Chuyển tải hàng hóa giữa phương tiện thủy và tàu biển tại Quảng Ninh |
Loại giấy phép con, không hạn chế kinh doanh
Từ cuối năm 2017 đến nay, bến khách ngang sông Tự Nhiên nối hai bờ sông Hồng (tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội và xã Phương Trù, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) bị dừng hoạt động chỉ vì Sở GTVT Hưng Yên yêu cầu bến thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên không được tiếp nhận phương tiện từ bến Tự Nhiên.
Nguyên nhân sâu xa do một bến phía bờ Hà Nội phản đối, trong giấy phép mở bến của bến Tự Nhiên không ghi tên bến tiếp nhận phương tiện và trong quy định về vận tải khách ngang sông có điều kiện là phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến. Nhiều lần họp lên, họp xuống nhưng nguyện vọng kinh doanh chính đáng của chủ bến Tự Nhiên và Phương Trù không được đáp ứng, khiến những người vận hành bến Tự Nhiên nản lòng, tính đến chuyện bỏ bến, bỏ đò.
Nghị định 128 của Chính phủ bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh vận tải thủy theo tuyến cố định, hợp đồng chuyến, vận chuyển khách du lịch, khách ngang sông, vận tải hàng hóa. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, tổ chức, cá nhân tham gia vận tải thủy phải lập doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, các đơn vị, hộ kinh doanh cá thể đã kinh doanh trước ngày nghị định có hiệu lực tiếp tục được giữ nguyên mô hình hoạt động. |
Tuy nhiên, từ ngày 24/9, khi Nghị định 128 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy) có hiệu lực, bến đò Tự Nhiên đương nhiên được phép vận tải trở lại. Bởi nghị định mới bãi bỏ quy định về việc chấp thuận của cơ quan quản lý vận tải.
“Chúng tôi từng rất thất vọng, tưởng rằng sẽ phải bán đò, chịu cảnh thất nghiệp. Nhưng với quy định mới này, chúng tôi sẽ tiếp tục chở khách để có công ăn việc làm”, ông Trần Văn Gác, chủ bến đò Tự Nhiên vui mừng nói và cho rằng, quy định này sẽ thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, bớt cảnh “ngăn sông, cấm chợ” trong lĩnh vực đường thủy.
Liên quan trường hợp hy hữu trên, ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Vận tải & ATGT Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định, theo quy định tại Nghị định 128, kinh doanh vận tải khách ngang sông không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý như trước đây.
“Kinh doanh vận tải khách chỉ cần đáp ứng các điều kiện cơ bản như có bến, có giấy phép mở bến, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, người lái có chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hai bến đồng ý tiếp nhận phương tiện của nhau. Còn cơ quan quản lý không được đòi hỏi, yêu cầu có sự chấp thuận hoạt động đối với bến đò”, ông Thắng cho biết.
Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, không chỉ vận tải khách ngang sông, nghị định mới cũng bãi bỏ quy định cơ quan quản lý chấp thuận mở tuyến, hoạt động đối với kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng, phương án khai thác vận tải.
“Đơn vị có phương tiện chỉ cần được các chủ cảng bến đồng ý tiếp nhận phương tiện là được kinh doanh vận tải, không cần xin phép Sở GTVT địa phương như trước. Doanh nghiệp mới lập được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp, phương tiện đang khai thác”, Trưởng phòng Vận tải & ATGT Nguyễn Việt Thắng cho biết thêm.
Định hướng mô hình mới
Trên suối Yến chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hiện có hơn 3.600 đò chở khách hoạt động, giúp mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người dân. Số lượng phương tiện rất nhiều và thi thoảng tăng thêm, nhưng bất cập là tất cả đều đứng tên cá nhân, hộ gia đình nên không có người điều hành vận tải, sắp xếp phương tiện ra vào dẫn đến tình trạng hoạt động lộn xộn, tranh giành khách, chở quá tải, giá cả “chặt chém”. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, đây cũng là thực trạng chung trong hoạt động vận tải khách, hàng hóa bằng đường thủy trong nhiều năm qua, phần nào tạo ra bức tranh vận tải thủy nhỏ lẻ, manh mún, khiến chất lượng dịch vụ vận tải thủy thấp, lạc hậu.
Điều này được kỳ vọng sẽ thay đổi, bởi Nghị định 128 quy định, từ nay về sau, các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải thủy phải lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, so với trước đây, nghị định cũng bãi bỏ hàng loạt các điều kiện ban đầu, hoạt động doanh nghiệp vận tải thủy như: Tổ chức bộ máy, bộ phận và trình độ người điều hành vận tải, hợp đồng với người thuê vận tải, nơi neo đậu phương tiện.
“Đơn vị, cá nhân lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã là được tham gia kinh doanh vận tải thủy. Cơ quan quản lý chuyển từ cơ chế tiền kiểm các điều kiện sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho thành lập, hoạt động doanh nghiệp”, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đa số các chủ phương tiện thủy cho rằng, việc chuyển sang mô hình hộ gia đình, cá nhân sang doanh nghiệp không khó và còn giúp dễ hơn trong vay vốn, giao dịch kinh doanh.
“Lập doanh nghiệp thì khó lách thuế, nhưng cũng đỡ được chuyện cạnh tranh không lành mạnh, phá giá vận tải, chèn ép nhau”, anh Hậu, chủ phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng từ Phú Thọ đi Nam Định nhận xét.
Đề cập vấn đề trên, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho biết, điểm yếu của vận tải thủy là theo mô hình cá thể, tự phát nên nguồn lực bị phân tán, khó hình thành được các doanh nghiệp mạnh để cạnh tranh với vận tải đường bộ.
“Định hướng phát triển vận tải thủy theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức là phù hợp, góp phần thu hút đầu tư để đổi mới phương tiện, nhân lực, nâng sức cạnh tranh của đường thủy. Tuy vậy, cần có các gói tín dụng của Nhà nước, ưu đãi thuế, lãi suất để kích cầu đầu tư vào vận tải, dịch vụ vận tải thủy”, ông Trần Đỗ Liêm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận