Hầm Hải Vân 2 góp phần đảm bảo ATGT, thúc đẩy phát triển KT-XH
Lúc cao điểm cũng không còn ùn tắc
7h sáng, anh Nguyễn Văn Cường (29 tuổi) điều khiển chiếc xe đầu kéo biển số Đà Nẵng bon bon trên đường dẫn hầm Hải Vân ra hướng Bắc. Mặt đường dẫn êm thuận, thông thoáng, chiếc xe đầu kéo không mất quá nhiều thời gian để vào hầm Hải Vân 2. Mất hơn 20 phút, anh Cường cùng xe hàng đã đặt chân đến địa phận Thừa Thiên - Huế.
“Phải nói là rất khỏe, có hầm Hải Vân 2 không phải bò từng chút một mỗi khi xe cộ đông đúc. Trước đây, chỉ có hầm Hải Vân 1 với một đường dẫn, hễ gặp xe nào đi trước chạy kiểu “rùa bò” là cả 40 phút chưa qua khỏi hầm. Giờ rút ngắn được thời gian, đỡ hao dầu, cũng không sợ xe lấn làn vượt ẩu nữa”, anh Cường nói.
Tương tự, anh Phước, một tài xế xe khách đường dài từng bị xử phạt về hành vi vượt ở nơi cấm vượt cũng chia sẻ: “Mỗi dịp lễ, Tết hoặc giờ cao điểm đi qua hầm rất ức chế. Nhiều xe chạy quá chậm, dưới tốc độ tối thiểu, ùn tắc diễn ra triền miên. Nay chỉ hơn 5 phút là có thể xuyên qua hầm”.
Ghi nhận của PV, hiện hai ống hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2 đã tách thành hai chiều với hai đường dẫn Bắc - Nam riêng biệt, mỗi đường dẫn có hai làn xe. Nhờ đó, việc lưu thông trên đường dẫn và trong hầm lúc cao điểm không còn cảnh ùn tắc như trước.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, từ khi hầm Hải Vân 2 đưa vào khai thác, tình trạng ùn tắc giao thông không còn, tầm nhìn trong hầm thông thoáng, vận tốc trung bình của các xe tăng khoảng từ 45km/h lên 65km/h, thời gian trung bình qua hầm giảm khoảng 50% so với trước đây.
“Đặc biệt, thời gian trung bình các phương tiện qua hầm giảm từ khoảng 15 phút xuống chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tai nạn và không còn xảy ra các tình huống gây ùn tắc kéo dài để lực lượng chức năng phải phân luồng điều tiết giao thông một làn như trước đây. Hầm Hải Vân 2 hoàn thiện đưa vào khai thác cũng chấm dứt việc đóng hầm từ 3h - 4h sáng để thi công. Điều đó đã tạo điều kiện cho các phương tiện được lưu thông qua hầm 24/24h”, ông Nam cho biết.
Giảm tối đa tình trạng mất ATGT
Thực tế, trước khi hầm Hải Vân 1 được đưa vào khai thác, “thiên hạ đệ nhất hùng quan” - đèo Hải Vân là nỗi ám ảnh của cánh tài xế trên hành trình thiên lý Bắc - Nam bởi những con dốc đứng, khúc cua cùi chỏ.
Trên đường đèo đã xảy ra hàng trăm vụ TNGT lớn nhỏ. Những đền, miếu dọc hai bên đường đèo là minh chứng cho sự nguy hiểm khi qua cung đường đèo này. Đến nay, nỗi ám ảnh đèo Hải Vân đã không còn khi hai ống hầm Hải Vân 1 (khánh thành năm 2005) và hầm Hải Vân 2 (khánh thành tháng 1/2021) được đưa vào khai thác.
Ông Ngọ Trường Nam cho biết, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông qua hầm Hải Vân trong dịp Tết Tân Sửu tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm. Do vận hành cả 2 ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến.
Đồng thời, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành cũng đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn. Số lượng người dân đi xe gắn máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro TNGT khi phải điều khiển xe gắn máy đi qua đường đèo như trước.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, hầm Hải Vân 2 đưa vào khai thác song song với hầm Hải Vân 1 đã giảm thiểu tối đa tình trạng mất ATGT, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân các địa phương.
Lãnh đạo Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cũng đánh giá, hai ống hầm Hải Vân hoạt động song song, phương tiện lưu thông hai chiều riêng biệt, giảm hẳn nỗi lo TNGT đối đầu. Với hai làn xe trên mỗi đường dẫn vào hầm, việc phân luồng khi có sự cố cũng dễ dàng hơn nhiều.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, hầm Hải Vân 2 không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, hạn chế nguy cơ mất ATGT mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ cho khu vực. Tạo trục đường quốc gia đồng bộ, thông suốt với các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với cả nước.
Hầm Hải Vân 2 nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả bao gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 5.048 tỷ đồng, do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2km (2 làn xe rộng 7m), đường dẫn phía Bắc 1,7km và đường dẫn phía Nam 4km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, công nghệ thi công dự án này hoàn toàn dựa vào bàn tay của các kỹ sư Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận