16 năm sống với căn bệnh tim bẩm sinh
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi N.V.V, trẻ được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, bị thông liên nhĩ từ 22 ngày tuổi. Suốt nhiều năm qua, gia đình đã nỗ lực đưa con đi chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng đều nhận được câu trả lời rằng tình trạng của trẻ quá phức tạp, không thể can thiệp phẫu thuật, tỷ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, V chỉ được khám định kỳ và chỉ có thể phó mặc hoàn toàn vào may mắn, sự sống kéo dài được ngày nào hay ngày đó.
Suốt 16 năm sống chung với bệnh tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch phức tạp, bệnh nhi N.V.V luôn trong tình trạng mệt mỏi, thở dốc, da xanh tím.
Theo các bác sĩ tim mạch nhi, chuyển gốc động mạch là một khuyết tật nghiêm trọng của tim, xuất hiện ngay từ khi mới sinh ra, làm thay đổi đường máu lưu thông khắp cơ thể, gây ra tình trạng thiếu oxy trong máu đi từ tim đến các phần còn lại của cơ thể. Tỷ lệ tử vong của trẻ mắc bệnh là 30% trong tuần đầu sau sinh, 50% trong tháng đầu và 90% trong năm đầu tiên.
Thế nhưng, bệnh nhi N.V.V là một trong những trường hợp hi hữu có thể kéo dài sự sống trong suốt 16 năm qua mà không phẫu thuật. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp khi thường xuyên mệt mỏi, khó thở, tím môi, tím tay chân, hoạt động thể lực rất hạn chế và có nguy cơ đột tử bất cứ thời điểm nào.
Hồi sinh trái tim dị tật
Được phát hiện tình trạng tim bẩm sinh rất nặng trong buổi khám sàng lọc miễn phí bệnh tim cho trẻ em dưới 18 tuổi, cậu bé N.V.V được PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các đồng nghiệp đưa về bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, thông tim để đánh giá toàn trạng và được chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất trước khi bước vào cuộc mổ.
"Chúng tôi phải vá lỗ thông liên nhĩ, tạo hình van động mạch phổi và động mạch chủ, đồng thời chuyển các đại động mạch về vị trí bình thường. Đây là ca mổ rất khó khăn, mọi thao tác đều cần độ chính xác cao, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh gây hẹp các đường vào và đường thoát của tim, đồng thời giảm tối đa nguy cơ loạn nhịp sau phẫu thuật, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ", PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo của cả ekip, sau 6 giờ đồng hồ, ca mổ thành công tốt đẹp, trái tim của bệnh nhi đã có thể hoạt động giống như người bình thường.
Tuy nhiên, quá trình hồi sức của V cũng khá phức tạp do V bị tím trong nhiều năm, máu bị cô đọng nhiều nên nguy cơ tắc mạch hoặc chảy máu trong và sau mổ cao hơn so với các trường hợp khác. Vì vậy, các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc đặc biệt, kiểm soát độ cô đặc máu, đông máu, cũng như hô hấp, đường thở cho bệnh nhi để đảm bảo các chức năng về huyết động và chức năng các tạng. Sau điều trị, N.V.V được ra viện trong niềm hạnh phúc của các bác sĩ và gia đình.
Sau 2 tháng phẫu thuật, giờ đây cuộc sống V đã tốt hơn, da dẻ hồng hào, trở lại đi học bình thường và còn có thể leo núi chặt củi, làm nhiều việc giúp đỡ gia đình.
Được biết, mỗi năm, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cho khoảng 50 - 60 trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh chuyển gốc động mạch, với tỷ lệ thành công ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Trẻ sau phẫu thuật được cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều, học tập, sinh hoạt như trẻ bình thường và không cần đến bệnh viện khám liên tục.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận