Các nhà thầu cho biết, công tác giải ngân cho nhà thầu được các chủ đầu tư, BQL dự án thuộc Bộ GTVT thực hiện rất nhanh chóng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45). Ảnh: Đình Quang
Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ GTVT đã giải ngân 13.516 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT đang quyết liệt đốc thúc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nhiều giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng còn lại, riêng trong tháng 6/2021 sẽ phải giải ngân thêm khoảng 2.976 tỷ đồng.
Kỳ vọng đầu tàu giải ngân lập kỷ lục mới
Năm 2020, PMU Thăng Long lập kỷ lục khi giải ngân hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm 25% giá trị giải ngân của Bộ GTVT, đây là con số cao nhất của PMU Thăng Long trong nhiều năm trở lại đây. Tuy vậy, cột mốc trên có thể bị phá vỡ ngay trong năm 2021 khi đơn vị này kỳ vọng sẽ giải ngân hết toàn bộ số vốn được giao trong năm 2021 (đã điều chỉnh) lên tới 8.493 tỷ đồng, gồm: 813 tỷ đồng vốn cho các dự án ODA và hơn 7.680 tỷ đồng vốn dự án ngân sách Trung ương.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, tính đến hết tháng 5/2021, Ban QLDA Thăng Long đã giải ngân được 4.319 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch vốn đã giao năm 2021, cao nhất trong số các hộ kế hoạch thuộc Bộ GTVT. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2021, PMU Thăng Long giải ngân được 740 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, kết quả giải ngân đạt được của Ban QLDA Thăng Long đến từ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long và sự vào cuộc rốt ráo của nhà thầu trong công tác triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp tại hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương nơi hai dự án đi qua thực hiện quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng góp phần gia tăng giá trị giải ngân vốn của Ban QLDA Thăng Long từ đầu năm đến nay. “Công tác giải ngân hiện không có gì vướng mắc, nhà thầu làm đến đâu, chúng tôi tiến hành giải ngân ngay tới đó khi hoàn thiện đủ thủ tục hồ sơ nghiệm thu khối lượng. Ban QLDA Thăng Long phấn đấu hoàn thành giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2021”, ông Sơn nói.
Về phía nhà thầu, ông Trần Quang Tuyến - Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, đơn vị đang triển khai thi công hai gói thầu xây lắp trị giá hàng trăm tỷ đồng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (XL01) và Cam Lộ - La Sơn (XL08).
“Trong nhiều năm trở lại đây, công tác giải ngân cho nhà thầu được các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT thực hiện rất nhanh chóng và kịp thời. Đối với hai gói thầu chúng tôi đang thi công trên cao tốc Bắc - Nam, nhà thầu làm đến đâu, có khối lượng được nghiệm thu, các ban quản lý dự án đều giải ngân ngay, không có gì vướng mắc bởi các dự án đều rất sẵn tiền”, ông Tuyến nói.
Cúng theo ông Tuyến, cản trở đối vơi nhà thầu đang phải đối mặt hiện nay là nguồn đất đắp nền đường tại các gói thầu cao tốc Bắc - Nam thiếu hụt trầm trọng, có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu trong thời gian tới nên cần cơ cơ quan chức năng, chính quyền nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ.
Luật Đầu tư công không cản trở tiến độ giải ngân vốn
Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT), năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch khoảng 43.401 tỷ đồng, gồm: 42.996 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021 và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Đến nay, Bộ GTVT đã giao kế hoạch chi tiết 40.933/42.996 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, còn lại 2.062,91 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để giao chi tiết kế hoạch.
Tính đến hết tháng 5/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 13.516 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch đã phân bổ và đạt 32,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng tháng 5/2021, Bộ GTVT giải ngân được 2.898/3.357 tỷ đồng, chậm khoảng 460 tỷ đồng..
“Các quy định của Luật Đầu công không có gì vướng mắc, cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án giao thông”, ông Huy nói và cho biết, nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ GTVT chưa đạt so với kế hoạch đề ra chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tại một số địa phương còn chậm.
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu phục vụ thi công tại một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua các địa phương như Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai vẫn đang thiếu hụt. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quyết liệt việc đôn đốc thực hiện dự án, chậm hoàn thành các thủ tục nội nghiệp.
Theo ông Huy, trong tháng 6/2021, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 2.976 tỷ đồng nhằm đảm bảo giải ngân lũy kế hết tháng tháng 6/2021 đạt khoảng 16.492 tỷ đồng, đạt 38,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương để tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, vị trí bãi đổ thải và đẩy mạnh các thủ tục nội nghiệp, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với khối lượng đã thi công được nghiệm thu”, đại diện Vụ KH&ĐT chia sẻ.
Chậm tiến độ sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Đại diện Vụ KH&ĐT cho biết, thời gian tới, Vụ KH&ĐT sẽ phối hợp với Cục QLXD&CLCTGT tiếp tục rà soát để tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT kịp thời điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án.
Đến hết tháng 6/2021, nếu tình hình thực hiện các dự án chậm, không chuyển biến sẽ đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm vốn đã bố trí cho dự án. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT và trước pháp luật. Đối với các ban quản lý dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận