Ngày 26/2/2019, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân (BN) Ong Văn T., 43 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư vì ho từng cơn và khó thở có tiếng rít, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi hen phế quản.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trước khi đi viện khoảng 1 tuần, anh Ong Văn T. đau họng, không sốt, đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được chẩn đoán viêm amidan mủ. Anh T. dùng thuốc theo đơn nhưng sau đó thấy xuất hiện những cơn ho, khó thở nên gia đình đã đưa anh T. trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn và được nhập viện.
Trong quá trình điều trị, anh T. xuất hiện nhiều cơn ho, kèm khó thở, trong cơn có tiếng thở rít, sau cơn ho, khó thở, bệnh nhân khạc đờm trắng, dính, có cơn ho, khó thở nặng, tím tái... Kết quả chẩn đoán là liệt cơ mở thanh quản nên được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi họng T.Ư và tiếp tục được chuyển sang bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS. Nguyễn Hải Anh, người trực tiếp thăm khám điều trị cho bệnh nhân cho biết: "Với kinh nghiệm lâm sàng 35 năm khám và điều trị bệnh về hô hấp, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy một bệnh cảnh đặc biệt như bệnh nhân T. Tại đây bệnh nhân được xác định mắc ho gà, căn bệnh vốn chỉ xuất hiện ở rải rác trẻ nhỏ".
Sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân Ong Văn T. đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện vào ngày hôm nay 8/3.
Ở trẻ nhỏ, nếu ho gà không kịp thời được phát hiện và điều trị, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp. Cụ thể, có thể dẫn tới viêm phổi nặng - là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; Viêm não: là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao với biểu hiện trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.
Ngoài ra, có thể gặp biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận