Vốn ít, vay nhiều khiến lợi nhuận của công ty mẹ TKV trong suốt 9 tháng năm 2016 bị giảm - Ảnh: Tạ Tôn |
Có nhiều doanh nghiệp (DN) đi vay vốn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu để kinh doanh khiến không kiểm soát được chi phí lãi vay dẫn đến tình trạng lãi giảm, lỗ tăng. Thậm chí, nhiều DN có giao dịch liên kết, chuyển giá nhiều năm liên tiếp báo lỗ... gây thất thu thuế.
Lãi vay “đánh tụt” lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, đến ngày 30/9/2016, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Công ty mẹ TKV) có văn phòng tập đoàn, 30 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Tại thời điểm ngày 30/9, Công ty mẹ TKV đã vay ngắn hạn khoản tiền 11.205 tỷ đồng và khoản vay dài hạn 46.298 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khi khoản vay dài hạn giảm nhẹ 0,36% thì khoản vay ngắn hạn lại tăng mạnh 14,86% so với đầu năm. Riêng đối với khoản vay ngắn hạn, nợ đến hạn phải trả thời điểm 30/9/2016 lên đến 5.021 tỷ đồng (chiếm 44,8% giá trị của tổng khoản vay ngắn hạn).
Nếu tính các khoản vay của Công ty mẹ TKV thì số nợ vay ở thời điểm 30/9/2016 gấp gần 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay của công ty tại thời điểm 30/9/2016 tương đương 31,6%% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Vốn ít, vay nhiều đã dẫn đến công ty phải trả lãi vay cao. Nếu so sánh với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng 2016 (là 4.416,6 tỷ đồng) thì chỉ riêng chi phí lãi vay của công ty đã chiếm gần một nửa (lên tới 2.038,6 tỷ đồng). Công ty mẹ TKV ở trên mới chỉ có số vay nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,7 lần tại thời điểm 30/9/2016. Ở mức cao hơn, theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, nhiều đơn vị khác có số vay nợ trên vốn chủ sở hữu thấp là 2,6 lần, còn cao hơn có những dự án lên tới 10 lần. “Mới đây nhất, là dự án của một tập đoàn triển khai ở Quảng Ninh với số vốn gần 50 nghìn tỷ đồng nhưng đơn vị chỉ có vốn chủ sở hữu chiếm 15%, còn lại đi vay ngân hàng 85%; hay một dự án đình đám khác ở ngay Hà Nội cũng vay vốn tới 85%”, vị lãnh đạo này nói. Theo ông, việc vay vốn quá cao so với vốn chủ sở hữu (hay còn gọi là vốn mỏng) sẽ khiến DN rơi vào tình trạng “quá mất an toàn”. Nên việc khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay này cũng nhằm hạn chế DN trông chờ vay vốn ngân hàng và phải tìm cách huy động vốn góp trực tiếp.
Hết thời đi vay hoành tráng
Hiện nay, tất cả chi phí lãi vay của DN đều được loại trừ khi tính thuế thu nhập DN. Nhưng kể từ thời điểm 1/5 tới, Chính phủ đã khống chế con số này chỉ còn 20% và áp dụng cho tất cả các DN, đơn vị có giao dịch liên kết theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017. Nếu chi phí lãi vay vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ thì DN phải nộp thuế cho phần vượt này. Đơn cử, trường hợp TKV, nếu tiếp tục giữ tỷ lệ 31,6% nói trên thì đến kỳ tính thuế 2017 (thực hiện tháng 3/2018), Công ty mẹ TKV sẽ phải chịu thuế thu nhập DN cho 11,6% tỷ lệ chi phí lãi vay vượt như tính toán ở trên.
"Nghị định 20 đã quy định rõ, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá tỷ lệ 20% lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao. Mục tiêu của nghị định là củng cố việc thực thi các quy định về giá giao dịch liên kết tại Việt Nam, đồng thời cũng tăng nghĩa vụ tuân thủ của người nộp thuế. Mặc dù Nghị định 20 có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017, nhưng người nộp thuế cần sớm chủ động nghiên cứu, đánh giá mức độ của các tác động đến việc nộp thuế cũng như hoạt động kinh doanh của mình”. Bà Nguyễn Hương Giang |
Nói về quy định này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho hay, chắc chắn rất nhiều DN sẽ không thích vì thực tế, không ít DN kinh doanh trong tình trạng “tay không bắt giặc”, vốn tự có chỉ chiếm tỷ lệ rất hạn chế mà chủ yếu dựa vào tín dụng.
Một lãnh đạo ngành Thuế cũng cho hay, không ít DN FDI hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, thương mại hay dịch vụ... doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh... nhưng lại liên tục báo lỗ và nhiều năm hoạt động ở Việt Nam chưa đóng thuế thu nhập DN. Theo phân tích, tình trạng lỗ này do chi phí tài chính, trong đó có chi phí lãi vay quá lớn. Có công ty trả lãi tiền vay vốn lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm và nhiều trường hợp chủ nợ lại chính là công ty mẹ ở nước ngoài. “Tỷ lệ 20% cũng là nhằm cân bằng lợi ích giữa DN và nước đầu tư”, vị này giải thích và cho rằng “cũng phải khống chế để không xảy ra tình trạng anh này cứ làm để đi nuôi anh khác”.
Về ảnh hưởng của quy định này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, quy định sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN nhưng không quá lớn vì tỷ lệ khống chế mới là 20% trong khi khung trên thế giới từ 5 - 30%. Một số nước như Trung Quốc còn khống chế vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 1,4 lần, Mỹ là 1 lần, châu Âu 0,85 lần...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận