Sự nghiệp gây tranh cãi
Ngày 29/11, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut, thọ 100 tuổi.
Ông Kissinger từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng dưới hai đời Tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.
Theo hãng tin Reuters, những năm 1970, ông Kissinger đã tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khi giữ chức cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Những nỗ lực ngoại giao của ông Kissinger đã dẫn đến việc Mỹ mở cửa về ngoại giao với Trung Quốc, các cuộc đàm phán quan trọng về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ - Liên Xô, Israel mở rộng quan hệ với các nước láng giềng Ả rập và quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào năm 1973.
Vai trò “kiến trúc sư trưởng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ của ông Kissinger dần suy yếu sau khi Tổng thống Nixon từ chức vào năm 1974 nhưng ông Kissinger vẫn tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng dưới thời người kế nhiệm của ông Nixon - cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Đến tận những năm cuối đời, ông Kissinger vẫn tiếp tục đưa ra những quan điểm mạnh mẽ.
Giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1973 của ông Kissinger cũng là một trong những giải thưởng Nobel gây tranh cãi nhất trong lịch sử.
Năm đó, ông cùng Cố vấn đặc biệt của Việt Nam - ông Lê Đức Thọ được đồng trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973 nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải vì cho rằng nền hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.
Hai thành viên ủy ban trao giải thưởng Nobel cũng từ chức để phản đối việc trao giải Nobel Hòa bình cho ông Kissinger liên quan đến nghi vấn về việc Mỹ bí mật ném bom Campuchia.
Những sự kiện chính trong sự nghiệp ngoại giao của ông Kissinger
Sau khi đắc cử trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968, cựu Tổng thống Richard Nixon đã bổ nhiệm ông Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng.
Đến năm 1973, bên cạnh vai trò cố vấn an ninh quốc gia, ông Kissinger còn được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ.
Xung đột giữa Ả rập - Israel đã khiến ông Kissinger thực hiện nhiệm vụ ngoại giao “con thoi” đầu tiên trong sự nghiệp. Phong cách ngoại giao này đã trở thành thương hiệu mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Kissinger.
32 ngày di chuyển “con thoi” giữa Jerusalem và Damascus đã giúp ông Kissinger đạt thỏa thuận giữa Israel và Syria về việc Israel rút quân khỏi cao nguyên Golan.
Với Trung Quốc, ông Kissinger đã thực hiện hai chuyến thăm đất nước tỷ dân, bao gồm chuyến đi bí mật gặp cựu Thủ tướng Chu Ân Lai. Kết quả dẫn tới hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông Nixon với cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh và việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Sau khi cựu Tổng thống Ford nhậm chức vào năm 1974, ông Kissinger tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, ông Ford đã bổ nhiệm người khác giữ chức cố vấn an ninh quốc gia vì muốn có thêm tiếng nói mới trong lĩnh vực chính sách ngoại giao.
Cùng năm 1974, ông Kissinger cùng ông Ford thăm Vladivostok thuộc Liên Xô. Tại đây, cựu Tổng thống Mỹ gặp cựu lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và nhất trí về khung cơ sở cho thỏa thuận vũ khí chiến lược. Thỏa thuận này đánh dấu những nỗ lực tiên phong của ông Kissinger nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ - Liên Xô.
Khi ông Ford thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Jimmy Carter trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1976, thời hoàng kim của ông Kissinger dần kết thúc. Tổng thống Mỹ tiếp theo là ông Ronald Reagan cũng giữ khoảng cách với ông Kissinger.
Sau khi rời chức vụ trong Chính phủ Mỹ, ông Kissinger thành lập công ty tư vấn cho các doanh nghiệp có tiếng trên thế giới tại New York. Ông Kissinger tiếp tục giữ vai trò trong ban điều hành công ty, xuất hiện tại nhiều diễn đàn về an ninh và chính sách ngoại giao, viết sách, trở thành nhà bình luận trên truyền thông về các vấn đề quốc tế.
Trong những năm cuối đời, ông Kissinger vẫn tham dự các cuộc họp tại Nhà Trắng, xuất bản cuốn sách về phong cách lãnh đạo. Chỉ cách đây 3 tháng, ông Kissinger bất ngờ thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận