Sản lượng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn đánh dấu bước tăng trưởng mạnh nhờ các giải pháp đầu tư chiến lược, quản lý hiện đại, chuỗi dịch vụ khép kín, định vị cảng logistics hàng đầu miền Trung |
Đồng bộ hạ tầng
Mục tiêu trong năm 2018, cảng Quy Nhơn đạt sản lượng hàng hóa cán đích 7,7 triệu tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Những tháng cuối năm 2017, vấn nạn tàu chìm nghẽn luồng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) khiến hàng hóa ra vào cảng Quy Nhơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bằng giải pháp linh hoạt, chủ động, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phối hợp chặt chẽ địa phương, Cục Hàng hải VN (Bộ GTVT) mở luồng hàng hải tạm, đẩy nhanh công tác nạo vét…, góp phần sớm giải phóng thế bế tắc luồng lạch, kích thích đà tái tăng trưởng hàng hóa. Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn, kết thúc năm 2017, cảng thực hiện gần 7,2 triệu tấn hàng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã được đại hội đồng cổ đông giao.
"Cảng từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn ước đạt 10,5 - 12 triệu tấn/năm. Chiến lược dài hạn là tập trung phát triển hàng hóa bằng container." Bà Nguyễn Thị Nghiệp |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Nghiệp, thành viên thường trực HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết: Tiếp đà tăng trưởng, năm 2018, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu tăng sản lượng hàng hóa qua cảng lên 7,7 triệu tấn, trong đó, hàng container đạt 125 nghìn Teus, tăng gần 10% so với năm 2017. Theo bà Nghiệp, đơn vị đề ra các chiến lược tổng thể từ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chuỗi giá trị logistics, đến mở rộng nguồn hàng, giảm giá thành dịch vụ… để đem lại chất lượng tốt nhất, hài lòng nhất cho khách hàng.
Dự kiến ngay quý I/2018, cảng Quy Nhơn sẽ hoàn thành công tác nạo vét khu nước trước bến để đưa vào khai thác; thực hiện các dự án phát triển mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cảng đang hoàn thiện thủ tục nâng cấp cầu cảng số 4 hiện hữu từ 50 nghìn DWT lên 70 nghìn DWT (giảm tải) ra - vào làm hàng an toàn và theo tiêu chuẩn hiện đại để phục vụ sản xuất. Hiện nay, cảng Quy Nhơn đang triển khai các thủ tục để đầu tư thêm một cầu tàu 50 nghìn DWT có chiều dài 200m.
Đồng thời, cảng Quy Nhơn đầu tư xây dựng cảng cạn ICD tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định). Các trang thiết bị được đầu tư hiện đại như thiết bị chuyên dụng khai thác hàng rời như: Máy hút thức ăn gia súc; Băng tải xuất hàng rời; Đầu tư đội xe đầu kéo chuyên dụng phục vụ khai thác container trong cảng và từ ICD về đến cảng. Đầu tư cần cẩu chuyên dụng phục vụ khai thác container (2 cẩu STS, 3 cẩu RTG). Đầu tư cẩu xích 120 tấn và cần cẩu phục vụ khai thác tàu lớn. Lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết: Đơn vị đầu tư mới các thiết bị khai thác chuyên dụng sử dụng điện, tăng cao năng suất xếp dỡ hàng hóa, với tổng số tiền lên đến 1.500 tỷ đồng cho giai đoạn đến năm 2020.
Định vị cảng logistics
Bà Nguyễn Thị Nghiệp nhấn mạnh: Trong hoạt động kinh doanh, cảng luôn tìm mọi cách nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng ứng dụng công nghệ xếp dỡ hiện đại, tạo nhiều tiện ích, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng, tiến hành tái cơ cấu mô hình hoạt động nhằm phát triển kinh doanh theo hướng chuyên sâu, chú trọng tập trung phát triển container, phát triển dịch vụ logistics, đa dạng dịch vụ phụ cho khách hàng.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là nâng cao phương thức hoạt động logistics của cảng Quy Nhơn từ mức cung cấp dịch vụ bên thứ 2 (2PL) lên mức cung cấp dịch vụ bên thứ 3 (3PL). Trong hơn ba năm qua, cảng Quy Nhơn đã tập trung đầu tư và phát triển hoạt động logistics về cả quy mô và chiều sâu. Cụ thể, từng bước thực hiện đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển: Đã đầu tư hệ thống băng tải xếp dỡ hàng dăm gỗ rời công suất 400 tấn/h, tăng bốn lần công suất hiện tại, rút ngắn được 50% thời gian khai thác tàu. Đầu tư hệ thống cần cẩu, máy đào, máy xúc, máy ủi, hệ thống phễu rót hàng rời,thiết bị hút hàng rời công suất 150 tấn/h… nhằm nâng cao năng suất xếp dỡ hàng rời, hàngbao, hàng cây, hàng kiện… Đầu tư hệ thống tàu lai với tổng công suất 14 nghìn CV phục vụ lai dắt tàu thủy ra vào liên tục 24 giờ trong ngày, có thể phục vụ trong điều kiện thời tiết gió cấp 6 - 7 đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin điều hành khai thác cảng như: Phần mềm quản trị ERP, phần mềm khai thác cảng; Hệ thống tổng đài nội bộ, hệ thống camera giám sát cầu tầu; Hệ thống truyền hình trực tuyến... góp phần số hóa dữ liệu, minh bạch thông tin.
Bà Nghiệp cho biết, cảng tiếp tục triển khai dịch vụ trọn gói (xếp dỡ, vận chuyển) cho một số khách hàng, bước đầu sẽ thực hiện khách hàng sắn lát, tôn cuộn, phân bón bao… Tổ chức bố trí, khai thác cầu bến hợp lý, giải phóng tàu nhanh, kết hợp đưa vào sử dụng công nghệ xếp dỡ để nâng cao năng suất lao động; khai thác hiệu quả hệ thống băng tải 400 tấn/h hiện có và tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm một hệ thống băng tải để tăng năng suất xếp dỡ từ 6.000 tấn tươi/ngày lên 12 - 15 nghìn tấn tươi/ngày, rút ngắn 50% thời gian làm hàng, góp phần nâng cao hiệu suất khai thác cầu cảng và tiết giảm được chi phí cho khách hàng…
Mở rộng nguồn hàng từ chất lượng dịch vụ
Bà Nguyễn Thị Nghiệp cho biết: Ngoài khách hàng truyền thống, cảng tập trung cơ chế, chính sách để thu hút, mở rộng nguồn hàng, đối tác ra vào cảng. Theo đó, cảng tăng cường công tác marketing, quan hệ khách hàng, bám sát thị trường, kịp thời thu hút hàng hóa về cảng Quy Nhơn với nhiều chính sách ưu đãi đột phá. “Cảng định hướng cơ cấu lại mặt hàng phù hợp, tập trung khai thác hàng rời và phát triển hàng container, các dịch vụ logistics với vấn đề cốt lõi không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, ưu đãi giá thành, kéo giảm thời gian giải phóng tàu nhanh”, bà Nghiệp nói.
Năm 2018, đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của cảng Quy Nhơn khi kết nối giữa hãng tàu container Hải An và Công ty Đạm Phú Mỹ để chuyển hàng bao từ tàu thủy truyền thống sang vận chuyển bằng container. Đồng thời, mở rộng các nguồn hàng có khả năng xuất, nhập bằng container như: Viên gỗ nén, tinh bột sắn, gỗ cao su, phân bón… với chiến lược kết nối các khách hàng, hãng container và hãng tàu làm tăng sản lượng container thông qua cảng.
Bên cạnh đó, cảng chú trọng phát triển văn hóa ứng xử, quản trị doanh nghiệp và chất lượng đội ngũ CBCNV, đặc biệt nguồn nhân lực cho logistics, tăng cường công tác quản lý theo hướng quản trị hiện đại, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận