Bởi lẽ, sau Covid-19 không ai dư dả cả, bất cứ một khoản chi phí nào ngoài dự kiến cũng trở thành gánh nặng cho người lao động.
Số người bị ghi nhầm chỉ số công tơ điện ở miền Bắc tính sơ bộ đã lên tới hơn 2.000 trường hợp. Có những hóa đơn tiền điện tăng gấp 3, thậm chí gấp 30 lần. Nhưng người bị ghi nhầm càng nhiều thì lại càng… may mắn hơn vì chắc chắn không phải mất tiền oan.
Không ai chấp nhận nộp hóa đơn tiền điện từ 500 nghìn đồng/tháng lên 16 triệu đồng/tháng như kiến nghị của một hộ dân ở Nghệ An. Hay như một trường hợp khác ở Quảng Bình, khách hàng hết hồn vì hóa đơn tiền điện thông thường chỉ vài trăm nghìn một tháng bỗng vọt lên 58 triệu đồng.
Thậm chí có khách hàng khi phản ánh về hóa đơn giá trên trời thì nhận được lời giải thích là nắng nóng, người ghi chỉ số công tơ bị… hoa mắt, ở Quảng Ninh thì là do thiết bị dính bụi bẩn nên nhầm con số.
Hiện nay, ngành Điện lực đang duy trì 3 hình thức ghi chỉ số công tơ: Ghi chỉ số tự động; ghi chỉ số bán tự động và ghi chỉ số thủ công.
Theo giải thích của ngành điện, quá trình ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện, quy trình phúc tra, kiểm tra đều được thực hiện đầy đủ.
Và vì thực hiện quy trình đầy đủ nên mới phát hiện ra những hóa đơn cao vọt hàng chục triệu đồng, tất cả các trường hợp này, chưa một ai phải chi trả tiền do ghi chỉ số nhầm lẫn.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã yêu cầu phúc tra tất cả các hóa đơn tăng 30%. Đây là động thái đáng biểu dương dù gây hệ lụy rất lớn vì phải huy động lượng nhân sự rất lớn để thực hiện.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, vấn đề quản trị của EVN rất có vấn đề. Máy móc thì có thể kiểm tra, nhưng quản trị con người thì cần một hệ thống đối chiếu, giám sát để có muốn cũng không thể làm sai.
Ngoài những hóa đơn giá “trên trời” khiến người dùng mới nhìn đã muốn “đột quỵ” thì nhiều ý kiến cho rằng, tiềm ẩn sự không minh bạch lại là những hóa đơn chỉ tăng vừa phải nhưng ghi bớt đi ở tháng trước, rồi cộng dồn ở tháng sau, khiến tháng sau phải nộp tiền cao hơn do vượt lên khung “tiêu thụ nhiều”.
Trước sự lo lắng chính đáng của người dân, EVN cần rà soát nội bộ, đối chiếu các chỉ số thực tế trên máy hàng tháng với số ghi trên hóa đơn tính tiền điện cho khách hàng.
Thiết nghĩ, trước phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện tăng vọt thời gian gần đây và việc triển khai khá chậm của EVN điều chỉnh cách tính tiền điện, Chính phủ cần yêu cầu thanh tra tổng số kw tiêu thụ theo hóa đơn của khách hàng và tổng số kw điện lực các tỉnh mua điện của EVN.
EVN cũng nên mời đơn vị trung gian kiểm định công tơ xem lỗi là ở người ghi chỉ số hay lỗi công tơ. Chỉ có như vậy mới khiến người dân tin và có thể hóa giải “nỗi oan” cho những người làm ngành điện, nếu những nghi ngờ trên là không đúng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận