Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT - HNX) vừa chốt thời gian tổ chức ĐHĐCĐ 2024 vào ngày 31/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Đầu năm 2024, HUT cũng thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực ô tô sau khi đổi tên SVC Holdings thành Tasco Auto.
Chính vì lý do đó, kỳ đại hội lần này được cổ đông kỳ vọng sẽ hé lộ rõ hơn về tham vọng kinh doanh xe hơi của Tasco dưới thời Chủ tịch Vũ Đình Độ.
Nhìn về cách đây 3 năm, ít ai có thể nghĩ rằng một ông lớn trong ngành xây dựng – giao thông lại có thay đổi nhanh đến vậy sau khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực phân phối ô tô hay bất động sản, nghỉ dưỡng.
Sự xuất hiện của nhóm chủ mới
Được thành lập từ năm 1971, với tiền thân là đội cầu Nam Hà, sau đó công ty chính thức được thành lập ngày 27/3/1976 với tên gọi là Công ty Cầu Hà Nam Ninh.
Tháng 11/2000, doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần và mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Cơ sở Hạ tầng Nam Định.
Năm 2007, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tasco. Sau nhiều lần thay đổi cơ cấu, Chủ tịch Tasco khi đó là ông Phạm Quang Dũng vẫn là cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất.
Chủ tịch Phạm Quang Dũng được biết đến là "ông trùm BOT" và từng được giới thiệu là doanh nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua những ngày tháng khó khăn để rồi đưa Tasco trở thành một trong những doanh nghiệp tên tuổi.
HUT là một trong những ông lớn về đầu tư dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Có thể kể đến các dự án BOT quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình; BOT 39, Thái Bình; BOT Lê Đức Thọ, Hà Nội; BOT Hải Phòng; cải tạo BOT Đông Hưng, Thái Bình…
Dù vậy, vào tháng 10/2021, ông Dũng đã chính thức rời ghế Chủ tịch và chỉ đồng hành với vai trò một cổ đông lớn và là thành viên quan trọng trong Ban cố vấn chiến lược cấp cao của Tasco.
Thay thế ông Dũng là ông Hồ Việt Hà, khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT DNP Water - công ty thành viên của DNP Holding. Tuy nhiên, vào tháng 6/2021, "thượng tầng" của Tasco đã dần xuất hiện nhiều nhân sự thuộc nhóm DNP như Tổng giám đốc Nguyễn Huy Tuấn, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thế Minh, Phó tổng giám đốc Phan Thị Thu Thảo…
Ban lãnh đạo của Tasco lúc đó tuyên bố rằng, DNP không phải là cổ đông của HUT. Việc xuất hiện của các thành viên ở một số tổ chức, trong đó có DNP, chỉ mang tính thương hiệu cá nhân.
Mặc dù vậy, tham vọng của nhóm DNP dần thể hiện rõ khi ông Vũ Đình Độ (Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai DNP) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tasco từ tháng 4/2022.
Tasco dưới thời Chủ tịch Vũ Đình Độ: tài sản, doanh thu và nợ tăng, lợi nhuận giảm
Ngay sau đó 1 năm, ông Vũ Đình Độ tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, Savico.
Hậu "thay máu", Tasco cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung đổi mới và kinh doanh với ba trụ cột chính là cơ sở hạ tầng - dịch vụ ô tô, bất động sản và bảo hiểm.
Vào tháng 8/2023, HUT chính thức sở hữu 100% vốn Công ty Cổ phần SVC Holdings và sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Tasco Auto (doanh nghiệp sở hữu 54,07% vốn Savico - SVC).
Thương vụ mua lại này giúp HUT trở thành một trong những nhà phân phối và cung cấp dịch vụ ô tô nội địa lớn nhất, đồng thời sở hữu 86 đại lý trên cả nước.
SVC là nhà phân phối lớn nhất của Toyota (hơn 22% thị phần), Ford (33% thị phần) và Volvo (với 8% thị phần xe sang). Đến nay SVC đang hợp tác đưa 14 hãng xe ra thị trường, chiếm 13,5% thị phần.
Kết thúc năm 2023, SVC ghi nhận doanh thu 20.852 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2%. Dù vậy, lợi nhuận của SVC lại chạm đáy với 44,4 tỷ trong khi năm 2022 lãi hơn 586 tỷ đồng.
Về quý I/2024, Savico dự kiến sản lượng xe sẽ giảm 20-22%, trong khi doanh thu giảm ở mức 16-17%.
Năm nay, Savico đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng ở mức gần 125 tỷ đồng, gần gấp 3 lần cùng kỳ, với mục tiêu sản lượng là 36.595 xe, tăng 6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm SVC Holdings, Tasco cũng đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco.
Theo báo cáo thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2021, công ty bảo hiểm phi nhân thọ này không ghi nhận doanh thu trong năm 2020 và 2021, đồng thời chi phí bồi thường/trả tiền bảo hiểm lần lượt chỉ 6 triệu đồng và 326 triệu đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 295 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 287 tỷ đồng.
Liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Tasco, vào tháng 3/2022, doanh nghiệp đã thông qua chủ trương thành lập Tasco Land, một công ty con do Tasco nắm 100% vốn điều lệ. Tasco Land đã đầu tư vào NVT Holdings, công ty mẹ của Công ty Cổ phần Bất động sản Du Lịch Ninh Vân Bay.
Ninh Vân bay đang là chủ một số resort cao cấp như Six Senses Ninh Van Bay, Ana Mandara Đà Lạt. Tasco gián tiếp sở hữu Ninh Vân Bay qua Tasco Land bởi NVT Holdings nắm giữ hơn 94% vốn tại Ninh Vân Bay.
Kết thúc năm 2023, Ninh Vân Bay có vốn chủ sở hữu 538 tỷ đồng, nợ phải trả gần 540 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã báo lãi hơn 35,8 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2022.
Về phần mình, sau hợp nhất Tasco Auto chính thức trở thành công ty con, "ông Trùm" BOT ghi nhận gần 11.000 tỷ doanh thu thuần, tăng tới 11 lần so với năm 2022. Doanh thu từ hoạt động thu phí của Tasco đạt 1.071 tỷ đồng, doanh thu từ bất động sản tăng hơn 4 lần lên 176 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí, Tasco báo lãi hơn 56 tỷ đồng, giảm gần 61% so với năm trước đó.
Cuối kỳ, tổng tài sản của Tasco đã tăng tới 131% lên 26.748 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.701 tỷ đồng, tăng 78%. Hàng tồn kho 2.500 tỷ đồng, chiếm gần 70% là hàng hóa với hơn 1.700 tỷ đồng, cùng chi phí sản xuất, kinh doanh khác.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 1.880 tỷ đồng, gồm một số dự án lớn như Long Hoà - Cần Giờ, Mercure Sơn Trà, Đà Nẵng, dự án 104 Phổ Quang…
Tổng nợ của Tasco tính đến hết năm 2023 còn hơn 15.435 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2022.
"Sức khoẻ" hệ sinh thái DNP ra sao?
Mặc dù kín tiếng hơn Tasco, song quy mô nhóm DNP của Chủ tịch Vũ Đình Độ cũng không hề thua kém với khối tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1976, Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai DNP (Dong Nai Plastic JSC) được tổ chức theo mô hình công ty đầu tư (Investment Holding), gồm nhiều đơn vị thành viên, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là nước sạch và môi trường, vật liệu xây dựng cho giai đoạn hoàn thiện công trình, đồ gia dụng cao cấp và bao bì.
Năm 2004, doanh nghiệp được cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Năm 2006, Nhựa Đồng Nai chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã giao dịch là DNP.
Năm 2012, khi các cổ đông ban đầu của DNP bắt đầu thoái vốn, ông Vũ Đình Độ đã nắm bắt cơ hội và được bầu vào HĐQT. Đến năm 2014, ông Độ giữ chức Tổng giám đốc và một năm sau đó chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT DNP.
Dưới sự "chèo lái" của Chủ tịch Vũ Đình Độ, DNP từ một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu chỉ 84 tỷ đồng nay đã tăng lên hơn 4.658 tỷ đồng.
Hiện tại, DNP đang sở hữu nhiều công ty lớn đầu ngành như DNP Water, Nhựa Đồng Nai, DNP Hawaco, Tân Phú Việt Nam, CTCP CMC… với tổng tài sản lên tới 16.076 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023).
Về tình hình kinh doanh, công ty đóng vai trò cốt lõi là DNP Holding ghi nhận doanh thu 7.769 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 592 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022.
Sau khi trừ các chi phí, DNP Holding báo lãi gần 128 tỷ đồng, tăng trưởng 34,7%.
Cuối năm 2023, tài sản ngắn hạn của DNP tăng 9,2% lên 8.307 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho đạt 1.503 tỷ đồng. Trong kỳ báo cáo, DNP cũng tăng mức đầu tư vào các công ty liên kết lên 837 tỷ đồng, gấp 2,3 lần số đầu năm.
Nợ phải trả của DNP Holding ở mức 11.418 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,6% so với năm 2022.
Bên cạnh DNP Holding, một công ty khác đóng vai trò chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch của Chủ tịch Vũ Đình Độ là DNP Water cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.
DNP Water được thành lập vào năm 2017, chuyên đầu tư sở hữu và vận hành các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch tại Việt Nam.
Công ty có 11 đơn vị thành viên, liên kết với 5 công ty lớn trong ngành và đang triển khai 2 dự án là nhà máy nước Quảng Châu – Quảng Bình (vốn đầu tư 350 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của DNP Water là 43%) và nhà máy nước Sơn Thạnh Khánh Hòa (vốn đầu tư 303 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp của DNP Water là 45%).
Được biết, tổng số vốn đầu tư của Samsung Engineering – thành viên của Tập đoàn Samsung, và Olympus, công ty đầu tư lớn của Mỹ vào DNP Water cũng đã lên tới hơn 60 triệu USD. Trong đó, Samsung Engineering bỏ ra 41 triệu USD để mua lại toàn bộ khoản vay chuyển đổi của IFC, thông qua đó sở hữu 24% vốn chủ sở hữu của DNP Water.
Năm 2023, DNP Water báo lãi 104 tỷ đồng, tăng 181% so với năm 2022. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp hiện ở mức 3.065 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 3.524 tỷ đồng.
Dư nợ trái phiếu cuối năm ngoái của DNP Water là 367 tỷ đồng, giảm 46,5% so với năm 2022.
Tương tự, một doanh nghiệp đầu ngành khác trong hệ sinh thái sản xuất DNP là Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam cũng báo lãi tăng trưởng gần 36%, tương đương gần 20 tỷ đồng.
Tân Phú hiện là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm, bao bì, phụ tùng, linh kiện nhựa phục vụ cho các ngành công - nông - ngư nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, bưu chính viễn thông và gia dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận