cơ thể, vì vậy, cần chọn kem chống nắng phù hợp với da. Không nên sử dụng các sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao, sẽ khiến những chất hóa học trong sản phẩm kết hợp với mồ hôi gây tác dụng phụ như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn... Sau khi dùng kem chống nắng, cần vệ sinh da sạch sẽ và trước khi dùng kem phải đảm bảo da được sạch.
Dùng kem chống nắng sao cho đúng?
Theo BS. TS. Da liễu Lê Anh Tuấn (Đại học Jutendo, Tokyo, Nhật Bản), kem chống nắng, nói về bản chất chính xác là kem chống tia cực tím (UV) vì chỉ có tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời (phổ 280 - 400nm) là gây đen, lão hóa và ung thư da. Các loại kem chống nắng có chỉ số SPF (chỉ số bảo vệ) khác nhau, theo nguyên tắc chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời càng cao, ví dụ SPF 30 có nghĩa là khi bôi kem thì hiệu quả bảo vệ giảm đỏ da gấp 30 lần so với không bôi trong cùng một thời gian tiếp xúc với ánh nắng. BS. Tuấn lưu ý, ở các nước nhiệt đới nếu bôi kem có SPF nhỏ hơn 30 sẽ không hiệu quả.
Cũng theo BS. Lê Anh Tuấn, dùng kem chống nắng như thế nào cho đúng là điều mọi người từ trước đến nay không để ý và hầu hết đều dùng sai cách. Các nhà khoa học đã tính rằng, lượng kem cần để bôi 1 lần đủ cho mặt, cổ, hai tay và hai cẳng chân khoảng 28 gram, sau 2 - 3 giờ kem sẽ hấp thu hết vào da nên phải bôi nhắc lại. Như vậy, lượng kem đủ bôi cho vùng mặt mỗi lần cần 3 -5gram. Bôi kem chống nắng phải bôi dày, bết, bôi mỏng sẽ không có tác dụng bảo vệ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS. Tuấn, dùng kem chống nắng không phải là giải pháp duy nhất giúp cản tia UV. Có một cách chống nắng hiệu quả vừa rẻ tiền vừa tiện lợi đó là chống nắng bằng các phương pháp bảo vệ vật lý như đội mũ, che ô, bịt mặt, quần áo chống nắng... “Do khả năng xuyên thấu của tia UV rất kém nên hiệu quả của các phương pháp vật lý này rất cao. Ngay với các xe ô tô đã dán phim chống UV rồi thì cũng rất yên tâm, loại phim tốt cản tới 99% tia cực tím mặc dù ánh nắng vẫn xuyên qua”, ông Tuấn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận