Hệ thống nước thải hoạt động độc lập với hệ thống nước mưa
Theo đó, nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải bao gồm một số nội dung: Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.
Nước thải đổ thẳng ra sông (ảnh minh hoạ)
Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải;
Bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực …
Thông tư này của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 10/02/2022.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 95%, tỷ lệ chôn lấp chất thải trực tiếp còn dưới 10%. Đối với các đô thị loại II trở lên, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt theo quy chuẩn phải đạt 50% và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Đến năm 2050, toàn bộ các đô thị phải đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt đạt 100%; 100% đô thị hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng; 100% nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Hàng triệu m3 nước bẩn ra sông mỗi ngày
Được biết, mỗi ngày, những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội… thải ra hàng triệu mét khối nước thải từ sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt, với đủ loại chất độc hại hủy hoại môi trường nước và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ 10% số này được qua nhà máy xử lý trước khi ra sông, biển.
Tính riêng TP HCM ước tính có hơn 3 triệu m3 nước thải đô thị mỗi ngày nhưng tổng lượng nước thải qua xử lý của TP chỉ đạt 316.000 m3/ngày (chiếm tỉ lệ khoảng 10%). Hiện TP HCM có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) công suất 131.000 m3/ngày. Ngoài ra, có 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung gồm trạm Tân Quy Đông (500 m3/ngày); khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (3.700 m3/ngày); trạm Khu tái định cư 17,3 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức (3.000 m3/ngày)…
Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua ở Hà Nội là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh và nước thải của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng vào mà không qua xử lý làm sạch.
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết Hà Nội hiện có nhiều nhà máy xử lý nước thải nhưng chỉ với công suất nhỏ, đáp ứng xử lý được khoảng 25 đến 30% lượng nước thải đô thị, lượng nước thải còn lại vẫn đang được xả thẳng ra các sông, hồ. Đây là một trong những nguồn thải có khối lượng và nồng độ ô nhiễm cao, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của TP, đặc biệt là suy thoái nguồn nước.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho hay theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nước sông, hồ của Hà Nội ở mức thấp, mới đạt khoảng 30% tiêu chuẩn. Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì thành phố có thể sớm nâng tỉ lệ này lên 50%; ngược lại, nếu không quyết liệt, thậm chí chất lượng nước còn tiếp tục giảm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận